Châu Âu hứng đòn đau như nào từ Nga?

10:43, 27/11/2014
|

(VnMedia) - Tại một triển lãm công nghệ ở thủ đô Moscow hồi tháng trước, các giám đốc điều hành doanh nghiệp của Châu Âu đối mặt với một thực tế mới đau đớn trong vấn đề làm ăn ở Nga kể từ khi phương Tây áp đặt các biện pháp trừng lên Moscow. Đó là số công ty ở triển lãm quốc tế này đã giảm đi một nửa so với cách đây một năm.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


"Ảnh hưởng đối với công việc làm ăn không thể rõ ràng hơn. Ít gian hàng triển lãm hơn và ít công ty hơn", ông Mark Bultinck – một giám đốc bán hàng của hãng sản xuất màn hình kỹ thuật số Barco của Bỉ cho biết, Tập đoàn Barco có một gian hàng tại triển lãm diễn ra hàng năm cho ngành công nghiệp nghe nhìn này.
 
Ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt đang tác động rất rõ đến Barco. Công ty này đã mất khách hàng là hãng đóng tàu lớn nhất của Nga khi Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đưa Tập đoàn Đóng tàu Thống nhất của Nga vào danh sách đen. Điều này đồng nghĩa với  việc Barco không còn có thể bán các màn hình cho Tập đoàn Đóng tàu Thống nhất của Nga.
 
Thực tế đau thương mà tập đoàn Barco đang đối mặt cho thấy các biện pháp trừng phạt đang có ảnh hưởng to lớn và rộng khắp không chỉ đối với các công ty Nga mà cả các công ty của Châu Âu. Nguy hiểm hơn, các công ty Châu Âu phải “hứng đòn” vào thời điểm mà nền kinh tế yếu kém của họ khó lòng có thể gánh chịu được.
 
Liên minh Châu Âu và Mỹ đã áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt về kinh tế lên Nga từ hồi cuối tháng 7, nhằm vào những ngành then chốt của Nga như năng lượng, ngân hàng và quốc phòng. Đó là những đòn trừng phạt mạnh tay nhất, khắc nghiệt nhất mà EU tung ra với Nga. Mục đích của bước đi này đươc phương Tây tuyên bố là để trừng phạt Moscow về việc đã ủng hộ cho lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine.
 
Khi các chính phủ Châu Âu đang cân nhắc khả năng đưa thêm lực lượng ly khai Ukraine vào danh sách trừng phạt cũng như tung thêm biện pháp trừng phạt đối với Nga vì cuộc khủng hoảng ở nước láng giêngf thì có những bằng chứng và những dữ liệu mới cho thấy cái giá mà Châu Âu đang phải trả gì gây áp lực đối với điện Kremlin. Đây là điều đã được Moscow nhiều lần cảnh báo trước đây. Giới chức Nga không ít lần cảnh báo phương Tây về “đòn gậy ông đập lưng ông” nếu áp dụng các biện pháp trừng phạt với Moscow. Và lời cảnh báo đó giờ đây đã trở thành sự thật.
 
Trong tháng 8, tháng ngay sau khi các biện pháp trừng phạt mạnh tay về kinh tế được tung ra, xuất khẩu của EU sang Nga đã sụt giảm 19%, còn 7,9 tỉ euros (9,91 tỉ USD) so với tháng 7. Như vậy, EU đã tổn thất gần 2 tỉ euros. Đây là những con số được cung cấp bởi văn phòng thống kê của Châu Âu - Eurostat.
 
Mặc dù dữ liệu chưa được điều chỉnh theo nhịp điệu của mùa vụ nhưng xuất khẩu của EU sang Nga cũng đã giảm 18% so với cùng kỳ tháng 8 năm ngoài. Đây vốn được xem là thời điểm bận rộn cho các nhà xuất khẩu.
 
Sự sụt giảm trên phản ánh một phần tác động từ lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm, nông sản mà Moscow áp đặt lên Liên minh Châu Âu hồi tháng 8 để trả đũa cho các biện pháp trừng phạt Nga của phương Tây. Tuy nhiên, tác động không chỉ dừng lại ở đó. Tổng xuất khẩu của EU trong 8 tháng đầu năm nay cũng đã giảm đi 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Hồi tháng 8, xuất khẩu máy móc và các phương tiện vận tải như xe ô tô, máy kéo của EU sang cho Nga đã giảm đến mức 23% so với tháng 7. So với cách đây một năm, xuất khẩu trong lĩnh vực trên đã giảm 21%. Xuất khẩu trong lĩnh vực sản xuất cũng giảm 16% trong tháng 8 trong toàn bộ khối liên minh gồm 28 thành viên EU. Đức – nước chiếm 1/3 xuất khẩu sang Nga, chứng kiến sự sụt giảm mạnh, trong khi xuất khẩu hàng hoá của Italia giảm đến gần một nửa.
 
Các biện pháp trừng phạt cũng đang gây ảnh hưởng mạnh do các công ty của Châu Âu không thể bán những mặt hàng dân sự có thể được sử dụng cho mục đích quân sự dù là nhỏ mà không có giấy phép.
 
Máy kéo, cần trục, máy đào, máy xúc và các thiết bị cơ khí để sửa xe ô tô và xe tải được liệt vào mặt hàng có thể vừa sử dụng cho mục đích dân sự lẫn quân sự. Vì thế, xuất khẩu những mặt hàng ngày của EU sang Nga cần phải nhận được giấy phép.
 
Việc không giành được giấy phép có thể khiến các công ty Châu Âu phải chịu mức phạt lên tới 10% giá trị hợp đồng. Tuy nhiên, để có được giấy phép thì hoạt động xuất khẩu thường phải bị trì hoãn từ 2 đến 3 tháng vì có quá nhiều sản phẩm cần được cấp giấy phép. Thủ tục hải quan cũng đang phải chịu gánh nặng hành chính cồng kềnh.
 
Mất thị trường vào tay Trung Quốc
 
Một quan chức thuộc Cơ quan Kiểm soát Hàng hoá Chiến lược ở khu vực Flanders của Bỉ cho hay, số đơn xin cấp phép xuất khẩu đã tăng chóng mặt lên mức gần 40% kể từ hồi tháng 8 và các quan chức liên quan đang ngập đầu trong đống email từ các công ty hỏi xin lời khuyên.
 
"Tất cả mọi người đều muốn đơn xin cấp phép xuất khẩu của họ được giải quyết khẩn cấp. Tuy nhiên, điều đó không hoàn toàn phụ thuộc vào chúng tôi. Đôi khi, chúng tôi cần được cấp giấy phép từ Đại sứ quán Bỉ ở Nga”, vị quan chức giấu tên của Bỉ cho biết.
 
Ở Đức, luật sư Baerbel Sachs ở Noerr cho biết, thậm chí gọi điện cho các quan chức hải quan để thảo luận về việc xin giấy phép đã rất khó khăn rồi bởi có quá nhiều gọi.
 
Nhưng thậm chí dù có nhận được giấy phép, các công ty Châu Âu vẫn phải đối mặt với nguy cơ mất hợp đồng vào tay đối thủ đến từ Trung Quốc hoặc các nơi khác, ông Frank Schauff – giám đốc văn phòng điều hành của Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu ở Nga, cho hay.
 
"Các nước không áp đặt trừng phạt với Nga có khả năng nhảy vào những lỗ hổng mà Châu Âu đang để lại. Vị thế kinh tế mà Liên minh Châu Âu thiết lập được ở Nga đang đối mặt với nguy cơ và rất khó để chúng ta giành lại sau khi đã để mất nó”, ông Schauff lo lắng cảnh báo.
 
Đại sứ Trung Quốc tại thủ đô Berlin hồi tháng 10 từng tuyên bố, Trung Quốc sẽ nắm bắt các cơ hội kinh doanh ở Nga.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc