Pháp sẽ "tung đòn Mistral" với Nga?

08:46, 07/05/2015
|

(VnMedia) - Nga có thể sẽ choáng váng đến mức “chết lặng” khi biết rằng Pháp có thể sẽ đánh đắm hai chiếc siêu tàu chiến Mistral, thay vì bàn giao chúng cho Nga theo hợp đồng mà hai bên đã ký kết.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Những chiếc tàu chiến lớp Mistral hiện đang khiến giới chức Pháp vô cùng đau đầu. Tuy nhiên, thay vì bàn giao chúng, chính phủ Pháp có thể sẽ đánh đắm chúng, đưa chúng xuống đáy đại dương nếu hợp đồng thực sự bị hủy bỏ.
 
Pháp được cho là sẽ phải bàn giao cho Nga hai chiếc siêu tàu chiến lớp Mistral theo hợp đồng mà hai nước ký kết năm 2011 với trị giá lên tới 1,2 tỉ euro (1,5 tỉ USD). Cụ thể, Pháp phải bàn giao chiếc tàu chiến đầu tiên được đặt tên là Vladivostok cho Nga vào ngày 14/11 năm ngoái trong khi chiếc thứ hai mang tên Sevastopol sẽ được bàn giao vào cuối năm nay. Tuy nhiên, thời hạn bàn giao siêu tàu chiến lớp Mistral đầu tiên cho Nga đã qua đi nhiều tháng mà Pháp vẫn không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng của mình. Lý do của sự trì hoãn này là cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
 
Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đổ lỗi cho Moscow đứng đằng sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine, châm ngòi cho cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông nước này. Vì thế, Mỹ cùng EU đã gây sức ép để buộc Pháp  phải ngừng bàn giao siêu tàu chiến lớp Mistral cho Nga.
 
Một bài báo được đăng tải trên tờ Le Figaro số ra ngày hôm qua (6/5) đã nói rằng, Paris có thể sẽ dùng đến biện pháp cuối cùng là đánh chìm những chiếc siêu tàu chiến tối tân, đắt đỏ nếu chính phủ nước này tiếp tục từ chối không thực hiện hợp đồng với Nga. Cho đến thời điểm này, Pháp vẫn chưa đưa ra được quyết định về việc có bàn giao chiếc tàu chiến lớp Mistral đầu tiên cho Nga dù đã qua thời hạn đưa ra trong hợp đồng đến nửa năm. Câu trả lời của Paris hiện giờ vẫn là “sẽ có thông báo sau”.
 
“Trong số những lựa chọn mà chính phủ Pháp đang cân nhắc, xem xét có khả năng là những chiếc tàu chiến hiện đại lớp Mistral sẽ bị phá hủy. Chúng sẽ bị tháo dỡ thiết bị, máy móc và vũ khí hay được sửa lại hoặc bị đánh chìm xuống đáy biển”, tờ báo của Pháp dẫn lời một sĩ quan giấu tên hiểu rõ về tình hình hiện nay xung quanh hai chiếc tàu Mistral đã tiết lộ như vậy.
 
Thông tin trên đã gây ra một sự phẫn nộ rất lớn đối với một quan chức quân sự cấp cao của Pháp. Ông này nói rằng, điều đó là “không thể chấp nhận được” vì nhà máy đóng tàu ở Saint-Nazaire – một trong những xưởng đóng tàu lớn nhất nước Pháp, đã phải bỏ ra biết bao nhiêu nỗ lực và tiền bạc để đóng hai chiếc siêu tàu chiến Mistral tối tân đó.
 
Tờ Le Figaro thêm rằng, kế hoạch tái trang bị vũ khí cho tàu và điều chỉnh, sửa đổi để hai chiếc tàu Mistral phù hợp với Hải quân Pháp là “không thể” bởi chúng đã được thiết kế hoàn toàn phù hợp với nhu cầu của Hải quân Nga. Nếu hai con tàu được đóng lại thì tổng chi phí sẽ “ngốn” thêm đến hàng trăm triệu euro.
 
Về phần mình, Nga giờ đây không còn thiết tha với những chiếc siêu tàu chiến lớp Mistral, khẳng định Moscow sẽ không phản đối nếu Pháp bán những chiếc tàu Mistral cho một bên thứ ba. Tờ Le Figaro cho rằng, khách hàng tiềm năng của siêu tàu chiến Mistral gồm “Canada và Ai Cập”.
 
Tổng thống Nga Vladimir Putin cách đây không lâu từng nói, Moscow chỉ muốn Pháp trả lại tiền mà Nga đã thanh toán cho hợp đồng tàu Mistral. Tổng thống Pháp Hollande được cho là đã nhất trí với việc này. "Nếu chúng tôi không thể bàn giao siêu tàu chiến Mistral cho Nga, tôi không nghĩ là có bất kỳ lý do nào để chúng tôi không trả lại tiền mà họ đã thanh toán trước”, ông Hollande cho hay.
 
Tờ báo của Pháp cho rằng, Paris có thể phải trả Moscow số tiền xấp xỉ là 300 triệu euro tiền bồi thường hủy hợp đồng.
 
Quyết định của chính phủ Pháp đang gây ra sự quan ngại trong số các lãnh đạo doanh nghiệp Pháp. Họ tin rằng, việc Paris không thực hiện hợp đồng với Nga sẽ làm tổn thương đến nền kinh tế nước này về lâu về dài.
 
"Tôi rất không vui với thực tế là Pháp không chịu bàn giao tàu Mistral cho Nga. Tôi cho rằng, đây là một sai lầm về mọi khía cạnh. Điều đó làm phương hại đến uy tín của nước Pháp với tư cách là một đối tác đáng tin cậy và chúng tôi – các nghị sĩ – lên tiếng khẳng định mạnh mẽ rằng phương pháp tiếp cận bằng biện pháp trừng phạt là một hiện tượng gây hại”, ông Sanches Encerra – một thành viên Quốc hội Pháp, hồi tháng 3 từng nói như vậy.
 
Trong khi đó, ông Jean-Pierre Thomas – một cựu cố vấn của cựu Tổng thống Nikolas Sarkozy cho rằng, bất kỳ quyết định nào nhằm đánh đắm hai chiếc tàu Mistral đắt đỏ đều là hành động ngớ ngẩn, ngu ngốc.
 
“Sẽ hoàn toàn là điều vô lý. Chúng ta sẽ mất việc làm cho 1.000 công nhân ở Saint-Lazare đang đóng hai chiếc tàu chiến đó. Pháp sẽ mất tiền và mất việc làm, đó là về mặt kinh tế. Mất mát thứ hai là về hình ảnh. Những chiếc tàu  Mistral cần phải được bàn giao. Chính trị và ngoại giao là một thứ trong khi kinh doanh là một thứ khác”, ông Thomas nói thêm.
 
Theo tính toán của một chuyên gia, nếu hai chiếc siêu tàu chiến lớp Mistral mà Pháp đóng cho Nga vẫn tiếp tục ở lại Pháp thì riêng chi phí để duy trì, bảo dưỡng và bảo đảm an ninh cho hai con tàu đó đã ngốn của những người đóng thuế ở Pháp số tiền khoảng 5 triệu euro mỗi tháng. Đây là một con số không hề nhỏ.
 
Nếu Pháp quyết định trả lại Nga số tiền mà Nga đã thanh toán trước cho hợp đồng Mistral như Tổng thống Hollande đề cập trước đó thì Paris sẽ phải trả số tiền lên tới 890 triệu euro (965 triệu USD). Với một số khoản tiền phạt và bồi thường, tổng số tiền mà Paris phải trả cho Moscow sẽ lên tới hơn 1 tỉ euro. Đây có lẽ là cái giá quá đắt đối với Pháp trong cuộc đối đầu với Nga.


Kiệt Linh - (theo RT)

Ý kiến bạn đọc