Miền đông “cứng”, Tổng thống Ukraine đầu hàng?

07:15, 02/10/2014
|

(VnMedia) - Tổng thống Petro Poroshenko đang loay hoay trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan khi phải tìm một con đường sao cho có thể cân bằng giữa một bên là lực lượng ly khai miền đông “cứng đầu” và bên kia là những thành phần theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan hiếu chiến. Trước một lực lượng ly khai cứng rắn, kiên quyết và không chịu khuất phục như hiện nay, Tổng thống Poroshenko được cho là cuối cùng cũng phải đầu hàng.
 

Ảnh minh họa

 Tổng thống Poroshenko


Tổng thống Petro Poroshenko đang ấp ủ tham vọng rất lớn là đoàn kết, thống nhất đất nước và đưa Ukraine trở thành một thành viên của Liên minh Châu Âu (EU). Tuy nhiên, xem ra đây là nhiệm vụ bất khả thi với Nhà lãnh đạo Ukraine bởi các khu vực miền đông quyết không theo kế hoạch của ông Poroshenko trong khi các đồng minh của ông này cũng khăng khăng không chấp nhận nhượng bộ.
 
Tổng thống Poroshenko mắc kẹt giữa đồng minh và lực lượng ly khai
 
Sở dĩ nói Tổng thống Poroshenko bị mắc kẹt giữa đồng minh và lực lượng ly khai là bởi vì, trong thời gian qua, người ta chứng kiến ông này đã vấp phải sự chỉ trích, lên án mạnh mẽ của chính những người ủng hộ ông trong các bước đi nhằm giải quyết cuộc xung đột với các khu vực đông nam Ukraine.
 
Sau những thất bại liên tiếp trên chiến trường của quân đội Ukraine, trong tình thế không còn đường lùi, Tổng thống Poroshenko đã buộc phải tính đến việc tìm kiếm một lệnh ngừng bắn với lực lượng ly khai. Sau lệnh ngừng bắn, ông Poroshenko tiếp tục đưa ra những chính sách được xem là các bước đi nhượng bộ lớn đối với lực lượng ly khai. Cụ thể, Nhà lãnh đạo Ukraine đưa ra dự luật trao quy chế đặc biệt cho các khu vực miền đông đồng thời công nhận tiếng Nga là ngôn ngữ chính thức ở những nơi này.
 
Kế hoạch của Tổng thống Porsohenko nhận được sự ủng hộ của phương Tây và Nga nhưng nó lại vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của nhiều thành phần cực đoan ở Ukraine, trong đó có những người ở trong chính nội bộ chính quyền của ông Poroshenko và những người từng rất trung thành với ông này. Họ cho rằng, những nhượng bộ nói trên của Tổng thống Poroshenko là một sự đầu hàng, một sự thừa nhận thất bại trước lực lượng ly khai miền đông cũng như trước Nga.
 
Các thành phần cứng rắn, diều hâu trong nội bộ Ukraine muốn Kiev tiếp tục chiến dịch quân sự ở miền đông mà không hiểu một thực tế rằng, càng đánh họ chỉ càng làm cho cuộc xung đột thêm kéo dài, sẽ có thêm nhiều người chết và tình hình đất nước ngày càng trở nên suy sụp. Chỉ trong vòng 5 tháng, các cuộc giao tranh, đụng độ giữa quân đội trung thành với Kiev và lực lượng ly khai miền đông đã khiến cho 3.500 người thiệt mạng, hàng nghìn người khác bị thương, hàng triệu người mất nhà cửa, phải đi sống tị nạn và hàng triệu triệu người khác phải sống trong cảnh khốn khổ vì thiếu thốn những mặt hàng thiết yếu nhất cho cuộc sống. Ngoài ra, tổn thất kinh tế gây ra từ cuộc xung đột này cũng hết sức to lớn khi hệ thống cơ sở hạ tầng ở miền đông – nơi tập trung phần lớn các ngành công nghiệp của Ukraine, bị tàn phá nặng nề. Sản xuất đình trệ, các nhà máy bị phá hủy cùng với chi phí bỏ ra cho cuộc chiến đã khiến nền kinh tế của Ukraine ở trên bờ vực phá sản.
 
Trong bối cảnh như trên, nếu chính quyền Tổng thống Poroshenko tiếp tục chiến dịch quân sự thì kết quả là “già néo thì đứt dây”. Hiểu rõ hệ lụy này nên ông Poroshenko đã chấp nhận lùi bước. Tuy nhiên, sự lùi bước của ông được cho là sẽ không có tác dụng với lực lượng ly khai.
 
Lực lượng ly khai sẽ khiến Tổng thống Poroshenko phải đầu hàng?
 
Cho đến nay, trong kế hoạch hòa bình của Tổng thống Poroshenko, lực lượng ly khai miền đông nam Ukraine chỉ chấp nhận thực thi lệnh ngừng bắn và những hoạt động như rút quân, rút vũ khí hay trao đổi tù bình. Đây là những hoạt động nhằm chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu kéo dài trong hơn 5 tháng qua.
 
Tuy nhiên, lực lượng ly khai lại kiên quyết bác bỏ mọi kế hoạch chính trị mà Kiev đặt ra. Đầu tiên, lực lượng ly khai miền đông thẳng thừng khước từ quy chế đặc biệt mà chính quyền của Tổng thống Poroshenko trao cho các khu vực miền đông nam trong thời hạn 3 năm. Tiếp đó, các khu vực miền đông cũng phũ phàng bác bỏ cả kế hoạch bầu cử mà Kiev đề ra. Các khu vực miền đông Ukraine tuyên bố, họ kiên quyết theo đuổi kế hoạch đòi độc lập và sẽ tự tiến hành những cuộc bầu cử của riêng mình, không tuân theo bất kỳ sự chỉ đạo nào từ Kiev.
 
Thách thức hơn, mới đây, lãnh đạo của hai khu vực miền đông lớn nhất là Donesk và Luhansk đã tuyên bố, họ không chấp nhận bất kỳ sự hợp tác về chính trị nào với Kiev ngoài sự hợp tác về kinh tế và một phần trong lĩnh vực an ninh. Tuyên bố này thể hiện quyết tâm “không đội trời chung” của miền đông Ukraine với Kiev. Nó cũng cho thấy, Donetsk và Luhansk quyết tâm “ra ở riêng” và sẽ hợp tác với Kiev như các nước độc lập.
 
Về phía Kiev, Tổng thống Poroshenko cũng cứng rắn tuyên bố, không đời nào ông này để cho Donetsk và Luhansk tách khỏi Ukraine. Hai khu vực này sẽ vẫn phải nằm trong đất nước Ukraine và chỉ được hưởng một quy chế tự trị đặc biệt nhất định.
 
Với chiều hướng phát triển như trên, Tổng thống Poroshenko khó lòng có thể đoàn kết, thống nhất được đất nước. Giới phân tích nhận định, rất có thể, kết quả mà ông Porsohenko nhận được từ kế hoạch hòa bình của mình sẽ là một đất nước Ukraine chia cắt. Nếu như vậy thì rõ ràng, Tổng thống Poroshenko đã phải đầu hàng trước các khu vực miền đông “cứng đầu”.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc