Nhờ Nga, Assad “hạ đo ván” phe nổi dậy

08:27, 16/09/2013
|

(VnMedia) - Một ngày sau khi Mỹ, Nga thông báo về thỏa thuận hủy bỏ kho vũ khí hóa học của Syria, chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad hồ hởi miêu tả đó là một “chiến thắng” cho họ. Ngược lại, ở phía bên kia, phe nổi dậy tức giận bác bỏ kế hoạch của Nga, Mỹ, nói rằng nó không trừng phạt được ông Assad.

Dù chưa biết kết quả thực thi thỏa thuận nói trên sẽ như thế nào nhưng rõ ràng trong “cuộc chiến” trên mặt trận chính trị, ngoại giao vừa rồi, chính quyền của Tổng thống Assad dưới sự giúp đỡ của Nga đã “hạ đo ván” phe nổi dậy.

 

Ảnh minh họa

Tổng thống Assad


Chỉ cách đây khoảng 1 tuần, phe nổi dậy Syria dường như đã cầm chắc chiến thắng trong tay khi Mỹ tỏ ra quyết liệt thực hiện một chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria để trừng phạt chính quyền Assad vì “tội” sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc tấn công ở ngoại ô thủ đô Damascus hôm 21/8.

 

Tuy nhiên, trong một động thái khiến tình hình đảo chiều một cách hoàn toàn, Nga đã thuyết phục được Mỹ từ bỏ kế hoạch tiến đánh Syria, theo đuổi con đường ngoại giao được công đồng quốc tế nhiệt tình ủng hộ. Hồi cuối tuần vừa rồi, Nga và Mỹ đã nhất trí với nhau về một thỏa thuận nhằm thu giữ và phá hủy kho vũ khí hóa học của chính quyền Syria .

 

Bộ trưởng Tái Hòa hợp Dân tộc Syria  - ông Ali Haidar hôm qua đã phát biểu: "Chúng tôi hoan nghênh thỏa thuận giữa Nga và Mỹ. Một mặt, nó giúp Syria thoát khỏi khủng hoảng. Mặt khác, nó giúp ngăn chặn một cuộc chiến tranh nhằm vào Syria bằng cách tháo bỏ đi cái cớ mà một số nước muốn dựa vào để gây chiến”.

 

Bộ trưởng Haidar tuyên bố: “Đây là một chiến thắng cho Syria nhờ vào sự giúp đỡ của những người bạn Nga”.

 

Mặc dù không phải là người thân cận với Tổng thống Assad nhưng ông Haidar là vị quan chức Syria đầu tiên lên tiếng bình luận về thỏa thuận mà Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mỹ John Kerry đạt được hôm 14/9 ở Geneva .

 

Ông Haidar cũng nói thêm rằng, thỏa thuận của Nga, Mỹ có thể giúp người Syria “ngồi xuống bàn để giải quyết những vấn đề nội bộ”.

 

Trong khi chính quyền Tổng thống Assad tỏ ra hồ hởi trước thỏa thuận mà họ coi là chiến thắng cho chính mình thì phe nổi dậy có một tâm trạng khác hẳn hoàn toàn. Các chiến binh nổi dậy đã thể hiện sự tức giận và thất vọng. Phe nổi dậy cho rằng, thỏa thuận về việc hủy bỏ kho vũ khí hóa học của chính quyền Syria không thể đem đến những cuộc đàm phán hòa bình và rằng quân của ông Assad sẽ tăng cường các cuộc tấn công bằng vũ khí thông thường bởi mối đe dọa từ chiến dịch không kích của Mỹ đã không còn.

 

Một phát ngôn viên của Liên minh Quốc gia Syria (phe nổi dậy) tiếp tục khẩn thiết kêu gọi các cường quốc ngăn chặn quân của Tổng thống Assad sử dụng không lực, xe tăng và pháo binh tấn công vào các khu vực dân thường.

 

Mỹ, Pháp tiếp tục đe dọa dùng vũ lực với Syria

 

Mặc dù hoan nghênh và đang xúc tiến theo kế hoạch của Nga nhưng giới chức Mỹ và Pháp vẫn không quên gửi lời cảnh báo mạnh mẽ đến chính quyền Syria .

 

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm qua tuyên bố, “mối đe dọa vũ lực là có thật” nếu Syria không thực thi nghiêm túc thỏa thuận được quốc tế đưa ra về việc giao nộp toàn bộ kho vũ khí hóa học.

 

Lời cảnh báo trên được ông Kerry đưa ra khi ông này có chặng dừng chận ở Jerusalem . Ngoại trưởng Mỹ đã có cuộc thảo luận với giới lãnh đạo đang lo lắng của Israel về kế hoạch hủy bỏ kho vũ khí hóa học của Syria vào giữa năm sau. Trong phát biểu rõ ràng là để gửi đến nước chủ nhà Israel , ông Kerry khẳng định, thỏa thuận về Syria sẽ được xem là “một dấu mốc” cho cộng đồng quốc tế trong việc tiến tới xử lý chương trình hạt nhân của Iran .

 

Israel cũng hoan nghênh kế hoạch của Nga, Mỹ nhưng nước này cũng tỏ ra hoài nghi về sự tuân thủ nghiêm túc của chính quyền Assad.

 

Thủ tướng Benjamin Netanyahu nói rằng: “Nếu biện pháp ngoại giao có bất kỳ cơ hội nào để phát huy tác dụng thì nó phải được đi kèm theo một lời đe dọa quân sự đáng tin cậy”.

 

Cùng quan điểm với ông Netanyahu, Ngoại trưởng Kerry nhấn mạnh, thỏa thuận với Nga chỉ là một “bộ khung” và mọi việc phụ thuộc rất nhiều vào Syria.

 

"Mối đe dọa dùng vũ lực là có thật và chính quyền của Tổng thống Assad cùng với tất cả những người có liên quan cần phải hiểu rằng, Tổng thống Obama và Mỹ cam kết đạt được mục tiêu đó. Chúng tôi không thể nói những lời sáo rỗng trong khi xử lý các vấn đề quốc tế”, ông Kerry nhấn mạnh.

 

Không chỉ Mỹ, Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng không bác bỏ khả năng dùng “lựa chọn quân sự” đối với Syria . Trong bài phát biểu trên truyền hình tối ngày hôm qua, ông Hollande nhấn mạnh: “Lựa chọn quân sự vẫn còn đó, nếu không sẽ không có áp lực”.

 

Pháp là nước ủng hộ mạnh mẽ nhất cho kế hoạch tấn công trừng phạt Syria của Tổng thống Obama. Tuy nhiên, sau khi có đề xuất của phía Nga, Pháp cũng là nước tích cực hàng đầu trong việc kêu gọi thực thi biện pháp ngoại giao. Cùng với Mỹ và phương Tây, Pháp ủng hộ cho phe nổi dậy Syria và cũng là nước có lợi ích lịch sử trong khu vực.

 

Pháp từng là nước đầu tiên phát động chiến dịch can thiệp quân sự vào Libya , giúp phe nổi dậy nước này lật đổ chính quyền của Tổng thống Gaddafi.


Kiệt Linh - (tổng hợp)

Ý kiến bạn đọc