(VnMedia) - Kết luận sơ bộ của các quan chức Indonesia cho rằng, chiếc máy bay A320 của hãng hàng không Air Asia đã nâng độ cao ở tốc độ quá nhanh khiến nó gặp sự cố và rơi xuống biển Java.
>>> Máy bay Air Asia phát nổ trước khi rơi xuống biển
>>> Tìm thấy toàn bộ thân máy bay Air Asia gặp nạn
>>> Những chi tiết rúng động vụ rơi máy bay AirAsia
Sai lầm nghiêm trọng của tổ lái?
Tờ Bưu điện Jakarta hôm qua (20/1) cho hay, Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải Indonesia - Ignasius Jonan đã có phiên điều trần trước Quốc hội về vụ tai nạn máy bay thảm khốc khiến 162 người bao gồm cả phi hành đoàn thiệt mạng.
![]() Tổ lái đã mắc sai lầm khi để máy bay nâng độ cao ở tốc độ quá nhanh |
|
Bộ trưởng Ignasius Jonan cho rằng rất có thể cơ trưởng chuyến bay mang số hiệu QZ8501 đã mắc sai sót lớn dẫn tới thảm kịch hàng không của Indonesia. “Dữ liệu rada cho thấy, những phút cuối cùng chiếc máy bay đã bất ngờ nâng độ cao với tốc độ cao quá mức bình thường. Ngay sau đó nó đã bị khựng lại và rơi tự do xuống biển Java”, ông Jonan nói.
Cũng theo tờ bưu điện Jakarta, phi hành đoàn quyết định nâng độ cao để tránh vùng thời tiết xấu ở vận tốc 1,83 km/phút. Thông thường loại máy bay chiến đấu F/A-18 của Mỹ có thể nâng độ cao tương tự như vậy với vận tốc còn cao hơn rất nhiều lên tới 9,3 km/phút nhờ được thiết kế đặc biệt.
Tuy nhiên, với máy bay chở khách thương mại đó là điều không tưởng và ở vận tốc 1,83km/ phút cũng đủ đem lại nhiều rủi ro cho chiếc máy bay A320. Một số chuyên gia còn cho rằng, ngay cả máy bay chiến đấu cũng ít khi nâng độ cao với vận tốc tương tự như chiếc A320, trừ trường hợp khẩn cấp.
Chuyên gia phân tích hàng không - Mary Schiavo – thì khẳng định với hãng CNN, vận tốc 1,83km/phút đã cao gấp đôi tốc độ cho phép khi nâng độ cao của chiếc A320. “Có lẽ vào thời điểm đó thời tiết xấu cộng với gió lớn khiến chiếc máy bay càng phải đối mặt với hiểm nguy”, bà Schiavo nhận định.
Cũng theo bà Schiavo, một khi cơ trưởng quyết định bay với vận tốc lớn như vậy chắc chắn các thiết bị báo động sẽ được kích hoạt trên máy bay. Thế nhưng khi tổ lái nhận ra được cảnh báo thì gió lớn đã khiến máy bay chòng chành dẫn tới việc thất tốc, mất kiểm soát.
Trước đó, có giả thiết cho rằng chiếc máy bay đi vào vùng thời tiết xấu nhưng lại bay với tốc độ quá chậm để có thể thoát khỏi tình huống nguy hiểm. Cụ thể chiếc máy bay của AirAsia bay ở độ cao 36.000 feet (11.064 m) nhưng chỉ đạt tốc độ khoảng 650km/h, chậm hơn 160km/h so với tốc độ tiêu chuẩn tương đương với độ cao. Đó có thể là lý do nó bị chao đảo, chết máy đột ngột và rơi xuống biển Java.
Chiếc máy bay A320 mang số hiệu QZ8501 được xác định do Cơ trưởng Iriyanto cùng cơ phó mang quốc tịch Pháp Remi Emmanual Plesel điều khiển. Máy bay rời Surabaya, đông Indonesia để tới Singapore sáng 28/12 nhưng nó đã mất liên lạc với đài không lưu sau khi đề nghị được nâng độ cao và chuyển hướng để tránh khu vực có thời tiết xấu phía trước.
Không có dấu hiệu khủng bố hay một vụ nổ
Để có thể đánh giá và đưa ra chính xác nguyên nhân khiến máy bay gặp nạn, các chuyên gia cần có được thông tin từ 2 hộp đen vốn được thiết kế để ghi lại dữ liệu chuyến bay và các cuộc hội thoại của tổ lái.
![]() |
Hình ảnh robot của Singapore ghi lại dưới đáy biển Java |
Một tuần trôi qua kể từ khi lực lượng cứu hộ trục vớt thành công và nguyên vẹn 2 hộp đen của chiếc máy bay A320, thông tin ban đầu từ hộp đen ghi âm buồng lái cho thấy không có dấu hiệu của khủng bố, cháy hay một vụ nổ.
Trong khi chờ đợi tải toàn bộ dữ liệu từ 2 hộp đen dự kiến mất từ 1 đến 2 tuần lễ, công cuộc tìm kiếm và trục vớt phần thân dài nhất của máy bay vẫn đang được tiến hành. Tính tới nay mới chỉ tìm thấy 53 thi thể hành khách xấu số. Như vậy vẫn còn hơn 100 người mắc kẹt dưới biển sâu, trong đó bao gồm toàn bộ phi hành đoàn.
Ngày 14/1, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore - Ng Eng Hen bất ngờ đăng tải hình ảnh toàn bộ phần thân của một máy bay nằm sâu dưới nước cùng với lời chú thích khẳng định đây chính là xác của chiếc máy bay A320 gặp nạn trên biển Java.
Cũng theo vị Bộ trưởng này, bức ảnh trên do robot thăm dò đại dương của Singapore triển khai tại vùng biển Java chụp lại được. Quốc đảo Sư tử là một trong số những nước tích cực hỗ trợ Indonesia tìm kiếm máy bay gặp nạn cùng nhiều máy móc và trang bị chuyên dụng hiện đại.
Tuy nhiên, việc trục vớt đang gặp rất nhiều khó khăn. Người đứng đầu cơ quan tìm kiếm và cứu nạn Indonesia Bambang Soelistyo nhận định, thân máy bay lớn và chắc chắn còn nhiều thi thể nằm trong đó.
“Nếu phần thân máy bay không quá nặng, chúng tôi sẽ sử dụng cầu khinh khí để đưa lên như những lần trước. Trong trường hợp ngược lại, chúng tôi sẽ phải cân nhắc tới việc đưa thợ lặn xuống đó để đem xác hành khách lên trước khi tính tới việc kéo xác máy bay”, ông Soelistyo nói.
Thế nhưng nhiều ngày trôi qua việc cứu hộ vẫn giậm chân tại chỗ do sóng lớn và tầm nhìn bị che khuất.
Ý kiến bạn đọc