Có gì lạ về động thái của Nga ở Ukraine?

09:21, 05/03/2014
|

(VnMedia) - Hãng tin CNN của Mỹ hôm qua (4/3) đã đăng tải một bài viết của một cựu cố vấn điện Kremlin với nhan đề: “Phương Tây vì sao phải ngạc nhiên về động thái của Nga ở Ukraine?”. Theo ông Alexander Nekrassov, Tổng thống Vladimir Putin sẽ làm mọi điều có thể trong quyền hạn của mình để ngăn không cho Ukraine trở thành một Iraq thứ hai.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


VnMedia
xin trích dẫn nội dung bài viết của ông Nekrassov:
 
“Rất nhiều chính khách phương Tây với khuôn mặt lo lắng, nghiêm nghị và những người được gọi là chuyên gia đang đặt ra câu hỏi: kết cục trò chơi của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Ukraine là gì?
 
Sự hiện diện của quân Nga ở Crimea đã gây lo ngại cho các chính quyền phương Tây. Một số dự đoán đó là bước khai màn cho một cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào các khu vực phía đông Ukraine – nơi người gốc Nga sinh sống chiếm thế áp đảo. Người ta bắt đầu đưa ra những lời kêu gọi với “cộng đồng thế giới” về việc trừng phạt Nga về kinh tế và ngoại giao mặc dù không ai nói đến một phản ứng quân sự.
 
Rất khó để biết được làm thế nào các nước phương Tây có thể gây áp lực kinh tế đủ nghiêm trọng lên Nga trong bối cảnh tình trạng nền kinh tế hiện nay của họ cũng như những mất mát to lớn mà họ sẽ phải hứng chịu từ một đòn trừng phạt như thế. Thực ra, về mặt hình thức, phương Tây có thể thực hiện một số biện pháp trừng phạt như hủy một số hội nghị kinh doanh và thậm chí từ chối ký một thỏa thuận hoặc hai. Nhưng đó là tất cả những gì họ có thể làm. Chúng tôi phát hiện chính phủ Anh không xem xét bất kỳ lựa chọn quân sự nào hay biện pháp trừng phạt thương mại nào sau khi các phóng viên ảnh bắt gặp một quan chức cầm theo tài liệu về chính sách của Anh ở gần Số 10 Phố Downing và họ đã chụp lại được phần có liên quan trọng tài liệu đó.
 
Mặc dù vậy, với tư cách là cựu cố vấn điện Kremlin, tôi có thể nói với các bạn rằng, những việc như vậy không xảy ra một cách tình cờ và thường được dàn dựng để phát đi một tín hiệu hay một thông điệp nào đó cho những người đang theo dõi sát sao tình hình. Các nước khác cũng đã phát đi tín hiệu rằng họ không muốn động chạm đến các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
 
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ngoại trưởng John Kerry đang lên tiếng cảnh bảo về những cái giá và những biện pháp trừng phạt nếu Nga không rút quân trở lại căn cứ hải quân của Hạm đội Biển Đen ở Sevastopol. Nhà Trắng nói rằng, các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga đang định hình và rằng tất cả các chương trình quân sự giữa hai nước sẽ bị đình lại. Một số biện pháp trừng phạt khác được nhắm tới là tẩy chay hội nghị thượng đỉnh G8 ở Sochi vào tháng 6 tới và thậm chí là loại Nga ra khỏi nhóm nước G8 này. Cũng nhân tiện đây tôi xin nói luôn, nhóm G8 đã mất đi sự thích hợp trong suốt một thập kỷ qua. Ý tôi là, ai sẽ tin G8 là những nước công nghiệp lớn nhất khi mà nó không bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ mà lại là Canada và Italia.
 
Có một điều đáng chú ý trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine là, phương Tây đã đánh giá sai cách mà Nga sẽ phản ứng đối với khả năng nước láng giềng của họ rơi vào tình trạng hỗn loạn và vô chính phủ khi cái gọi là chính phủ đoàn kết lâm thời ở Kiev không thể thiết lập được quyền hành của họ ở khu vực phía đông và nam đất nước. Và điều quan trọng là sau khi lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovich, chính quyền lâm thời đó đã mắc một sai lầm cơ bản khi gây ra những ồn ào sai trái ngay từ ngày đầu tiên cầm quyền bằng cách công khai thể hiện thái độ thù địch với Nga và với cộng đồng người dân tộc Nga sống ở Ukraine.
 
Và khi sự hiểu lầm bắt đầu tan biến ở Kiev, thông tin bắt đầu lộ ra rõ hơn, trong số 98 người thiệt mạng, có ít nhất 16 sĩ quan cảnh sát. Với thông tin này, hình ảnh của cuộc cách mạng vĩ đại của nhân dân đã phần nào mất đi sức hấp dẫn ban đầu. Cùng với những nỗ lực bất thành của một số thành phần cực đoan muốn đưa ảnh hưởng của chính quyền lâm thời lan rộng ra khu vực phía đông và nam đất nước, sử dụng hình thực bạo lực và đe dọa, người ta bắt đầu thấy rõ hơn về triển vọng một cuộc nội chiến ngày một đến gần hơn.
 
Vấn đề bắt đầu từ đây: khi Ukraine trượt vào tình trạng hỗn loạn, vô chính phủ với đủ các thành phần cực đoan gây rối ren, kết cục trò chơi của Tổng thống Putin trở nên rõ ràng hơn. Ông ấy cần làm bất kỳ điều gì có thể trong quyền hạn và năng lực của mình để ngăn không cho Ukraine trở thành một Iraq thứ hai với khả năng nội chiến nổ ra và bạo lực lan sang Nga.
 
Chúng ta nên rút ra bài học từ Iraq – nơi sự cân bằng mong manh tồn tại trước khi Mỹ xâm lược vào nước này năm 2003 đã bị phá vỡ và không ai biết giải quyết nó như thế nào. Kết cục tương tự đã xảy ra như là kết quả của cái gọi là cuộc cách mạng ở Kiev. Cuộc cách mạng đó giờ đây đã mở toang những vết thương cũ và đánh thức sự thù địch mang tính lịch sử đã được kiểm soát bao lâu nay.
 
Vì thế, Tổng thống Putin đã chọn cách sử dụng lực lượng quân sự để ngăn chặn các cuộc xung đột giữa những thành phần cực đoan ở tất cả các bên nổ ra và tạo sự ổn định cho Crimea – nơi có tới 60% dân số là người dân tộc Nga. Không một phát đạn nào được bắn ra, vì thế không giống với phần còn lại của đất nước Ukraine, luật pháp và trật tự ở Crimea được thiết lập. Tất cả các đơn vị quân sự của Ukraine ở Crimea bị bao vây bởi binh lính Nga với một mục tiêu: ngăn chặn những thành phần gây rắc rối tự vũ trang cho mình giống như ở Lviv và các thành phố khác, tạo ra sự hỗn loạn. Đến hiện tại, kế hoạch trên đang phát huy tác dụng.
 
Bất kỳ dự đoán hay nhận định nào cho rằng Kremlin thực sự đang sẵn sàng cho một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine đều hoàn toàn sai lầm. Điều đó sẽ rất nguy hiểm cho chính bản thân Nga xét trên bối cảnh Nga có mối quan hệ gắn bó với Ukraine trên tất cả các lĩnh vực. Vì thế, những thông tin kiểu kích động xung quanh sự can thiệp của Nga vào Crimea lúc này hoặc là do sự ngu dốt hoặc là do kết quả của những hoài nghi sâu sắc mà phương Tây vẫn luôn có đối với Nga dù có Chiến tranh Lạnh hay không.
 
Một sự thay đổi chính quyền xảy ra ở Ukraine sẽ không bao giờ dẫn đến được một giải pháp hòa bình và nhanh chóng. Chúng ta đã chứng kiến điều đó trong cuộc Cách mạng Mùa xuân Ả-rập. Đó là lý do tại sao tất cả các bên trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine cần phải giữ cái đầu lạnh và kiềm chế không có những phát biểu mang tính tuyên truyền một chiều, khiêu khích và gây gổ. Nếu có một điều mà chúng ta học được từ lịch sử thì đó là, sẽ không khó để khiến một cuộc chiến tranh lớn nổ ra ở Châu Âu, cuốn cả phần lớn thế giới vào đó”.


Kiệt Linh - (theo CNN)

Ý kiến bạn đọc