Chuyên gia Nga:: Trung Quốc sẽ “thất bại thảm hại” trước Nhật

07:33, 05/11/2013
|

(VnMedia) - Căng thẳng kèm theo một loạt những va chạm nóng rẫy gần đây giữa quân đội hai nước Trung Quốc và Nhật Bản vì tranh chấp lãnh thổ đã “châm ngòi” cho những cuộc thảo luận nóng bỏng giữa các nhà quan sát, giới quân sự và học giả cũng như công chúng về khả năng cũng như hậu quả của một cuộc chiến Trung-Nhật mới.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Mặc dù khả năng bùng phát một cuộc chiến tranh toàn diện giữa Trung Quốc và Nhật Bản gần như được bác bỏ nhưng giới quan sát Trung Quốc vẫn cảnh báo về nguy cơ xảy ra xung đột do những vụ việc bất ngờ gây ra. Giới chuyên gia Trung Quốc tự nhận rằng, nước họ có chút lợi thế hơn Nhật Bản bất chấp sự can thiệp từ phía cường quốc số 1 thế giới – Mỹ.
 
Quan hệ giữa Bắc Kinh và Tokyo đã xấu đi một cách nghiêm trọng kể từ sau khi Nhật Bản tiến hành quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang nằm trong tranh chấp với Trung Quốc hồi cuối năm ngoái.
 
Trong bối cảnh trên, mối quan hệ quân sự Trung-Nhật phải đối mặt với rất nhiều cuộc thử thách kể từ đầu năm đến giờ. Trong vụ việc mới nhất, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã gửi văn bản chính thức đến Tokyo để phản đối cái mà họ gọi là “sự quấy rối” của một tàu chiến Nhật Bản đối với cuộc tập trận bắn đạn thật của họ ở Tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Tokyo đã bác bỏ cáo buộc này đồng thời tuyên bố tiếp tục các hoạt động giám sát của mình.
 
Mới đây, hồi cuối tuần , khi Hải quân Trung Quốc vừa kết thúc một cuộc tập trận rầm rộ thì Nhật Bản cũng nhanh chóng khởi động một cuộc tập trận có quy mô lớn kéo dài tới tận 18 ngày, trong đó có cả bài diễn tập chiếm đảo và hoạt động triển khai tên lửa trên đảo Miyako. Cuộc tập trận của Nhật Bản được tin là nhằm để củng cố năng lực của nước này trong việc phong tỏa con đường tiến ra Tây Thái Bình Dương của Hải quân Trung Quốc.
 
Cuộc khẩu chiến và những cuộc tập trận từ hai nước Trung, Nhật đã khiến nhiều người đặt ra câu hỏi liệu hai cường quốc hàng đầu Châu Á này có gây chiến với nhau trong tương lai sắp tới hay không. Giữa những quan ngại về viễn cảnh này, trên các diễn đàn và cổng thông tin ở Trung Quốc xuất hiện một bản phân tích của giới chuyên gia Nga được thực hiện hồi tháng 9 năm ngoái, trong đó có bình luận về một cuộc chiến Trung-Nhật.

Trung Quốc sẽ thất bại thảm hại trước Nhật Bản
 
Trong bản phân tích của Nga, ông Vasiliy Kashin – một nhà nghiên cứu cấp cao thuộc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ ở thủ đô Moscow, đã dự đoán một “thất bại thảm hại” cho Trung Quốc nếu nước này chiến tranh với Nhật Bản vì quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Theo ông Kashin, Nhật Bản chiến thắng vì sở hữu trong tay vũ khí hiện đại và lực lượng quân nhân thiện chiến hơn.
 
Tuy nhiên, cũng trong bản phân tích trên, một chuyên gia khác có tên là Konstantin Sivkov – Phó Chủ tịch Thứ nhất của Học viện Các Vấn đề Địa Chính trị, lại nhận định, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ thua nếu giới lãnh đạo Trung Quốc quyết tâm chiếm lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhưng ám chỉ quân đội Trung Quốc sẽ bại trận do sự can thiệp từ đồng minh Mỹ của Nhật Bản.
 
Những nhận định trên của giới chuyên gia Nga đã thu hút hơn 11.000 bình luận trên cổng thông tin sina.com.cn của Trung Quốc và phần lớn bình luận này tỏ ra khá thận trọng. Trong khi đó, trên tiexue.net, các bình luận tỏ ra lạc quan hơn về kết quả các cuộc xung đột quân sự, kêu gọi Trung Quốc giành lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bằng vũ lực.
 
Ông Liu Jiangyong – Phó Giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế Hiện đại ở trường Đại học Tsinghua, nhận định trên tờ Thời báo Hoàn cầu rằng, do hiến pháp hòa bình, Nhật Bản không thể phát động một cuộc chiến tranh và rằng những phát biểu gay gắt gần đây về việc bắn hạ máy bay do thám Trung Quốc thực chất chỉ là một đòn tâm lý nhằm thử thách Bắc Kinh.
 
Trong khi đó, Thiếu tướng La Viện, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Văn hóa Chiến lược Trung Quốc thì khẳng định, những đánh giá của giới chuyên gia Nga là không chính xác do không cập nhật thông tin mới nhưng nó cũng nhắc nhở Trung Quốc vẫn cần phải thận trọng.
 
Theo ông La Viện, giữa Trung Quốc và Nhật Bản chẳng bên nào có ý định tham gia vào một cuộc chiến tranh toàn diện. “Năng lực phòng thủ của Trung Quốc đã chứng kiến một bước nhảy dài. Nhật Bản không có ý định cũng chẳng có đủ năng lực để chiến đấu trong một cuộc chiến tranh như thế”, ông La Viện nói thêm.
 
Một chuyên gia quân sự giấu tên từ Lực lượng Không quân Trung Quốc cũng chia sẻ quan điểm tương tự, nhấn mạnh rằng, những phát biểu liên quan gần đây của Bộ Quốc phòng Trung Quốc về vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã cho thấy mong muốn của Bắc Kinh trong việc giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình.
 
Tuy nhiên, vị quan chức trên cảnh báo, khả năng xảy ra xung đột vì những sự việc bất ngờ không chủ ý vẫn có thể xảy ra nếu Nhật Bản “tiếp tục đi theo con đường sai lầm”. “Cuộc xung đột đó sẽ là một vụ việc riêng lẻ và sẽ không vượt ra ngoài tầm kiểm soát”.
 
Tuy nhiên, Thiếu tướng La Viện lại dự đoán một cuộc xung đột như vậy có thể leo thang thành một cuộc chiến tranh có quy mô hạn chế, trong đó Trung Quốc có cơ hội tốt hơn để chiến thắng. "Không quân Trung Quốc có nhiều máy bay hơn Nhật Bản và chất lượng của những chiếc máy bay đó không thua kém gì của Nhật Bản. Trong khi đó, chúng tôi có nhiều sân bay được trang bị tốt hơn và nằm rất gần với quần đảo Điếu Ngư”, La Viện nói.
 
Tuần trước, báo chí Nhật Bản đã đăng tải một loạt hình ảnh và thông tin về hạm đội tàu ngầm hạt nhân đầu tiên của nước này. Đây được xem là một hành động răn đe trước bất kỳ sự khiêu khích nào. "Nhật Bản có thể có lợi thế hơn trong năng lực chống tàu ngầm nhưng lại không có tàu ngầm hạt nhân cũng như lực lượng thủy quân lục chiến. Và số lượng máy bay của hải quân Nhật cũng đứng sau Trung Quốc”, ông La Viện nói thêm.


Kiệt Linh - (theo TBHC)

Ý kiến bạn đọc