Ấn Độ phóng thành công tên lửa tự chế công nghệ mới

08:53, 06/01/2014
|

(VnMedia) - Hôm qua (5/1), Ấn Độ đã phóng thành công tên lửa đẩy GSLV D5 mang vệ tinh với công nghệ nhiên liệu đông lạnh, sau 2 vụ phóng thất bại.

 

Vụ phóng này được nhiều người cho là nhằm đẩy mạnh công nghệ không gian vũ trụ cũng như ngành công nghiệp tên lửa của Ấn Độ, đồng thời giúp tăng uy tín quốc tế của nước này trong lĩnh vực chinh phục không gian.


Ảnh minh họa

   

Quả tên lửa màu trắng được phóng đi từ Trung tâm Vũ trụ Satish Dhawan ở Sri Harihota, miền đông nam Ấn Độ vào lúc 16h18 (giờ địa phương) và đã đưa thành công một vệ tinh viễn thông nặng 1.982 kg – GSAT 14 lên quỹ đạo.

 

Các quan chức thuộc Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ cho biết, vụ phóng này là một nền tảng quan trọng, thúc đẩy tham vọng đưa người lên vũ trụ và một số dự án không gian khác của Ấn Độ, cũng như giúp nước này vươn xa ra thị trường vệ tinh vũ trụ quốc tế.

 

Công nghệ nhiên liệu đông lạnh cho phép tên lửa mang vệ tinh nặng hơn 2.000 kg lên quỹ đạo địa tĩnh khá phổ biến ở Mỹ, Nga, Nhật Bản, Pháp và Trung Quốc. Công nghệ này đã được các nhà khoa học không gian Ấn Độ nghiên cứu 20 năm qua.

 
Trước đó, Ấn Độ cũng đã 2 lần tiến hành phóng tên lửa mang vệ tinh này lên quỹ đạo nhưng đều thất bại. 
Lần đầu tiên vào ngày 15/4/2010 và lần thứ 2 vào ngày 19/8/2013.

 

Các nhà khoa học Ấn Độ đã tiến hành nghiên cứu công nghệ nhiên liệu đông lạnh trong suốt 20năm qua.


Đan Khanh - (theo Xinhua)

Ý kiến bạn đọc