Số phận nữ Thủ tướng Yingluck nằm trong tay ai?

08:54, 06/01/2014
|

(VnMedia) - Tư lệnh Lục quân Thái Lan – Tướng Prayuth Chan-ocha chắc hẳn lúc này đang là người nổi tiếng, quan trọng nhất chính trường Thái Lan. Không nghi ngờ gì nữa, hiện tại, ông Prayuth đang là người nhận được nhiều đề nghị gặp mặt hay điện đàm nhất. Đó là bởi vì ông này được cho là đang nắm trong tay “sinh mệnh” của cả nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra và thủ lĩnh phong trào biểu tình chống chính phủ Suthep Thaugsuban. Kết quả của cuộc đấu tranh chính trị gay gắt ở Thái Lan hiện tại phụ thuộc vào hành động của Tướng Prayuth.
 

Ảnh minh họa

Thủ tướng Yingluck.


Đối với cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, ông Prayuth sẽ làm tất cả những gì có thể để giữ cho quân đội đứng yên, không can thiệp vào chính trường. Trong khi đó, đối với thủ lĩnh Suthep, Tướng Prayuth được cho là sẽ làm tất cả những gì có thể để đưa xe tăng ra can thiệp. Nói một cách dễ hiểu hơn, ông Suthep sẽ không thể giành chiến thắng trong cuộc đối đầu với chính quyền bà Yingluck hiện nay nếu quân đội không ra tay giúp đỡ dù trên đường phố hay trong một cuộc đảo chính thầm lặng ở đằng sau hậu trường. Bản thân nữ Thủ tướng Yingluck cũng vậy, bà khó mà có thể đứng vững nếu quân đội quyền lực của Thái Lan ngấm ngầm hay công khai chống lại bà.
 
Đó là lý do tại sao, trong suốt thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay, ông Suthep ra sức kêu gọi sự can thiệp của quân đội trong khi nữ Thủ tướng tìm mọi cách thuyết phục quân đội đứng yên hoặc giúp đỡ chính quyền. Trong một nỗ lực cuối cùng nhằm tìm cách lôi kéo quân đội đứng về phía mình như lực lượng này đã làm trước đây, thủ lĩnh Suthep đã thay đổi hạn định cho chiến thắng “cuối cùng”. Theo đó, lần này, thời hạn là ngày 13/1. Nếu quân đội vẫn không lung lay, thay đổi lập trường và không nhúc nhích gì thì phe biểu tình và đối lập có thể sẽ phải tiến hành mỗi tháng “một cuộc nổi dậy” trong thời gian 10 năm tới.
 
Mặc dù không được viết trong hiến pháp nhưng từ lâu người ta đã hiểu rằng, mặc dù chính phủ Thái Lan được bầu lên bởi nhân dân nhưng sự hiện diện của họ trên chính trường nước này ít nhất phải được sự chấp nhận của quân đội – một lực lượng vốn nắm trong tay quyền lực rất lớn và vốn nổi tiếng vì hay thích can thiệp vào nền chính trị của đất nước.
 
"Do nhân dân và vì nhân dân” là tuyên ngôn của nền dân chủ nhưng ở Thái Lan câu nói này phải được sửa thêm rằng “do nhân dân và hy vọng quân đội chấp nhận điều đó”. 
 
Thủ lĩnh Suthep có thể khích động hàng trăm nghìn hoặc 1 triệu đến 5 triệu người đổ ra đường phố mỗi ngày. Tuy nhiên, con số chiếm đa số lại nằm ở thùng phiếu. Vì thế, ông này và Đảng Dân chủ đối lập không thể giành chiến thắng trong cuộc đấu tranh hiện tại một cách dân chủ và họ biết rất rõ thực tế đó.
 
Mục tiêu của phe biểu tình và đối lập là “diệt trừ tận gốc” chính quyền Thaksin ở đất nước Thái Lan. Nhưng ông Suthep có thể làm được gì để khiến cựu Thủ tướng Thaksin từ bỏ và “rửa tay, gác kiếm”? Điều này không thể được thực hiện bằng biện pháp hòa bình và ông Suthep hiểu rõ điều đó.
 
Cuộc chiến cũng không chỉ liên quan đến mỗi riêng mình ông Thaksin. Nó còn liên quan đến tất cả các nhân vật chính khách trong Đảng Pheu Thai, cả mạng lưới đồng minh doanh nhân. Đó cũng là hàng triệu, hàng tỉ tiền đầu tư và đang chờ đợi sinh lãi. Đó là Mặt trận Dân chủ Thống nhất chống độc tài (UDD) cùng hơn 15 triệu cử tri.
 
Ông Suthep có thể làm được gì để khiến họ từ bỏ, đầu hàng? Điều này chỉ có thể được thực hiện qua dùng vũ lực, dù trên các đường phố hay sau hậu trường và chỉ quân đội có thể làm được điều đó.
 
Vì thế, cuộc chiến giờ đây nằm trong tay của Tư lệnh Prayuth. Trong thời gian qua, ông này liên tục nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại rằng, quân đội sẽ không can thiệp vào chính trường và rằng những ngày mà quân đội liên tiếp thực hiện các cuộc đảo chính quân sự giờ đã qua. Tuy nhiên, gần đây, Tướng Prayuth bất ngờ thay đổi giọng điệu, từ chối bác bỏ khả năng thực hiện một cuộc đảo chính mới, nói rằng điều đó “phụ thuộc vào tình hình”.
 
Phát biểu trên của ông Prayuth khiến người ta phải giật mình bởi còn nhớ, trước cuộc đảo chính mới nhất lật đổ cựu Thủ tướng Thaksin năm 2006, Tư lệnh Lục quân Thái Lan cũng từng tuyên bố, sẽ không có đảo chính. Nhưng chúng ta đều biết, nó đã xảy ra.
 
Mặc dù vậy, ngay nay không còn giống như năm 2006. Thời gian đã đổi thay và trò chơi cũng đã khác. Nếu cuộc đảo chính năm 2006 chứng minh được điều gì thì chính là nó đã chứng minh “cái cách lật đổ chính quyền cũ kỹ đó” không còn phát huy tác dụng.
 
23 cuộc đảo chính hay nỗ lực đảo chính trong lịch sử 80 năm qua ở Thái Lan diễn ra theo một cách thức lịch sự, không có bạo lực hoặc rất ít. Người bị đánh bại tự nguyện rút lui và chấp nhận sự ra đi có lợi.
 
Tuy nhiên, ông Thaksin là người đầu tiên thay đổi cuộc chơi trên bằng cách nhất quyết không chịu nhượng bộ. Ông này chấp nhận sống lưu vong nhưng tiếp tục cuộc đấu tranh. Việc ông Thaksin  không chấp nhận thất bại đồng nghĩa với viễn cảnh nếu quân đội phải hành động một lần nữa thì hành động đó sẽ phải toàn diện và quyết liệt. Như vậy, bạo lực leo thang, lan rộng là điều gần như chắc chắn.
 
Đó là bởi vì cựu Thủ tướng Thaksin không chấp nhận thất bại và bộ máy chính trị của ông ấy cũng không chấp nhận thất bại.
 
Nếu quân đội Thái Lan làm việc hiệu quả, mọi việc sẽ kết thúc nhanh chóng và không gây thương đau. Nếu thất bại, tình hình Thái Lan có thể còn thảm khốc hơn cả ở Ai Cập và Syria.
 
Thủ lĩnh Suthep được cho là sẽ làm tất cả những gì có thể để chiến thắng. Một câu hỏi thú vị được đưa ra là, trong khi nhiều người biểu tình không ngại thực hiện một cuộc đảo chính quân sự thì liệu có bao nhiêu người có thể chấp nhận một cuộc thanh trừng đẫm máu? Bao nhiêu người sẵn sàng chứng kiến một cuộc nội chiến khốc liệt? Dọa dẫm là một điều dễ làm nhưng thực sự lao vào giết chóc lẫn nhau là một điều hoàn toàn khác hẳn.
 
Người ta tin rằng, cách tốt nhất lúc này là tất cả mọi người giúp ông Suthep tìm kiếm một sự thỏa hiệp, một cách thoát ra khỏi tình hình hiện nay trong thể diện.


Kiệt Linh - (theo BP)

Ý kiến bạn đọc