Tổng thống Ukraine đối mặt với nguy cơ đảo chính

06:49, 20/05/2015
|

(VnMedia) - Cặp đôi quyền lực của đất nước Ukraine - Tổng thống Petro Poroshenko và Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk dường như đều đang gặp nguy khi cả hai đều phải đối mặt với viễn cảnh đáng sợ là “chiếc ghế” của họ bị lung lay.

 

Ảnh minh họa

 Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk


Ông Oleh Barna - một nghị sĩ thuộc Liên minh của Tổng thống Poroshenko hôm qua (18/5) đã nói với kênh truyền hình địa phương 112 rằng, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk nên từ chức. Theo ông Barna, việc Thủ tướng từ chức sẽ giúp cứu được liên minh cầm quyền trong Verkhovna Rada (Quốc hội Ukraine ).

 

"Nếu họ muốn cứu liên minh cầm quyền, hãy cứu liên minh đó nhưng Thủ tướng Yatsenyuk phải từ chức", thành viên của Verkhovna Rada member – ông Barna đã nói như vậy để đáp trả sáng kiến gần đây của Thủ tướng Ukraine . Cụ thể, trước đó, ông Yatsenyuk đã đề nghị một số thành viên của liên minh cầm quyền từ chức bởi theo Thủ tướng Ukraine, liên minh này cần phải “thật”, trang tin unn.com đưa tin.

 

Liên minh cầm quyền trong Quốc hội Ukraine - Verkhovna Rada bao gồm 5 đảng phái: Liên minh Petro Poroshenko, Đảng Cấp tiến, Mặt trận Nhân dân, Đảng Tự lực và Đảng Tổ quốc. Liên minh này được thành lập hôm 21/11/2014. Với việc chiếm hơn 300 ghế trong tổng số 450 ghế trong Quốc hội, liên minh cầm quyền đang nắm quyền kiểm soát với đa số ghế.

 

Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk lên cầm quyền hôm 27/2/2014. Hồi tháng 3 năm nay, ông này thừa nhận, Ukraine đã đánh mất “1/4 nền kinh tế”.

 

Việc một thành viên của Đảng Liên minh Poroshenko lên tiếng kêu gọi Thủ tướng Yatsenyuk từ chức làm dấy lên nghi ngờ về khả năng mâu thuẫn giữa cặp đôi quyền lực của Kiev một lần nữa lại nổi lên.

 

Lâu nay, mối quan hệ giữa Tổng thống Poroshenko và Thủ tướng Yatsenyuk vẫn bị đồn thổi là “cơm không lành canh không ngọt”. Thủ tướng trẻ theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan có quan điểm khác xa với lãnh đạo cấp trên – Tổng thống Poroshenko về một loạt vấn đề của đất nước, như làm thế nào để đem lại hoà bình cho Ukraine, làm thế nào để xử lý quan hệ với Nga, với Tổng thống Vladimir Putin.

 

Trong khi Tổng thống Poroshenko có xu hướng ôn hòa hơn thì ngược lại Thủ tướng Yatsenyuk lại có tư tưởng cực đoan và cứng rắn.

 

Tổng thống Poroshenko đối mặt với nguy cơ đảo chính?

 

Không chỉ Thủ tướng Ukraine Yatsenyuk đối mặt với nguy cơ mà bản thân Tổng thống Poroshenko cũng đang nhận được lời đe dọa về việc chính quyền của ông có thể bị kéo đổ khi một cựu chỉ huy tiểu đoàn tình nguyện và hiện là một nghị sĩ lên tiếng kêu gọi thay đổi chính quyền Kiev.

 

Nếu chính phủ không giải quyết được các vấn đề mà Ukraine đang phải đối mặt thì cần phải thay thế chính phủ đó, ông Semen Semenchenko – một cựu chỉ huy tiểu đoàn và hiện đang là một nghị sĩ Ukraine mới đây đã lên tiếng cảnh báo như vậy.

 

Phát biểu trong chương trình Shuster Live được phát sóng hồi cuối tuần vừa rồi, ông Semenchenko đã nói: “Không may là tôi chẳng nhìn thấy bất kỳ sự thay đổi thực sự nào đang xảy ra ở đất nước này kể từ tháng 8 năm ngoái cả về kinh tế, an ninh và quốc phòng”.

 

Nếu chính phủ không thể thực hiện được các nhiệm vụ mà hiến pháp quy định thì “đã đến lúc người dân cần phải tham gia vào tiến trình quản lý đất nước”, ông Semenchenko phát biểu.

 

Nếu giới cầm quyền được chứng minh là không thể làm thay đổi bất kỳ điều gì thì người dân Ukraine không nên “cảm thấy thất vọng” mà nên nhanh chóng tìm cách thay đổi chính quyền, nghị sĩ Semenchenko cảnh báo, nói thêm rằng “nút tái cài đặt”nên được sử dụng cho đến khi “có đủ số lượng những con người có năng lực và có đầu óc cởi mở, tiếp thu cái mới” được đưa lên cầm quyền, lãnh đạo đất nước.

 

Theo cuộc trả lời phỏng vấn của ông Semenchenko trên kênh truyền hình ICTV của Ukraine năm 2014, tên thật của ông này là Konstantin Grishin. Sinh ra ở Sevastopol , ông Konstantin – người gốc Nga, đã chuyển đến Donetsk . Tại đây, ông này nổi danh vì hàng loạt những giao dịch mờ ám khi làm chủ của một công ty truyền hình vệ tinh. Vào đầu những năm 2000, cảnh sát Crimea đã có lệnh truy nã Grishin vì cáo buộc mắc tội nghiêm trọng.

 

Grishin chưa bao giờ bị bắt và cuối cùng đã có mặt ở thủ đô Kiev – nơi ông này tham gia tích cực vào cuộc đảo chính Maidan năm 2014 lật đổ Tổng thống Yanukovych. Ngay sau khi cuộc chiến ở miền đông Ukraine bùng nổ, Grishin đã tổ chức một tiểu đoàn tình nguyện do ông này dẫn dắt để tham gia vào cuộc chiến chống lại lực lượng ly khai miền đông Ukraine . Hiện giờ, ông ta đã trở thành một nghị sĩ trong Quốc hội Ukraine .

 

Đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Poroshenko phải đối mặt với lời đe dọa bị lật đổ. Hồi tháng 9 năm ngoái, hàng trăm người biểu tình thuộc phe nhóm Cánh Hữu cực đoan đã tiến hành bao vây dinh thự của Tổng thống Ukraine và ném lựu đạn khói. Lãnh đạo của nhóm Cánh Hữu cực đoan đã đe dọa sẽ bắt Tổng thống đương nhiệm Petro Poroshenko phải chịu chung số phận bi thảm như người tiền nhiệm Yanukovich. Đây là những phản ứng giận dữ của các thành phần cực đoan ở Ukraine sau khi Quốc hội nước này lặng lẽ thông qua dự luật cấp quy chế đặc biệt cho các khu vực miền đông.

 

Mới đây nhất, hồi tháng trước, lực lượng thuộc nhóm Cánh Hữu cũng từng kéo đến bao vây dinh Tổng thống Poroshenko và dọa sẽ đốt cháy trụi biểu tượng của chính quyền Kiev này.

 

Những chuyện như trên xảy ra không ít và giới chuyên gia nhận định, các thành phần cực đoan ở Ukraine sẽ còn tiếp tục quấy phá và gây khó khăn cho chính quyền của Tổng thống Poroshenko.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc