Nga thử tên lửa đạn đạo liên lục địa mới nhất

18:18, 16/09/2015
|

(VnMedia) - Tên lửa đạn đạo liên lục địa hạng nặng mới nhất - Sarmat của Nga có thể sẽ được đưa vào thử nghiệm trong đầu năm 2016. Thông tin trên vừa được một quan chức giấu tên thuộc Bộ Quốc phòng Nga tiết lộ với hãng tin TASS sáng ngày hôm nay (16/9).
 
“Các cuộc thử nghiệm có thể bắt đầu được tiến hành vào đầu năm tới”, quan chức trên cho hay. Ông  này đồng thời cũng xác nhận thông tin cho rằng, nguyên mẫu của tên lửa Sarmat sẽ được lắp ráp vào cuối năm nay.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga – ông Yuri Borisov trước đó cũng từng nói rằng, các cuộc thử nghiệm đối với tên lửa đạn đạo liên lục địa Sarmat sẽ được tiến hành trong năm nay” và các linh kiện đầu tiên của tên lửa trên đã được chế tạo tại xưởng đóng máy Krasnoyarsk.
 
Bên cạnh đó, một nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga nói với hãng tin RIA Novosti rằng, 7 trung đoàn tên lửa của nước này sẽ được trang bị các tổ hợp tên lửa đạn đạo Sarmat nặng 100 tấn trên. Được biết, hiện tên lửa Sarmat đang được phát triển ở giai đoạn 3.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Yuri Borisov từng tuyên bố, các cuộc thử nghiệm ban đầu của tên lửa Sarmat đã được lên kế hoạch tiến hành trong 2015. Ngoài ra, Tư lệnh lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga - Đại tướng Sergei Karakayev cũng tiết lộ, loại tên lửa mới này sẽ được đưa vào biên chế trước năm 2020.
   
Theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng Nga, tên lửa Sarmat sẽ thay thế cho loại tên lửa chiến lược lớn nhất thế giới Voevoda (NATO gọi là Satan) trong khoảng năm 2018-2020.
 
Đặc điểm vật lý và thông số kỹ thuật của tên lửa đạn đạo liên lục địa mới này cho đến nay vẫn được giữ bí mật, chỉ biết, tên lửa này có tầm bắn không dưới 5500 km. Tuy nhiên, Tư lệnh Lực lượng tên lửa chiến lược Nga cho biết, tên lửa Sarmat dự kiến sẽ được trang bị các hệ thống đối phó điện tử tiên tiến, một hệ thống chỉ huy và kiểm soát phức hợp và có khả năng cơ động cao, cho phép nó thâm nhập được vào các hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương. Loại tên lửa này có khả năng tìm diệt các mục tiêu đang bay qua cả Bắc Cực lẫn Nam Cực.


Đan Khanh - (theo TASS)

Ý kiến bạn đọc