Assad tự tin đến mức đòi nhận giải Nobel Hòa bình?

07:13, 15/10/2013
|

(VnMedia) - Tổng thống Bashar al-Assad mới đây đã lên tiếng nói rằng: “Giải Nobel Hòa bình đáng ra nên là của tôi”. Phát biểu gây sốc của Nhà lãnh đạo Syria thể hiện sự tự tin trước diễn biến cuộc nội chiến đang ngày một đi theo chiều hướng thuận lợi cho ông này. Tuy nhiên, phải chăng ông Assad đang tự tin quá mức khi dám đòi nhận giải Nobel Hòa bình?
 

Ảnh minh họa

 Tổng thống Assad


Trên thực tế, tuyên bố trên của ông Assad thực chất chỉ là một câu đùa vui không hơn không kém.
 
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ Al-Akhbar thân Hezbollah ở Li-băng  ngày hôm qua (14/10), khi được hỏi về việc các thanh sát viên của Tổ chức Cấm Sử dụng Vũ khí Hóa học (OPCW) được nhận giải Nobel Hòa bình năm 2013, Tổng thống Assad đã trả lời: “Giải đó đáng lẽ nên được trao cho tôi”.
 
Tuy nhiên, nhật báo Al-Akhbar nhanh chóng khẳng định, phát biểu trên chỉ là “một câu nói đùa” của ông Assad. Trước đó, hôm 11/10, một nhóm thanh sát viên của Tổ chức Cấm Sử dụng Vũ khí Hóa học có trụ sở ở Hague đã được vinh dự xướng tên là chủ nhân của giải Nobel Hòa bình năm nay. Nhóm thanh sát viên này đang được giao sứ mệnh hoàn thành việc phá hủy kho vũ khí hóa học rất lớn của chính quyền Assad vào giữa năm 2014.
 
Tờ Al-Akhbar đưa tin, Tổng thống Assad năm 2003 từng đề nghị tất cả các nước trong khu vực nên giao nộp lại toàn bộ kho vũ khí hủy diệt hàng loạt của mình.
 
Hiện tại, các thanh sát viên của OPCW đang có mặt ở Syria để kiểm tra hơn 20 địa điểm cất giữ vũ khí hóa học của Syria. Đoàn của Liên Hợp Quốc và OPCW gồm 60 chuyên gia và các nhân viên hỗ trợ đã làm việc ở Syria từ hôm 1/10 trong khi cuộc nội chiến ở đất nước này vẫn tiếp diễn căng thẳng.
 
Công việc giải trừ vũ khí hóa học của Syria được khởi động từ sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đưa ra được một nghị quyết mang tính đột phá hồi tháng trước, trong đó yêu cầu Syria phải nhanh chóng phá hủy toàn bộ kho vũ khí hóa học của nước này. Đây là nghị quyết được thông qua sau khi xảy ra một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học vào khu vực ngoại ô thủ đô Damascus hôm 21/8 khiến hàng trăm người thiệt mạng. Thậm chí, Mỹ đưa ra con số người chết là 1.400 người.
 
Mỹ cùng các nước đồng minh phương Tây khăng khăng đổ lỗi cho chính quyền của Tổng thống Assad đã gây ra vụ tấn công chết người nói trên. Dựa trên cái cớ này, các cường quốc phương Tây nhăm nhe ý định tấn công Syria. Tuy nhiên, Nga đã chặn đứng được ý định này của phương Tây khi đưa ra được một đề xuất mang tính đột phá, được cộng đồng quốc tế hoan nghênh. Theo đó, Syria phải giao nộp kho vũ khí hóa học của nước này để tránh một chiến dịch can thiệp quân sự của Mỹ và các nước đồng minh.
 
Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Al-Akhbar ngày hôm qua, Tổng thống Assad đã lên tiếng thừa nhận, việc mất kho vũ khí hóa học là một cú giáng về mặt tinh thần đối với Syria.
 
"Không nghi ngờ gì nữa, việc mất kho vũ khí hóa học đã khiến Syria phải hứng chịu tổn thất về mặt chính trị và tinh thần”, ông Assad cho biết, ám chỉ đến nỗ lực năm 2003 của ông này trong việc sử dụng kho vũ khí hóa học như là một lá bài mặc cả để buộc Israel phải giải trừ kho vũ khí hạt nhân.
 
"Ngày nay, cái giá đó đã thay đổi và chúng tôi đã đồng ý từ bỏ vũ khí hóa học để ngăn chặn nguy cơ về việc Mỹ sẽ tấn công chúng tôi”. Nhà lãnh đạo Syria tiếp tục chỉ trích giới lãnh đạo thế giới Ả-rập vì đã đứng về phía phương Tây để chống lại ông. Ông này nói rằng: “Không có quan chức Ả-rập nào đã từng tiếp xúc với chúng tôi để thử đứng ra làm trung gian hòa giải hay đưa ra một đề xuất về giải pháp nào. Phương Tây đáng tôn trọng hơn một số nước Ả-rập bởi họ sẵn sàng giải quyết mọi việc với chúng tôi”.
 
Ông Assad cũng lên án nhóm chiến binh Hồi giáo Hamas ở Palestine về việc đã phản bội lại Syria. Trong khi nhóm Anh em Hồi giáo “luôn thay đổi, cơ hội và rất hay phản bội” thì Hamas được xem là một “phong trào kháng chiến”. Tuy nhiên, vào năm 2011, Hamas đã chọn là một phần của nhóm Anh em Hồi giáo.
 
"Đây không phải là lần đầu tiên họ phản bội chúng tôi. Điều này đã xảy ra trước đó vào năm 2007 và 2009. Hamas đã quay lại chống Syria từ ngày đầu tiên và họ đã lựa chọn”, ông Assad nói thêm.
 
"Syria thừa sức làm tê liệt Israel"
 
Liên quan đến vấn đề vũ khí hóa học, Tổng thống Assad cho biết, năng lực tên lửa tối tân của Syria đủ để ngăn chặn Israel về mặt quân sự và vì thế ông không cần đến kho vũ khí hóa học để đối phó với Nhà nước Do Thái nữa. Trên thực tế, ông Assad khẳng định, Syria đã ngừng sản xuất vũ khí hóa học từ năm 1997, và thay vào đó là tập trung phát triển các tên lửa thông thường có thể “đóng vai trò mang tính quyết định trên chiến trường”.
 
“Loại vũ khí đó đủ để chúng tôi kiểm soát các sân bay của Israel bằng hỏa lực nhằm làm tê liệt họ”, ông Assad nhấn mạnh. Theo lời Nhà lãnh đạo Syria, vũ khí hóa học mang tính răn đe về mặt tinh thần hơn là về mặt sức mạnh đối với Israel.
 
Đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Assad tuyên bố có loại vũ khí thiện chiến hơn để ngăn chặn Israel mà không cần dùng đến vũ khí hóa học.
 
Trước đó, hồi tháng 9, Tổng thống Assad từng tuyên bố đầy thách thức rằng, quân của ông sở hữu những vũ khí có thể khiến Israel chìm trong bóng tối chỉ trong chớp mắt. Nhà lãnh đạo Assad khi đó đã nói rằng Syria không còn cần đến vũ khí hoá học để ngăn chặn Israel. “Hiện tại, chúng tôi đang sở hữu những loại vũ khí răn đe quan trọng và tinh vi hơn vũ khí hoá học”.

“Chúng tôi đã tạo ra vũ khí hoá học trong những năm 1980 như một biện pháp răn đe nhằm đối phó với kho vũ khí hạt nhân của Israel. Ngày nay, kho vũ khí hóa học đó không còn là vũ khí răn đe nữa. Chúng tôi đã có trong tay những vũ khí quan trọng hơn, tinh vi hơn để thách thức Israel và có thể khiến Israel chìm trong bóng tối chỉ trong chớp mắt”.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc