Vì sao Mỹ phát hoảng trước “đòn” S-300 của Nga?

06:33, 20/08/2015
|

(VnMedia) - Sau khi có tin Nga sẽ sớm tung “đòn” S-300 nhằm vào phương Tây, Mỹ đã nhanh chóng lên tiếng bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ. Vì sao, siêu cường số 1 thế giới lại có vẻ phát hoảng trước “đòn” S-300 của Nga như vậy?
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh hoạ


Nhà Trắng hôm qua (18/8) nói rằng, mặc dù việc Nga bán hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-300 cho Iran không vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhưng nước này vẫn phản đối động thái này. Washington tuyên bố nước này đang cân nhắc xem liệu có đáp trả “đòn” của Nga bằng một chương trình trừng phạt.
 
Bất chấp việc Mỹ đã thừa nhận sự thực rằng việc Nga cấp tên lửa đất đối không hàng đầu S-300 cho Iran không vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng như không ảnh hưởng đến kế hoạch hành động mà Iran đã thống nhất với các cường quốc P5+1, phát ngôn viên Nhà Trắng John Kirby hôm qua đã nói tại cuộc họp báo rằng Mỹ kiên quyết phản đối hành động của Moscow.
 
Giải thích lý do tại sao Mỹ phản đối việc Nga bán S-300 cho Iran, ông Kirby đồng ý rằng những hệ thống tên lửa phòng không S-300 là mang tính phòng vệ nhưng nói thêm rằng đó là một “hệ thống tên lửa đất đối không và rằng đó không phải là một thứ vũ khí có năng lực bình thường”.
 
Cáo buộc Iran tiến hành “những hoạt động bẩn thỉu và hậu thuẫn cho chủ nghĩa khủng bố trong khu vực”, phát ngôn viên Kirby tin rằng, đó cũng là lý do để Mỹ phản đối việc Nga cấp tên lửa thiện chiến hàng đầu cho Iran.
 
Khi nói đến việc Iran vừa đạt được thỏa thuận hạt nhân với nhóm các cường quốc P5+1 và vì thế nước này có quyền hợp pháp để trang bị cho mình những vũ khí phòng vệ như S-300, ông Kirby trả lời rằng, Mỹ “có mối quan ngại chính đáng trước việc những hệ thống vũ khí đó có thể được sử dụng cho các mục đích khác hoặc rơi vào tay những người khác".
 
"Thỏa thuận hạt nhân là riêng rẽ, tách biệt với những quan ngại của chúng tôi về các hoạt động bẩn thỉu của Iran ở trong khu vực”, phát ngôn viên Nhà Trắng nhấn mạnh.
 
Mặc dù ông Kirby thừa nhận việc cấp S-300 cho Iran không bị cấm theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhưng ông này vẫn tuyên bố, “Mỹ cần phải biết nhiều hơn về những chi tiết cụ thể được đưa ra trong hợp đồng giữa Nga và Iran để từ đó có thể quyết định xem liệu Washington có cần phải tung ra một chương trình trừng phạt nếu hợp đồng đó được tiến hành”.
 
Khi được phóng viên của hãng tin Fox New đề nghị miêu tả về năng lực của hệ thống phòng không S-300 của Nga, một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ đã nói rằng, sở dĩ Washington lo sợ trước viễn cảnh S-300 rơi vào tay Iran vì “đây là một hệ thống vũ khí rất có năng lực có thể hạ gục máy bay của Mỹ hoặc Israel”.
 
Iran quan tâm đặc biệt đến các tổ hợp tên lửa S-300 của Nga. Năm 2007, Nga đã ký một hợp đồng bán cho Iran 5 hệ thống S-300 với trị giá hợp đồng lên tới 900 triệu USD. Tuy nhiên, hợp đồng này đã bị đóng băng năm 2010 sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết trừng phạt Tehran. Nghị quyết trên quy định việc hạn chế cung cấp các loại vũ khí thông thường, bao gồm tên lửa và hệ thống tên lửa tấn công, xe tăng, máy bay trực thăng tấn công, máy bay chiến đấu, tàu chiến cho Iran. Ngày 22/9/2010, Tổng thống Nga khi đó là Dmitry Medvedev đã  chính thức ký sắc lệnh hủy bỏ hợp đồng cung cấp S-300 cho Iran. Lý do được ông Medvedev đưa ra là việc Nga cung cấp những tên lửa tinh vi S-300 cho Iran sẽ vi phạm các biện pháp trừng phạt mà Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc áp đặt lên nước Cộng hòa Hồi giáo.
 
Tức giận trước quyết định bất ngờ của Moscow, Tehran từng tuyên bố kiện Nga ra tòa án quốc tế ở Geneva. Iran đã đệ đơn kiện đòi bồi thường số tiền 4 tỷ USD tại Tòa án trọng tài Geneva và vụ án đang được xem xét. Một số chuyên gia quân sự cũng cho rằng, về hình thức, hợp đồng S-300 không hề vi phạm nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Vì chuyện này, quan hệ vốn từng thân thiết giữa Moscow và Tehran đã xấu đi rất nhiều.
 
Tuy nhiên, hôm 13/4 mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin bất ngờ ký sắc lệnh cho phép Moscow cung cấp các hệ thống S-300 cho Iran, hủy bỏ sắc lệnh được ký bởi ông Dmitry Medvedev trước đây.
 
Giải thích về hành động của mình, ông Putin cho hay, "hiện tại, các đối tác Iran của chúng tôi đã thể hiện một sự linh hoạt lớn và mong muốn đạt được một sự nhượng bộ... đó là lý do tại sao chúng tôi đưa ra quyết định này”.  Nga cho rằng, các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Iran với 6 cường quốc có nhiều tiến triển và đây là lý do đủ để Moscow xúc tiến hợp đồng bán S-300 cho Iran.
 
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người tin rằng, việc Moscow nhăm nhe ý định cung cấp S-300 cho Iran thực ra là đòn trả đũa của Nga trước việc phương Tây gần đây liên tục o ép Nga vì cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Ukraine.
 
Theo thông tin mới nhất từ Tehran, rất có thể ngay trong tuần này hoặc tuần tới, Nga và Iran sẽ ký hợp đồng S-300 mới.
 
Sức mạnh S-300
 
S-300, còn được gọi là SA-20, được xem là một trong những hệ thống tên lửa đối không hiệu quả nhất thế giới. Nó có thể bắn hạ các máy bay chiến đấu và các loại tên lửa đầu đạn hạt nhân tầm thấp. S-300 với tầm bắn hơn 200km có khả năng theo dõi đồng thời hơn 100 mục tiêu và tấn công 6 mục tiêu cùng lúc.
 
Hệ thống tên lửa phòng không S-300 là hệ thống tên lửa di động vô cùng tinh vi, có khả năng phá hủy tên lửa hành trình và chiến đấu cơ của đối phương. Được xem là một trong những tên lửa quý giá nhất của Nga, S-300, hay SA-20 Gargoyles theo cách gọi của NATO, có thể bắn hạ máy bay và tên lửa đạn đạo ở tầm xa 150km và ở độ cao lên tới 27km.
 
S-300 ban đầu được thiết kế nhằm mục đích giúp Nga đảm bảo an ninh cho các cơ sở công nghiệp và hành chính lớn, các căn cứ quân sự và kiểm soát không phận nước Nga trước máy bay tấn công của kẻ thù. Khi lần đầu tiên được Liên Xô triển khai vào năm 1979, S-300 được người Nga mệnh danh là “con cưng” và hiện nó vẫn là một trong những tên lửa đất đối không mạnh nhất thế giới. Đây cũng là một trong những loại tên lửa được rất nhiều nước thèm muốn bởi nó là thứ vũ khí hiệu quả hàng đầu trong việc bảo vệ các vùng trời.
 
Hệ thống S-300 được thiết kế để tiêu diệt tất cả phương tiện tiến công hỏa lực đường không của địch, các loại máy bay chiến lược, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo với độ chính xác rất cao, cự ly xa hàng trăm km, độ cao lớn.
 
S-300 được trang bị nhiều loại ra-đa tối tân, bao gồm đài ra-đa trinh sát 36D6 phát hiện mục tiêu ở cự ly xa tới 360km, bám bắt 120 mục tiêu cùng lúc, ra-đa trinh sát bắt thấp (độ cao thấp) 76N6, ra-đa điều khiển hỏa lực 30N6 sử dụng để dẫn đường điều khiển với ra-đa dẫn đường bán chủ động giai đoạn cuối. Bệ phóng tự hành lắp ống phóng đạn tên lửa của hệ thống này sẽ bắn theo phương thẳng đứng. Hệ thống S-300 có thể phóng 6 tên lửa liền một lúc, mỗi tên lửa có khả năng phá hủy các loại máy bay như F-16 và F-22 - báu vật của Không lực Mỹ cũng như đánh chặn các mục tiêu đạn đạo.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc