Thủ tướng Thái sẽ quyết chiến với phe biểu tình?

08:18, 02/01/2014
|

(VnMedia) - Nữ Thủ tướng đang gặp khó khăn của Thái Lan – bà Yingluck Shinawatra hôm qua (1/1) đã trở về thủ đô Bangkok để tham dự lễ chào đón năm mới truyền thống trong một động thái nhằm thể hiện sự đoàn kết với giới tướng lĩnh quân đội. Bước đi này của bà Yingluck diễn ra trong bối cảnh phe biểu tình đang chuẩn bị cho cuộc “quyết chiến” cuối cùng nhằm phá vỡ kế hoạch bầu cử và lật đổ chính quyền.

 

Ảnh minh họa

 Nữ Thủ tướng Yingluck giữa vòng vây người ủng hộ


Những người biểu tình cáo buộc nữ Thủ tướng Yingluck là “con rối” trong tay cựu Thủ tướng Thaksin cũng là anh trai của bà. Vì thế, phe biểu tình thề sẽ chiếm đóng các tòa nhà, văn phòng chính phủ và nhiều địa điểm then chốt khác ở thủ đô Bangkok nhằm phá vỡ kế hoạch tiến hành tổng tuyển cử của chính quyền bà Yingluck.

 

Làn sóng biểu tình hiện nay bùng lên từ hồi cuối tháng 11. Nó được xem là một “cuộc chiến” giữa bộ máy chính trị của gia đình Shinawatra với thành trì ủng hộ rộng lớn ở vùng nông thông phía bắc với lực lượng hoàng gia, trung lưu bảo thủ ở thủ đô Bangkok.

 

Các cuộc biểu tình này đã bắt đầu leo thang thành bạo lực và Tư lệnh Lục quân Thái Lan Prayuth Chan-Ocha mới đây đã từ chối bác bỏ khả năng về một cuộc đảo chính mới sau khi những cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng cảnh sát nổ ra cách đây một tuần. 3 người đã thiệt mạng kể từ cuối tuần trước.

 

Bà Yingluck hiện là Thủ tướng lâm thời sau khi bà giải tán Quốc hội và kêu gọi bầu cử sớm. Bà Yingluck đã thực hiện một chuyến đi kéo dài hơn một tuần ở bên ngoài thủ đô Bangkok để củng cố sự ủng hộ dành cho bà tại khu vực phía bắc. Tuy nhiên, nữ Thủ tướng đã trở về thủ đô sáng sớm ngày hôm qua.

 

Bà đã cùng với Tư lệnh Lục quân Prayuth và nhiều quan chức quân sự cấp cao khác đến thăm Tướng nghỉ hưu Prem Tinsulanonda – Chủ tịch Hội đồng Cố vấn của Quốc vương Bhumibol Adulyadej. Lời phát biểu của ông Prayuth hồi tuần trước là lời nhắc nhở về thực tế quân đội đã từng thực hiện tới 18 cuộc đảo chính thành công và thất bại trong 81 năm qua.

 

Trong một thông điệp đầu năm mới được phát đi đêm qua, Quốc vương Bhumibol đáng kính của Thái Lan đã kêu gọi hòa bình, sự thịnh vượng và đoàn kết trong nhân dân Thái Lan. "Mong ước của tất cả mọi người dường như không khác nhau lắm, đó là lợi ích cho bản thân mình và hòa bình cho đất nước”, Quốc vương Bhumibol phát biểu.

 

Những nghi lễ ngày hôm qua được xem là màn mở đầu cho những ngày khó khăn hơn đang chờ đợi nữ Thủ tướng Yingluck ở phía trước khi người biểu tình thề sẽ quay trở lại Bangkok sau dịp nghỉ lễ và sẽ đóng cửa thủ đô để gây sức ép buộc bà phải ra đi. Bà Yingluck được cho là sẽ có cuộc “quyết chiến” với lực lượng biểu tình và phe đối lập trong thời gian sắp tới. Nếu cuộc bầu cử diễn ra đúng kế hoạch thì bà Yingluck nắm phần chắc thắng trong tay. Nếu không, người ta không rõ tình hình chính trường Thái Lan sẽ đi về đâu. Nhiều khả năng, khi đó, sẽ có một cuộc đối đầu ác liệt giữa phe biểu tình chống chính phủ với lực lượng áo đỏ ủng hộ Thủ tướng.

 

Phe biểu tình chọn ngày “quyết chiến”

 

Theo tin mới nhất, Thủ lĩnh phong trào biểu tình chống chính phủ Thái Lan hiện nay – cựu nghị sĩ Suthep Thaugsuban hôm qua đã lên tiếng kêu gọi tiến hành một cuộc biểu tình rầm rộ nhằm làm tê liệt thủ đô Bangkok vào ngày 13/1 tới.

 

Cuộc biểu tình trên sẽ bắt đầu vào lúc 9h sáng với một loạt sân khấu được dựng lên từ các khu vực giao nhau của thủ đô, ông Suthep cho tờ The Nation biết. Thủ lĩnh Suthep đã kêu gọi người biểu tình hãy chuẩn bị ngay từ bây giờ.

 

Phát biểu trên đài truyền hình tối qua, ông Suthep tuyên bố, ông sẽ bước xuống các con đường ở thủ đô và kêu gọi sự tham gia của những người ủng hộ. ''Xin hãy sẵn sàng. Hãy gói gém đồ đạc vào tham gia cùng tôi. Chúng ta sẽ đóng cửa toàn bộ thủ đô Bangkok ”.

 

Các cuộc biểu tình được cho là sẽ bắt đầu trở lại ngay từ ngày 5/1 tới với nhiều khu vực trở thành mục tiêu. Nguồn điện và nước sẽ bị cắt cho đến ngày chính thức 13/1 khi thủ đô Bangkok bị đóng cửa hoàn toàn từ lúc 9h sáng.

 

Kế hoạch trên được xem là thử thách khắc nghiệt nhất, khó khăn nhất đối với Thủ tướng Yingluck trong cuộc “chiến” với lực lượng biểu tình. Bà Yingluck đã kêu gọi bầu cử sớm, cam kết cải cách sau bầu cử để hóa giải tình hình hiện nay nhưng lực lượng biểu tình vẫn không hài lòng. Họ muốn bà Yingluck và người anh trai đầy quyền lực của bà -Thaksin phải vĩnh viễn rời xa chính trường Thái Lan. Đây là điều không thể chấp nhận với gia đình Shinawatra và với cả lực lượng người dân ủng hộ đông đảo của họ.

 

Cựu Thủ tướng Thaksin là một nhân vật đầy quyền lực và ảnh hưởng trên chính trường Thái Lan dù ông này đã phải đi sống lưu vong, trốn tránh án tù ở bên ngoài đất nước suốt 8 năm qua. Mặc dù bị tầng lớp hoàng gia, trung lưu ở thành thị ghét cay ghét đắng nhưng ông Thaksin lại đặc biệt được yêu thương bởi những người nông thôn, người nghèo chiếm đa số ở đất nước Thái Lan. Thậm chí, họ còn tôn ông là “vị thánh” bởi theo họ, từ khi ông Thaksin lên cầm quyền, đời sống của họ mới có sự đổi thay tích cực, tiếng nói của họ mới được lắng nghe.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc