Ukraine: Mỹ đã phải “nhún” trước Nga

09:04, 06/03/2014
|

(VnMedia) - Hai nhà ngoại giao hàng đầu của Nga và Mỹ hôm qua (5/3) đã nhất trí tại cuộc gặp rằng, họ nên giúp Ukraine thực thi đúng những gì được đưa ra trong thỏa thuận hòa bình mà phe đối lập ký với Tổng thống Yanukovych dưới sự làm trung gian của Liên minh Châu Âu (EU) hồi cuối tháng 2. Như vậy, rõ ràng là Mỹ đã phải “nhún mình” trước sự kiên quyết và cứng rắn của Nga.
 

Ảnh minh họa

Ngoại trưởng Nga và Mỹ tại cuộc gặp bàn về vấn đề Ukraine


“Chúng tôi đã nhất trí rằng người Ukraine cần phải được giúp đỡ để thực thi thỏa thuận ngày 21/2”, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết.
 
Ông Lavrov đã có cuộc gặp với người đồng cấp Mỹ John Kerry ở thủ đô Paris trước khi có cuộc hội đàm với các nhà ngoại giao hàng đầu của Pháp, Đức và Ba Lan. Đây là 3 nước đã đứng ra làm trung gian và chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hòa giải giữa chính phủ của Tổng thống Yanukovych và phe đối lập.
 
Theo thỏa thuận trên, Ukraine sẽ tiến hành một cuộc bầu cử sớm, thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc và quay trở lại hiến pháp trước đó. Cũng theo thỏa thuận được ký kết ngày 21/2, chính phủ thân Nga của Tổng thống Yanukovych sẽ tiếp tục tại vị cho đến khi cuộc bầu cử sớm được tổ chức.
 
Tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych đã bất ngờ bị Quốc hội luận tội và truất quyền đúng một ngày sau khi thỏa thuận giữa ông này với phe đối lập được ký kết. Điều đó đã giúp phe đối lập chiếm quyền và bầu ra một bộ máy lãnh đạo lâm thời mới.
 
Kể từ đó, Nga luôn cáo buộc giới lãnh đạo lâm thời mới ở Ukraine là vi phạm thỏa thuận và miêu tả đó là một chính quyền bất hợp pháp, vi hiến. Moscow khăng khăng đòi phe đối lập phải thực hiện đúng cam kết đưa ra trong thỏa thuận mà chính họ đã đặt bút ký trước sự giám sát của 3 nước thành viên Châu Âu.
 
Ông Lavrov hôm qua tiếp tục khẳng định lập trường của Nga, tuyên bố rằng thỏa thuận ngày 21/2 về việc thành lập một chính phủ liên minh ở Ukraine là không thể thay đổi và phải dựa trên hòa bình ở nước này. “Giai đoạn căng thẳng nhất trong cuộc khủng hoảng này bắt đầu khi một cuộc lật đổ chính phủ và Tổng thống được bầu lên một cách hợp pháp bằng vũ trang xảy ra, vi phạm hiến pháp Ukraine”, ông Lavrov nhấn mạnh.
 
Thỏa thuận do EU làm trung gian phải được thực hiện, nhà ngoại giao hàng đầu của nước Nga đã khẳng định chắc nịch như vậy trước cánh phóng viên.
 
Ngoại trưởng Lavrov chỉ trích các nước phương Tây vì đã có những bước đi, biện pháp “làm phương hại đến tiến trình đối thoại và hợp tác” giữa các phe nhóm chính trị khác nhau ở Ukraine. Một số biện pháp này được thực hiện trong khuôn khổ của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu (OSCE) và Hội đồng Nga-NATO, Ngoại trưởng Nga chỉ trích.
 
OSCE hôm qua cho biết, cơ quan này sẽ phái 35 nhân viên quân sự không vũ trang đến Ukraine đã xáo bỏ những lo ngại về “các hoạt động quân sự bất thường” ở phía nam đất nước Ukraine.
 
Mỹ không thể thuyết phục Nga gặp phe đối lập Ukraine
 
Trong khi Nga khiến Mỹ phải đồng ý thúc đẩy Ukraine tiến hành thỏa thuận hôm 21/2 thì Mỹ lại không thể thành công trong việc thuyết phục Moscow gặp gỡ trực tiếp với giới chức cầm quyền lâm thời mới ở Kiev. Tuy nhiên, cả Ngoại trưởng Nga và Ngoại trưởng Mỹ đều nhất trí sẽ tiếp tục thảo luận với nhau về tình hình Ukraine trong những ngày sắp tới. Điều này mở ra cơ hội về việc hai nước này sẽ đạt được tiến bộ trong việc tháo gỡ tình hình căng thẳng trong cuộc đối đầu Đông-Tây ở Ukraine.
 
Ngoại trưởng Kerry đã tìm cách sắp xếp một cuộc gặp mặt trực tiếp giữa Ngoại trưởng Nga Lavrov với Ngoại trưởng lâm thời mới của Ukraine Andrii Deschchytsia. Ông này đang có mặt ở cùng tòa nhà diễn ra cuộc gặp giữa ông Kerry và ông Lavrov nhưng không cùng phòng. Tuy nhiên, nhà ngoại giao hàng đầu nước Nga kiên quyết không gặp đại diện của chính quyền lâm thời mới ở Kiev. Sự từ chối thẳng thừng của Ngoại trưởng Lavrov đã chứng tỏ, Nga kiên quyết không thừa nhận chính phủ lâm thời hiện tại ở thủ đô Kiev.
 
Ông Lavrov cho giới phóng viên biết, ông này và người đồng cấp Mỹ Kerry đã nhất trí sẽ tiếp tục các cuộc thảo luận trong những ngày sắp tới để “tìm xem có cách nào tốt nhất nhằm giúp ổn định và bình thường hóa tình hình ở Ukraine cũng như giúp nước này vượt qua khủng hoảng. Các cuộc thảo luận sẽ tiếp tục và đó là tất cả”.
 
Tuy nhiên, khi được hỏi ông có gặp người đồng cấp Ukraine hay không, Ngoại trưởng Lavrov trả lời: “Ông ấy là ai? Tôi chẳng gặp thêm bất kỳ người nào”. Trong khi đó, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc tại sao ông Deschchytsia không gặp Ngoại trưởng Lavrov, Ngoại trưởng lâm thời Ukraine trả lời “Hãy hỏi ông Lavrov.”
 
Sau đó, tại cuộc họp báo được tổ chức ở nhà riêng của Đại sứ Mỹ, Ngoại trưởng Kerry đã tìm cách nói tránh đi về thất bại của việc sắp xếp một cuộc gặp giữa ông Lavrov với đại diện ngoại giao của chính quyền lâm thời mới ở Kiev. “Tôi không mong chờ một cuộc gặp như thế sẽ diễn ra trong ngày hôm nay”, ông Kerry nói.
 
Cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine được châm ngòi từ sự kiện chính phủ của Tổng thống Yanukovych hồi cuối năm ngoái bất ngờ hủy bỏ việc ký kết các thoả thuận chính trị, thương mại mang tính lịch sử với Liên minh Châu Âu (EU) chỉ vài ngày trước khi sự kiện này chính thức diễn ra. Thay vào đó, Kiev chọn con đường thiết lập quan hệ gắn bó hơn với Moscow.
 
Người ta tin rằng, những diễn biến ở Ukraine trong thời gian vừa qua được xem là “cuộc đấu” giữa Nga với Mỹ và Châu Âu nhằm tranh giành quốc gia Đông Âu. Các khu vực phía tây của đất nước Ukraine muốn có mối quan hệ gắn bó, thân thiết với EU. Trong khi đó, khu vực phía đông Ukraine – chiếm phần lớn sản lượng kinh tế của đất nước, lại thiên về hướng thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc