Nga "phản công" đòn trả đũa của Israel

09:33, 19/04/2015
|

(VnMedia) - Việc Israel cung cấp viện trợ sát thương cho Ukraine sẽ chỉ làm trầm trọng thêm cuộc xung đột ở Ukraine và làm gia tăng số người thương vong. Đó là quan điểm vừa được được Tổng thống Nga – Vladimir Putin đưa trong một cuộc trả lời phỏng vấn chương trình truyền hình "Vesti v Subbotu" (News on Saturday) ngày 18/4.
 
Tổng thống Nga đã nói như vậy khi được phóng viên yêu cầu bình luận về việc Israel cho biết nước này có thể bắt đầu cung cấp vũ khí cho Ukraine nhằm đáp trả việc Moskva quyết định dỡ bỏ lệnh cấm cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Tehran.

Ảnh minh họa

"Đó là sự lựa chọn của giới lãnh đạo Israel. Họ được quyền làm điều mà họ cho là có lợi. Tuy nhiên, tôi nghĩ nó (vũ khí sát thương) phản tác dụng vì điều này sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng và con số nạn nhân. Kết quả sẽ vẫn như cũ", ông Putin nhấn mạnh.
 
“Còn về việc chúng tôi cung cấp (S-300) cho Iran, thì đó chỉ thuần túy là vũ khí phòng thủ, và nó sẽ không phá vỡ bất cứ khả năng phòng thủ nào của Israel”, ông một lần nữa khẳng định.
 
Trước đó, ngày 13/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh bãi bỏ lệnh cấm về việc cung cấp hệ thống tên lửa S-300 cho Iran. Ngoại trưởng Nga – Sergei Lavrov đã tuyên bố lệnh cấm xuất khẩu hệ thống S-300 cho Iran không còn cần thiết nữa vì những tiến triển trong vấn đề hạt nhân của Iran và Nga quyết định như vậy để thúc đẩy các cuộc đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của Iran.
 
Cùng lúc, Phát ngôn viên của tổng thống Dmitry Peskov nói rằng việc cung cấp các hệ thống tên lửa S-300 cho Iran có thể bắt đầu bất cứ lúc nào.
 
Quyết định của Nga nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của Iran nhưng lại vấp phải sự lên án chỉ trích của phương Tây, Mỹ và đặc biệt là Israel.
 
Theo RIA Novosti, Thủ tướng Benjamin Netanyahu trong một cuộc điện đàm ngày 14/4 với Tổng thống Nga Vladimir Putin đã "bày tỏ không hài lòng" về quyết định dỡ bỏ lệnh cấm bán S-300 cho Iran.
 
"Thủ tướng Netanyahu nói với Tổng thống Putin rằng hành động này sẽ chỉ làm tăng sự xâm lăng của Iran trong khu vực và làm suy yếu an ninh ở Trung Đông", RIA Novosti dẫn thông báo của cơ quan phụ trách báo chí chính phủ Israel cho biết.
 
Ông Netanyahu cũng gọi quyết định trên của Nga là "nguy hiểm" với tiến trình đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran. 
 
Tuy nhiên, đáp lại, Tổng thống Putin đã bác bỏ những lo ngại của Israel, khẳng định S-300 sẽ không làm phương  hại đến an ninh Israel cũng như khu vực Trung Đông.
 
Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov hôm qua (18/4) cũng nhấn mạnh một lần nữa rằng, Nga không vướng phải những rào cản quốc tế nào đối với việc cung cấp cho Iran hệ thống tên lửa phòng không S-300.
 
Phát biểu trên đài phát thanh Ekho Moskvy, ông Antonov nói: “S-300 không phải là loại vũ khí tấn công. Đây là hệ thống phòng không để phòng thủ. Mỹ thừa nhận rằng S-300 không vi phạm lệnh cấm của Liên hợp quốc. Tại sao chúng tôi không thể cung cấp những vũ khí phòng thủ cho nước nào đó?”.
 
Ông Antonov cho biết thêm, ông đã trao đổi với một đại diện của Israel và phía Tel Aviv vẫn bày tỏ quan điểm phản đối đối với việc Nga cung cấp hệ thống S-300 cho Tehran.
 
Để đáp trả hành động này của Nga, Israel hồi giữa tuần qua tuyên bố sẽ cung cấp vũ khí cho Ukraine, mặc dù trước đó, Israel đã từ chối bán các vũ khí tiên tiến cho Ukraine và Gruzia, đặc biệt là sau khi bùng nổ xung đột ở Donbass. Bộ Ngoại giao Israel khi đó đã đóng băng các thỏa thuận bán vũ khí cho Ukraine vì không muốn làm rạn nứt quan hệ ngoại giao với Nga.
 
Tuy nhiên, theo tờ NRG của Israel, nếu Moscow bán hệ thống S-300 cho Iran thì Israel sẽ xem xét khả năng xuất khẩu vũ khí cho chính quyền Kiev.
 
Được biết, hệ thống tên lửa S-300 có thể đồng thời theo dõi đến 100 mục tiêu và tấn công cùng lúc từ 12 đến 36 mục tiêu. Tầm bắn xa nhất của hệ thống là 150 km. Hệ thống S-300 có khả năng tiêu diệt hiệu quả tất cá các mục tiêu trên không như máy bay các loại, thậm chí cả tên lửa đạn đạo.


Đan Khanh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc