Sự thật tin đồn khủng khiếp nhất về Triều Tiên

19:05, 07/01/2014
|

(VnMedia) - Những ngày này, trên mạng Internet đang rộ lên một tin đồn hết sức khủng khiếp, đó là Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un được cho là đã xử tử người chú rể quyền lực của mình bằng cách lột truồng ông này và để ông làm mồi cho 120 con chó bị bỏ đói 3 ngày.

 

Ảnh minh họa

 Chú rể của ông Kim Jong Un bị bắt đi giữa cuộc họp


Câu chuyện ngoài sức tưởng tượng trên xuất phát đầu tiên từ một tờ báo nhỏ của Hồng Kông hôm 12/12. Sau đó, thông tin này đã được đăng tải lại trên một tờ báo của Singapore số ra ngày 24/12 và bắt đầu từ hôm 2/1 tuần trước, tin đồn nhanh chóng lan rộng mọi ngóc ngách của báo chí Mỹ. Vấn đề duy nhất ở đây là thông tin trên khó có thể là sự thật.

 

Trên thực tế, hồi tháng trước, tình báo Hàn Quốc đã khiến nhiều người vô cùng ngạc nhiên khi tiết lộ, Chủ tịch Kim Jong Un trừng phạt người chú rể Jang Song Thaek – nhân vật quyền lực số 2 của Triều Tiên. Bình Nhưỡng sau đó cũng đã xác nhận thông tin trên. Và cũng chỉ ít lâu sau, báo chí Triều Tiên tiếp tục thông báo về vụ xử tử chóng vánh ông Jang. Đây là điều hiếm khi xảy ra và nó đã gây sốc thật sự không chỉ ở Triều Tiên mà với cả thế giới.

 

Mọi việc chưa dừng lại ở đó khi báo chí những ngày gần đây tiếp tục “tung” ra một câu chuyện khủng khiếp ngoài sức tưởng tượng quanh vụ xử tử ông Jang. Tuy nhiên, có 5 lý do lớn để người ta khẳng định, câu chuyện trên chỉ là một sản phẩm của sự bịa đặt, không hề có gì đáng tin cậy. Điều đáng nói là báo chí phương Tây nhanh chóng chấp nhận tin đồn khủng khiếp mà họ được cho là sẽ bác bỏ thẳng thừng nếu nó xuất phát từ bất kỳ nước nào khác. Điều đó cho thấy Triều Tiên bí ẩn như thế nào đối với thế giới và nước này vì thế cũng bị các nước khác hiểu lầm như thế nào.

 

Lý do thứ nhất và quan trọng nhất khiến người ta khó tin vào tin đồn khủng khiếp liên quan đến vụ xử tử ông Jang chính là nguồn tin. Tin đồn đó bắt nguồn từ một tờ báo Hồng Kông được gọi là Wen Wei Po. Tờ báo trích dẫn tin theo kiểu “thông tin được cho là” và không hề đưa ra được bất kỳ nguồn tin nào. Trừ một vài trường hợp ngoại lệ, báo chí Hồng Kông vốn nổi tiếng là thường đưa các thông tin giật gân, lá cải mà sau này đều được chứng minh là không đúng sự thật. Thậm chí ngay cả trong nền báo chí Hồng Kông “vốn đầy tai tiếng” như vậy, thì tờ Wen Wei Po vẫn thường xuyên bị coi là tờ báo không đáng tin cậy. Một nghiên cứu gần đây cho kết quả, trong số 22 tờ báo của Hồng Kông thì tờ Wen Wei Po xếp thứ 19 về độ tin cậy.

 

Thứ hai, với thực tế phần còn lại của báo chí Trung Quốc không thèm đả động gì đến tin đồn giật gây và gây sốc về vụ xử tử ông Jang bằng chó trong suốt gần một tháng qua kể từ sau khi nó lần đầu tiên xuất hiện trên báo Hồng Kông thì điều đó cũng đủ cho thấy sự thiếu tin cậy trong câu chuyện này. Một số nhà quan sát coi câu chuyện trên đáng tin cậy bởi Wen Wei Po được cho là tờ báo được quản lý bởi chính phủ Trung Quốc ở Bắc Kinh. Đương nhiên, nếu bất kỳ người nào biết chuyện gì thực sự xảy ra ở Bình Nhưỡng thì đó thường phải là chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, tờ Wen Wei Po làm sao mà gần trung tâm quyền lực của Trung Quốc bằng những tờ như Tân Hoa xã hay People's Daily. Toàn bộ hệ thống báo chí còn lại của Trung Quốc đều “trung thành” với câu chuyện mà tất cả mọi người đều biết, đó là ông Jang bị xử tử bằng súng máy hoặc súng phòng không. Trung Quốc gần đây không ngại thể hiện sự khó chịu với đồng minh Triều Tiên nhưng thực tế về việc tờ Wen Wei Po đơn độc trong câu chuyện này đã nói cho chúng ta một điều gì đó về sự thật quanh tin đồn khủng khiếp liên quan đến vụ xử tử hình ông Jang.

 

Thứ ba, báo chí Hàn Quốc cũng không thèm đả động đến thông tin mà tờ Wen Wei Po đưa ra. "Câu chuyện đó không hề được báo chí Hàn Quốc đăng lại, đây là một lý do để chúng ta nghi ngờ tính xác thực trong cậu chuyện này", ông Chad O'Carroll – người biên tập cho trang tin NKNews.org, đã nhận định như vậy. “Lý do khác để người ta nghi ngờ tin đồn nói trên là dù đã xuất hiện từ cách đây rất lâu nhưng không ai chú ý đến câu chuyện đó", ông O’Carroll nói thêm. Báo chí Hàn Quốc nắm rất rõ và kết nối chặt chẽ với cộng đồng những người trốn chạy khỏi Triều Tiên. Báo chí Hàn Quốc cũng có nhiều nguồn tin ở bên trong đất nước Triều Tiên và đặc biệt là với mạng lưới tình báo Hàn Quốc. Một vài tờ báo Hàn Quốc sẽ không ngại ngần đăng tải những thông tin hay những tin đồn miêu tả Triều Tiên theo một cách tiêu cực. Và như ông O'Carroll nói, báo chí Hàn Quốc không ngại đăng tải những câu chuyện chỉ xuất phát từ một nguồn tin. Tuy vậy, các tờ báo Hàn Quốc, cả lớn và nhỏ, đều coi câu chuyện quanh vụ xử tử ông Jang là không đáng tin cậy, thậm chí đến mức không cần đả động đến.

 

Lý do thứ tư là dù tin đồn khủng khiếp về việc ông Jang bị xử tử bằng 120 con chó đói được đưa ra cả tháng nay rồi mà chẳng ai thèm lên tiếng xác nhận hay phủ nhận gì cả. Riêng điều đó chưa gây ra sự ngạc nhiên nhưng cả đến bộ máy truyền thông hùng hậu của Châu Á thậm chí cũng không thèm lao đi kiểm chứng thông tin như họ vốn có thói quen làm vậy với những thông tin gây chú ý khác.

 

Thứ năm là câu chuyện mà được nhiều người biết đến quanh vụ xử tử ông Jang đáng tin cậy hơn rất nhiều. Đa phần các tờ báo uy tín có những nguồn tin đáng tin cậy đều miêu tả ông Jang bị xử tử bằng đội bắn. Câu chuyện này rất phù hợp với việc những điều chúng ta biết về Triều Tiên. "Ông Jang bị tòa án quân sự xét xử, vì vậy sẽ là hợp lý nếu ông ấy bị xử bắn”, ông O'Carroll cho biết. Bản thân báo chí Hàn Quốc với những nguồn tin đáng tin cậy đều khẳng định, ông Jang bị xử bắn.

 

Ngoài 5 lý do chính trên, nhà văn châm biếm Karl Sharro còn đưa ra thêm một lý do thứ 6 nữa để bác bỏ tin đồn giật gân. Theo ông Sharro, "mấu chốt cho thấy câu chuyện về việc người chú của ông Kim Jong Un bị xử tử bằng 120 con chó đói là tin thất thiệt chính là ở chỗ ai có thể đếm được 120 con chó trong thời điểm như thế”.


Vân Linh - (theo NYT)

Ý kiến bạn đọc