Philippines cảnh báo âm mưu của Trung Quốc

11:56, 27/05/2014
|

(VnMedia) - Tổng thống Philippines Benigno Aquino vừa mới đây đã lên tiếng cảnh báo thẳng thừng về việc Trung Quốc có thể tái diễn thủ đoạn khai thác dầu khí ở các vùng tranh chấp trên Biển Đông, lần này là ở khu vực gần với bờ biển Philippines.
 

Ảnh minh họa

Tổng thống Philippines lại thẳng thừng cảnh báo Trung Quốc


Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ Thời báo Tài chính (Financial Times), Tổng thống Aquino cho biết, Trung Quốc đang chơi “trò chơi nguy hiểm là chính sách bên miệng hố chiến tranh và ngoại giao pháo hạm”. Điều này có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát.
 
Ông Aquino cũng nói thêm rằng, ông đã nhận được thông tin về việc một tàu thăm dò của Trung Quốc gần đây đã xâm nhập vào khu vực gần giếng dầu Galoc của Philippines, cách bờ biển của tỉnh Palawan khoảng 100km.
 
“Thông thường thì chuyện gì xảy ra với Việt Nam cuối cùng cũng xảy ra với Philippines”, Tổng thống Aquino cho biết, ám chỉ đến cái mà ông này miêu tả như là một kiểu leo thang của Bắc Kinh trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải với các nước láng giềng.
 
Hồi tháng 5, Trung Quốc ngang nhiên đưa một giàn khoan đến vùng biển của Việt Nam. Hoạt động hạ đặt giàn khoan trái phép này của Trung Quốc được hậu thuẫn bởi một đội tàu hùng hậu có lúc lên tới hơn 100 tàu, trong đó có cả tàu chiến và tàu quân sự. Diễn biến này đã gây ra một “trận bão” lớn trên Biển Đông.
 
Nhấn mạnh rằng, ông không muốn khiêu khích Trung Quốc, Tổng thống Philippines đã lên tiếng kêu gọi Bắc Kinh tránh có các hành động đơn phương đi ngược lại với Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã ký với ASEAN năm 2002. Theo lời ông Aquino, 10 thành viên của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong đó có một số nước đang có tranh chấp với Trung Quốc, sẽ sớm đưa ra “một tiếng nói mạnh mẽ hơn, rõ ràng hơn” về cách thức giải quyết những cuộc tranh chấp ở Biển Đông phù hợp với luật quốc tế.
 
Bắc Kinh đã tìm cách giải quyết các cuộc tranh chấp trên cơ sở song phương và chống lại mọi nỗ lực “quốc tế hoá” tiến trình này.
 
Manila tuyên bố, họ rất hoan nghênh nếu Việt Nam đưa cuộc tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông ra toà án quốc tế giống như họ.
 
Philippines đã khiến Bắc Kinh nổi điên khi "vung thanh gươm pháp lý" nhằm thách thức đường 9 đoạn của Trung Quốc. Hồi cuối tháng 3 vừa rồi, Manila đã nộp lên toàn án quốc tế đầy đủ đúng hạn định những lập luận, lý lẽ của nước này nhằm bác bỏ đường 9 đoạn của Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc đã ký vào Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 nhưng nước này lại không công nhận thẩm quyền của toà án trong việc giải quyết những cuộc tranh chấp.
 
Tổng thống Aquino cũng nói thêm rằng, nếu chính sách bên miệng hố chiến tranh của Trung Quốc dẫn tới thương vong, sẽ khó để lãnh đạo các nước lùi lại. “Một khi thương vong xảy ra, điều đó sẽ khiến cho tình hình trở nên phức tạp hơn rất nhiều”.
 
Tổng thống Philippine đã điều hành đất nước được 4 năm trong nhiệm kỳ 6 năm của ông này. Trong giai đoạn ông Aquino cầm quyền, nền kinh tế của Philippines phát triển tốt nhất trong nhiều thập kỷ. Năm ngoái, kinh tế Philippines tăng trưởng 7,2% và mức xếp hạng nợ nước ngoài tăng bằng mức đầu tư.
 
Tổng thống Aquino – người bắt đầu nhiệm kỳ với mối quan hệ thân thiện với Trung Quốc, cũng đã giành được sự ủng hộ ở trong nước về lập trường cứng rắn đối với Bắc Kinh. Quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines đang ngày một xấu đi, cao trào của diễn biến này là cái mà một luật sư quốc tế gọi là “quả bom” pháp lý mà Manila ném ra năm 2013, trong đó nước này kiện Trung Quốc lên toà án quốc tế.
 
Mới đây, hồi tháng 4, Manila cũng ký một thoả thuận cho phép Mỹ đưa tàu, máy bay và binh lính vào Philippines như một phần của chiến lược chuyển hướng trọng tâm của Washington vào Châu Á.

Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với một loạt nước láng giềng và vùng lãnh thổ xung quanh, bao gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và vùng lãnh thổ Đài Loan. Với yêu sách đường 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò, Trung Quốc muốn thực hiện tham vọng độc chiếm vùng biển chiến lược và giàu tài nguyên này.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc