1 năm sau chiến tranh, Ukraine đang ngắc ngoải?

18:52, 06/04/2015
|

(VnMedia) - Bầm dập và méo mó sau một năm xảy ra cuộc xung đột vũ trang đẫm máu, Ukraine đang trong tình trạng ngắc ngoải, tê liệt vì phải hứng chịu thêm cùng lúc một loạt cuộc khủng hoảng về tiền tệ, ngân sách, công nghiệp, ngân hàng và cả năng lượng. Tình trạng này có thể khiến Ukraine phải phụ thuộc vào sự giúp đỡ từ bên ngoài trong nhiều thập kỷ nữa.
 

Ảnh minh họa

 Quang cảnh một khu vực hoang tàn vì chiến tranh ở Ukraine


Quốc gia Đông Âu Ukraine đã phải hứng chịu hàng loạt cú sốc khiến nền kinh tế mong manh, dễ vỡ của nước này gần như đổ vỡ hoàn toàn.
 
Ngành công nghiệp nặng then chốt ở miền đông Ukraine đã hoàn toàn bị què quặt với sản xuất sụt giảm 1/5. Tình hình càng thêm tồi tệ bởi giá sắt thép lao dốc mạnh mẽ.
 
Ngoài ra, với việc các nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy trước sự bất ổn kéo dài ở Ukraine, giá trị đồng nội tệ hryvnia đã sụt giảm đến 50% kể từ khi cuộc chiến tranh ở miền đông Ukraine nổ ra.
 
"Cũng như nhiều thị trường mới nổi khác, điều này có ảnh hưởng trực tiếp đến các hộ gia đình, doanh nghiệp và tài chính công bởi nợ công và nợ tư đều được tính bằng đồng ngoại tệ”, Julien Marcilly – nhà kinh tế chính  của công ty bảo hiểm Coface cho biết.
 
GDP của Ukraine đã thu hẹp 6,8% so với năm ngoái, các con số thống kê chính thức cho hay. Và ngân hàng trung ương đang dự đoán một mức sụt giảm đến 7,5% vào năm 2015.
 
Ukraine còn đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nợ, với tỉ lệ nợ công trên GDP được cho là sẽ tăng liên tục đến mức 94% trong năm nay từ mức lành mạnh là 40% năm 2013, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho hay.
 
"Có một cuộc khủng hoảng ngân hàng, một cuộc khủng hoảng tiền tệ và một cuộc khủng hoảng kinh tế. Tất cả những yếu tố này đã dẫn đến tình trạng sụt giảm GDP mạnh như vậy hồi năm ngoái. Năm nay, có thể sẽ có thêm một cuộc khủng hoảng năng lượng", ông Francis Malige – Giám đốc Điều hành phụ trách khu vực Đông Âu và Caucasus của Ngân hàng Phát triển và Tái thiết Châu Âu, cho hay.
 
Kiev bị tố đóng kịch về chống tham nhũng
 
Phương Tây đang tuyệt vọng tìm cách cứu vãn nền kinh tế èo uột của Ukraine khỏi bị sụp đổ bằng những khoản viện trợ ồ ạt. Phương Tây lo sợ rằng, nếu kinh tế Ukraine phá sản, điều đó sẽ đem lại lợi thế cho Nga.
 
Hồi tháng 4 năm ngoái, IMF đã vạch ra một kế hoạch cứu trợ với khoản viện trợ trị giá khoảng 17,5 tỉ USD và sẽ được giải ngân theo nhiều đợt. Hiện tại đã có 5 tỉ USD được chuyển cho Kiev.
 
Đây là một phần trong gói cứu trợ khoảng 40 tỉ USD mà cộng đồng quốc tế cam kết giúp Ukraine để nước này đứng vững trên đôi chân của mình.
 
Liên minh Châu Âu (EU) đã đề nghị cung cấp một khoản viện trợ ngắn hạn trị giá khoảng 1,6 tỉ euro (2 tỉ USD) cho Ukraine trong một gói cứu trợ lớn hơn có trị giá khoảng 11 tỉ euro.
 
Ukraine đang phải đối mặt với khó khăn rất lớn trong việc vay mượn tiền trên thị trường mở, chỉ có thể vay được những khoản nhỏ trong thời gian ngắn.
 
Các nhà cho vay tiềm năng rõ ràng rất sợ hãi trước viễn cảnh vỡ nợ của Ukraine. Cơ quan đánh giá tín nhiệm quốc tế Moody's nhận định, khả năng vỡ nợ của Ukraine là gần 100%.
 
Tuy nhiên, một số chuyên gia khác lại có cách đánh giá khác - nhà đầu tư tỉ phú của Mỹ George Soros tuyên bố ông này sẵn sàng đầu tư 1 tỉ USD vào Ukraine.
 
Một điều khiến các nhà đầu tư cực kỳ khó chịu là mức độ tham nhũng ở Ukraine. Giới chức Ukraine nói rằng họ đang nỗ lực tìm mọi cách để diệt trừ tận gốc nạn tham nhũng. Chính quyền Kiev đã sa thải một thống đốc tỉ phú và bắt giữ một số quan chức cấp cao.
 
Tuy nhiên, bà Tatiana Jean thuộc tổ chức tư vấn IFRI có trụ sở ở thủ đô Paris cho rằng, một phần của những bước đi trên chỉ là “trò đóng kịch". Nếu giới chức Ukraine thực sự nghiêm túc trong quyết tâm diệt trừ tận gốc nạn tham nhũng thì họ có thể bắt đầu bằng việc phá vỡ thế độc quyền của tập đoàn khí đốt nhà nước Naftogaz, bà Jean đã nói như vậy.
 
Ông Malige thuộc EBRD - nhà đầu tư chính vào Ukraine, cho rằng một ưu tiên khác là làm trong sạch hệ thống tài chính. "Có quá nhiều ngân hàng ở Ukraine đang làm việc trong một hệ thống đóng kín. Những ngân hàng này nằm trong tay của một vài nhân vật quyền lực và chúng có xu hướng cấp nguồn vốn vay cho chính những công ty do các nhân vật trên nắm giữ", ông Malige cho biết.
 
Tuy nhiên, ông Malige đã chỉ ra một vài trong số những điểm hấp dẫn của Ukraine trong việc thu hút các nhà đầu tư ở nước ngoài, trong đó có yếu tố đất đai màu mỡ, lực lượng lao động “cực kỳ cạnh tranh” và “chính phủ có tư tưởng cải cách nhất từ trước đến nay kể từ khi Ukraine độc lập”.
 
Trong một chuyến đi gần đây đến thủ đô Paris để tìm kiếm sự ủng hộ về đầu tư, Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Aivaras Abromavicius đã tìm cách hướng sự chú ý của các nhà đầu tư vào chủ nghĩa kinh tế tự do của nước này, cam kết sẽ thực hiện một loạt cuộc tư nhân hóa và cắt giảm trong lĩnh vực công.
 
"Tôi nhất trí với câu nói của cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan rằng: ‘Những từ đáng sợ nhất trong ngôn ngữ tiếng Anh là: Tôi đến từ chính phủ và tôi ở đây để giúp’”, ông Abromavicius đã nói như vậy.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc