Nữ Thủ tướng Thái phát huy “vũ khí” thế mạnh

20:09, 01/01/2014
|

(VnMedia) - Nữ Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra từng tin rằng, với lợi thế là sức mạnh mềm dẻo của một nữ chính khách, bà có thể hóa giải những mâu thuẫn và bất đồng. Và trong cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng hiện nay, bà Yingluck đã không ít lần phát huy “vũ khí” thế mạnh của mình.
 

Ảnh minh họa

 Nữ Thủ tướng Yingluck


Ngày hôm qua (31/12), bà Yingluck lại tiếp tục lên tiếng kêu gọi sự hòa giải dân tộc khi những cuộc biểu tình ở thủ đô Bangkok lắng lại trước thềm năm mới. Đây là giai đoạn bình yên hiếm hoi ở thủ đô Bangkok sau suốt nhiều tuần diễn ra các cuộc biểu tình, bạo loạn do lực lượng chống chính phủ gây ra.
 
Những người biểu tình chống chính phủ đã thề sẽ phá vỡ kế hoạch tổ chức tổng tuyền cử sớm vào ngày 2/2 tới của bà Yingluck. Sau làn sóng biểu tình kéo dài nhiều tuần với đỉnh cao là các cuộc chiếm đóng một loạt tòa nhà, văn phòng của các cơ quan bộ, ngành, chính phủ và những vụ đụng độ đổ máu giữa người biểu tình và lực lượng cảnh sát, nữ Thủ tướng Yingluck đã buộc phải giải tán Quốc hội, kêu gọi bầu cử sớm trong một nỗ lực nhằm giải quyế cuộc khủng hoảng đang chia rẽ sâu sắc giữa chính phủ với bên kia là tầng lớp hoàng gia, trung lưu ở thủ đô Bangkok.
 
Những người biểu tình đã đe dọa sẽ đóng cửa thủ đô Bangkok sau dịp năm mới bằng kế hoạch phong tỏa các con đường dẫn tới 20 địa điểm. Tuy nhiên, quy mô của các cuộc biểu tình không phải lúc nào cũng đúng như lời tuyên bố của thủ lĩnh lực lượng chống chính phủ - ông Suthep Thaugsuban.
 
Bà Yingluck đã vắng bóng ở Bangkok trong suốt hơn một tuần qua. Bà đang có chuyến đi tới các khu vực ở phía bắc – nơi là thành trì ủng hộ vững chắc cho chính quyền của bà. Tuy nhiên, nữ Thủ tướng đã dùng các phương tiện truyền thông xã hội để một lần nữa gửi đi thông điệp tìm kiếm hòa bình và sự hòa giải dân tộc.
 
“Nhân dịp năm mới 2014, cho phép tôi đề nghị tất cả người dân Thái Lan hãy đoàn kết với nhau, cùng nhau chúc phúc cho nhân dân Thái Lan được hưởng tình yêu, được sống trong sự hài hòa và đối với những người có quan điểm khác nhau, tư tưởng chính trị khác nhau có thể hòa giải để tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho đất nước chúng ta”, bà Yingluck đã kêu gọi như vậy trên trang Facebook.
 
Hiện chưa thấy phe biểu tình lên tiếng phản ứng gì trước những lời kêu gọi hòa giải đầy mềm dẻo của nữ Thủ tướng Yingluck nói trên.
 
Những người biểu tình trước đó luôn thể hiện quyết tâm tìm cách lật đổ bằng được Thủ tướng Yingluck, cáo buộc bà là “con rối” trong tay cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.
 
Hiện tại, thủ đô Bangkok ngày hôm qua đã bắt đầu trở lại bình thường khi những người biểu tình tạm nghỉ về nhà để đón năm mới. Tuy nhiên, lực lượng này tuyên bố sẽ quay trở lại sau dịp năm mới và sẽ có hành động quyết liệt hơn để dồn ép, buộc bà Yingluck phải ra đi.
 
Những cuộc biểu tình mới nhất đã bùng lên thành bạo lực ở nhiều điểm biểu tình trong  5 ngày vừa qua. Ít nhất 8 người đã thiệt mạng kể từ khi làn sóng biểu tình nổ ra hồi cuối tháng 11.
 
Thái Lan trên bờ vực của một cuộc đảo chính?
 
Cuộc khủng hoảng chính trị mới nhất hiện nay ở đất nước Thái Lan vẫn xuất phát từ nguyên nhân sâu xa là cuộc đối đầu quyết liệt giữa một bên là tầng lớp hoàng gia, trung lưu chống ông Thaksin (còn gọi là áo vàng) và bên kia là tầng lớp dân nghèo, dân nông thôn coi ông Thaksin như một vị thánh (áo đỏ).
 
Mặc dù đảng Pheu Thai gần như chắc chắn sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới nhưng vị thế của nữ Thủ tướng Yingluck đang trở nên lung lay hơn bao giờ hết khi cuộc xung đột tiếp tục diễn ra với các cuộc bạo lực đường phố bắt đầu bùng lên, mở ra khả năng can thiệp của lực lượng quân đội quyền lực và bị chính trị hóa hay sự can thiệp của bộ máy hành pháp.
 
Viễn cảnh trên đang trở nên rõ ràng hơn khi hồi tuần trước, Tư lệnh Lục quân Thái Lan bất ngờ từ chối bác bỏ khả năng tiến hành một cuộc đảo chính dù quân đội trong suốt thời gian qua vẫn cố kiềm chế để duy trì thế trung lập trong cuộc khủng hoảng hiện nay. Phát biểu giật mình của Tư lệnh Thái Lan khiến người ta lo ngại về khả năng can thiệp của quân đội vào tình hình chính trường nước này. Quân đội quyền lực ở đất nước Thái Lan vốn nổi tiếng bởi hay can thiệp vào chính trường. Lực lượng này đã thực hiện tới 18 cuộc đảo chính cả thành công và thất bại trong lịch sử nền dân chủ mong manh hơn 80 năm qua ở Thái Lan, trong đó có cả cuộc đảo chính lật đổ cựu Thủ tướng Thaksin năm 2006.
 
Phe áo đỏ ủng hộ Thủ tướng Yingluck đã lên tiếng cảnh báo đầy sắc lạnh rằng, quân đội nên tuân theo các nguyên tắc dân chủ và rằng họ sẽ đấu tranh đến cùng nếu một cuộc đảo chính nổ ra. Phe áo đỏ nhấn mạnh, họ sẽ không bao giờ cho phép thêm một cuộc đảo chính nào diễn ra nữa.
 
Trước những lo ngại trên, quân đội đã nhanh chóng lên tiếng trấn an, khẳng định họ không có bất kỳ kế hoạch nào.
 
Mặc dù vậy, người ta vẫn cực kỳ lo ngại về tình hình chính trường Thái Lan khi người biểu tình quay trở lại thủ đô Bangkok sau dịp năm mới.


Vân Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc