Trung Quốc lại tung “đòn” hung hăng ở Biển Đông

06:31, 09/01/2014
|

(VnMedia) - Trong một chiến dịch mở rộng hơn và hung hăng hơn nhằm thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc đã ra lệnh cho tàu thuyền đánh cá nước ngoài phải xin phép Bắc Kinh nếu muốn hoạt động ở phần lớn khu vực biển giàu có và chiến lược này.
 

Ảnh minh họa

 Ảnh minh họa


Việc Trung Quốc ra lệnh cho các tàu thuyền phải xin phép và phải nhận được sự phê chuẩn của giới chức địa phương của họ trước khi muốn thực hiện các hoạt động đánh cá hay nghiên cứu ở 2/3 Biển Đông được cho là sẽ gây ra những cuộc đối đầu mới giữa Bắc Kinh và các nước láng giềng đang tranh chấp ở vùng biển này.
 
Quy định mới trên bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2014 sau khi nó được ban hành hồi cuối tháng 11 bởi chính quyền địa phương của tỉnh Hải Nam.
 
Theo các quy định đó, tất cả các tàu thuyền nước ngoài đi qua nơi được gọi là “khu vực hành chính mới của tỉnh Hải Nam ở Biển Đông” – một khu vực bao trùm đến 2/3 diện tích trong số hơn 2,4 triệu km vuông ở Biển Đông, sẽ phải được sự chấp thuận của giới chức Trung Quốc.
 
Quy định trên được tỉnh Hải Nam đề ra hôm 29/11 và được thông báo trên phương tiện truyền thông hôm 3/12. Đây là một phần trong kế hoạch tăng cường sự hiện diện của cảnh sát biển Trung Quốc và thực thi luật đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông.
 
Luật Trung Quốc quy định, bất kỳ tàu thuyền nào vi phạm luật đánh bắt cá của họ sẽ bị trục xuất ra khỏi khu vực, bị tịch thu những thứ mà họ đánh bắt được và đối diện với mức phạt lên tới 82.600 USD. Trong một số trường hợp, các tàu đánh cá có thể bị bắt giữ và thủy thủ trên tàu sẽ bị truy tố theo luật Trung Quốc.
 
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc “tung” ra một hành động pháp lý rõ ràng để tranh giành chủ quyền ở Biển Đông – nơi nước này đang tranh chấp nhiều khu vực với Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei.
 
Trong khi việc thực hiện quy định mới của Trung Quốc trên một vùng biển rộng lớn như vậy là hầu như không thể thì diễn biến này đã một lần nữa phơi bày dã tâm của Trung Quốc trong việc dùng vũ lực để bắt các nước phải thừa nhận cái gọi là “chủ quyền” của họ ở Biển Đông.
 
Bắc Kinh đã có những động thái mang tính hệ thống, có tính toán để tìm cách xác lập chủ quyền ở những vùng tranh chấp. Năm 2012, Trung Quố đã thành lập cái gọi là thành phố Tam Sa với phạm vi quản lý bao trùm một loạt khu vực, nhóm đảo, bãi cạn, bãi ngầm đang là trung tâm của các cuộc tranh chấp với những nước láng giềng.
 
Trung Quốc còn sáp nhập các cơ quan hàng hải dân sự vào thành một lực lượng bảo vệ bờ biển thống nhất để tăng tính hiệu quả trong hành động và thậm chí nước này còn hung hăng ngăn chặn hoạt động của các nhà khảo cổ hàng hải trên Biển Đông.
 
Phản ứng trước thông tin về hành động mới của Trung Quốc ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez cho biết, các nhà ngoại giao của nước ông đã làm rõ về những quy định nói trên. Trong khi đó, Vùng lãnh thổ Đài Loan đã thẳng thừng tuyên bố không thừa nhận hành động đơn phương nói trên của Trung Quốc.

Biển Đông sắp nổi sóng dữ?
 
Quyết định thực thi quy định mới ở Biển Đông được Trung Quốc đưa ra sau khi nước này vừa thổi bùng ngọn lửa căng thẳng trong khu vực bằng việc bất ngờ thông báo thành lập Vùng Nhận diện Phòng không biển Hoa Đông, trong đó yêu cầu các máy bay nước ngoài phải thông báo cho giới chức Bắc Kinh trước khi bay qua một phần lớn khu vực biển Hoa Đông. Vùng phòng không mới của Trung Quốc bao trùm các khu vực đang nằm trong tranh chấp với Nhật Bản và Hàn Quốc. Vì thế, nó đã gây ra làn sóng phản đối dữ dội từ hai nước này cùng với Mỹ.
 
Cả 3 nước Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đều lên tiếng bác bỏ thẳng thừng vùng phòng không của Trung Quốc. Chưa hết, Lầu Năm Góc còn ra lệnh cho  hai máy bay ném bom hạt nhân B-52 bay qua vùng phòng không của  Trung Quốc để thách thức quy định mới mà Bắc Kinh áp đặt ở đây. Sau đó, đến lượt Nhật Bản và Hàn Quốc cũng có hành động tương tự.
 
Tiếp đó, hồi tháng trước, tàu tên lửa của Hải quân Mỹ suýt có cuộc chạm trán với tàu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông, gần đảo Hải Nam khi tàu USS Cowpens của Mỹ đang giám sát hoạt động hàng hải của Trung Quốc.
 
Mỹ liên tục khẳng định không chấp nhận vùng phòng không ở biển Hoa Đông của Trung Quốc đồng thời cảnh báo Bắc Kinh hãy “kiềm chế, không được có hành động đơn phương tương tự ở các khu vực khác, đặc biệt là Biển Đông”.
 
Báo chí nhà nước Trung Quốc đưa tin, do phản ứng dữ dội của cộng đồng quốc tế đối với vùng phòng không ở biển Hoa Đông nên Trung Quốc không thể tuyên bố một vùng phòng không tương tự ở Biển Đông.
 
Tuy vậy, việc Bắc Kinh áp đặt quy định mới về đánh bắt cá ở 2/3 Biển Đông đã thể hiện nỗ lực của nước này trong việc tìm cách tranh giành, độc chiếm các khu vực đang nằm trong tranh chấp ở vùng biển này.
 
Giới phân tích tin rằng, hành động mới nhất nói trên của Trung Quốc sẽ châm ngòi cho những cuộc tranh chấp, xung đột lớn hơn giữa Trung Quốc với các nước Đông Nam Á.
 
Cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ và cũng là một chuyên gia về Trung Quốc – ông John Tkacik nhận định, việc áp đặt quy định mới ở cái gọi là vùng hàng hải của Hải Nam là một phần trong chính sách của Trung Quốc nhằm dần dần thắt chặt quyền kiểm soát trong khu vực. Trước đó, Bắc Kinh đã tuyên bố toàn bộ Biển Đông là vùng lãnh thổ nằm trong đường 9 đoạn mập mờ của nước này.
 
“Bắc Kinh giờ đây đang tiến xa hơn bằng cách củng cố vị thế pháp lý cho đường 9 đoạn mập mờ đó bằng cách thực thi một biện pháp cấp tỉnh để xem phản ứng của các nước ra sao”, ông Tsacik cho biết.
 
Hành động tuyên bố vùng đánh cái mới của Hải Nam được cho là nhằm mục tiêu dần ép các quốc gia Đông Nam Á, Nhật Bản và Mỹ thừa nhận sự xâm phạm của Trung Quốc ở Biển Đông.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc