Người Thái nghẹt thở lo đảo chính

19:56, 12/01/2014
|

(VnMedia) - Người dân Bangkok nói riêng và người dân trên khắp đất nước Thái Lan chắc hẳn đang rất lo ngại trước viễn cảnh cuộc khủng hoảng chính trị ở nước này diễn biến phức tạp khi mà chỉ còn vài giờ nữa phe biểu tình sẽ đổ ra đường để thực hiện kế hoạch làm tê liệt hoàn toàn thủ đô Bangkok. Nhiều người giờ này hồi hộp, căng thẳng và gần như nín thở theo dõi “nhất cử nhất động” của quân đội bởi ngày càng có nhiều tin đồn cũng như dự đoán về một cuộc đảo chính sắp xảy ra.
 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa


Bạo lực sắp bùng nổ ở thủ đô Bangkok?

 
Lực lượng biểu tình chống chính phủ do thủ lĩnh Suthep cầm đầu đã lên kế hoạch thực hiện một cuộc biểu tình nhằm đóng cửa, gây tê liệt hoàn toàn thủ đô Bangkok trong một nỗ lực quyết liệt nhằm buộc chính phủ của nữ Thủ tướng Yingluck phải từ chức.
 
Theo kế hoạch được thông báo trước đó nhiều ngày, hàng nghìn người biểu tình sẽ đổ về khắp các đường phố ở thủ đô, phong tỏa 7 khu vực đường giao nhau chính và bao vây các tòa nhà, văn phòng chính phủ cũng như dinh thự riêng của Thủ tướng và các Bộ trưởng trong ngày thứ Hai tới (13/1). Lực lượng biểu tình sẽ cắt các nguồn điện, nước của các cơ quan chính phủ và nhà riêng của Thủ tướng, Bộ trưởng.
 
Trong mấy ngày qua, ông Suthep đã dẫn đầu những người biểu tình tiến hành tập duyệt trước để chuẩn bị cho kế hoạch được xem là nỗ lực cao nhất của họ nhằm lật đổ bà Yingluck.
 
Kế hoạch đóng cửa thủ đô Bangkok của những thành phần chống chính phủ Thái Lan đang khiến không chỉ người dân trong nước mà cộng đồng quốc tế và các tổ chức quốc tế đều lo ngại. Mọi người đều có chung một nỗi quan ngại về khả năng bùng phát bạo lực trong cuộc biểu tình vào ngày mai (13/1).
 
Trong hai ngày qua (10 và 11/1), bạo lực cũng đã xảy ra tại các cuộc biểu tình nhỏ, khiến hơn một chục người bị thương. Khi mà số lượng người biểu tình lớn gần nhiều lần đổ ra các đường phố thủ đô vào ngày mai thì khả năng bùng phát bạo lực là rất khó tránh khỏi. Đặc biệt là khi nhiều người tin rằng, phe biểu tình sẽ cố tình tìm cách gây bạo lực nhằm lôi kéo sự can thiệp của quân đội.
 
Những người ủng hộ chính phủ và bản thân nữ Thủ tướng Yingluck đều không tránh khỏi có sự hoài nghi về việc lực lượng biểu tình có thể sẽ ngấm ngầm lên kế hoạch kích động bạo lực. Một khi bạo lực nổ ra, với số lượng người biểu tình đông lên tới hàng chục nghìn người thì tình hình đương nhiên rất nghiêm trọng. Trong bối cảnh như thế, quân đội quyền lực và bị chính trị hóa của đất nước Thái Lan rất dễ nhảy vào can thiệp. Đây chính là kịch bản mong muốn của phe biểu tình và đối lập.
 
Ngay từ khi phong trào biểu tình chống chính phủ bắt đầu bùng lên từ hồi tháng 11 năm ngoái, lực lượng đối lập đã luôn nhăm nhe ý định lôi kéo sự ủng hộ của quân đội. Phe biểu tình thừa hiểu chiến thắng của họ phụ thuộc vào sự hậu thuẫn của quân đội. Nếu không có sự giúp đỡ của quân đội, lực lượng biểu tình chống chính phủ không có khả năng lật đổ được nữ Thủ tướng Yingluck bởi bà này có trong tay sự ủng hộ rộng khắp của tầng lớp dân nghèo, dân nông thôn chiếm đa số ở đất nước Thái Lan.
 
Sau nhiều nỗ lực tìm cách lôi kéo sự can thiệp của quân đội bất thành, ông Suthep đã lên kế hoạch thực hiện cuộc biểu tình đóng cửa thủ đô Bangkok vào ngày mai với hy vọng, lần biểu tình này của họ sẽ lên đến cao trào và điều đó sẽ khiến quân đội phải hành động.
 
Nín thở lo đảo chính
 
Với diễn biến tình hình chính trị ở Thái Lan đang theo chiều hướng ngày một căng thẳng và nghiêm trọng, sẽ là dễ hiểu khi người ta đang nín thở theo dõi “nhất cử nhất động” của quân đội.
 
Những ngày gần đây, khi kế hoạch đóng cửa thủ đô Bangkok ngày càng đến gần thì những tin đồn về một cuộc đảo chính quân sự lại dậy lên nhiều hơn.
 
Trong suốt thời gian qua, giới tướng lĩnh quân sự cấp cao hàng đầu của Thái Lan liên tục lên tiếng bác bỏ khả năng can thiệp vào chính trường. Tuy nhiên, gần đây, nhiều người Thái bắt đầu tin rằng, quân đội sẽ sớm nhảy vào can thiệp nhằm phá vỡ thế bế tắc chính trị hiện tại nếu cuộc biểu tình vào ngày mai biến thành bạo lực. Niềm tin này càng được củng cố bởi những phát biểu đầy ẩn ý của Tư lệnh Lục quân Thái Lan – Tướng Prayuth gần đây.
 
Dù vẫn cam kết không can thiệp, bác bỏ những tin đồn đảo chính nhưng ông Prayuth vẫn khéo léo không lên tiếng phủ nhận hoàn toàn khả năng quân đội can thiệp vào chính trường. Đây là điều khá bất thường bởi ông Prayuth vốn nổi tiếng là hay tranh luận gay gắt với báo chí và từng nói rằng, đảo chính là cách thức xưa cũ cũng như chỉ trích những kẻ tung tin đồn đảo chính là những thành phần phá hoại đất nước.
 
Tuy nhiên, khi Thái Lan đối diện với một cuộc biểu tình rầm rộ nhằm làm tê liệt thủ đô Bangkok vào ngày mai, Tư lệnh Prayuth lại đưa ra những tuyên bố gây ra những tin đồn đảo chính thay vì dập tắt nó. Hôm 7/1, ông này phát biểu, “Tôi không thể xác nhận việc có hay không có một cuộc đảo chính”. Trước đó hai tuần, Tư lệnh Lục quân Thái Lan từng ví cuộc đối đầu giữa lực lượng ủng hộ và chống chính phủ hiện nay giống như một khu vực đường giao nhau mà ông có quyền “bật đèn đỏ” để ngăn không cho bên phải và bên trái đâm vào nhau. Trước đó nữa, ông Prayuth còn khẳng định, cánh cửa can thiệp quân sự vào chính trường “không đóng cũng không mở”.

Nghe thì có vẻ quân đội Thái Lan giờ đã bắt đầu nghĩ đến việc nhảy vào chính trường như họ đã từng làm nhiều lần trước đây nhưng giới phân tích nhận định, lực lượng đầy quyền lực này vẫn miễn cưỡng không muốn tái diễn lại kịch bản cuộc đảo chính năm 2006. Giới tướng lĩnh quân đội hàng đầu của quốc gia Đông Nam Á này thừa nhận, họ đã rút ra được nhiều bài học sau cuộc đảo chính cách đây 8 năm. Vì thế, giờ đây, quân đội muốn giữ hình ảnh tốt đẹp cho mình sau những tổn thất lớn gây ra từ cuộc đảo chính lật đổ ông Thaksin cũng như cuộc đàn áp người biểu tình đẫm máu năm 2010.

Hơn nữa, quân đội cũng thừa hiểu, việc thực hiện một cuộc đảo chính vào thời điểm này sẽ khó khăn hơn nhiều so với cách đây 8 năm. Quân đội có nguy cơ chọc giận tầng lớp người dân nghèo, dân nông thôn chiếm đa số ở Thái Lan và làm thức tỉnh quyền chính trị của họ. Hậu quả của việc này sẽ không hề nhỏ. Hầu hết các học giả và các nhà phân tích đều có chung nhận định, một cuộc đảo chính quân sự sẽ chỉ khiến tình hình Thái Lan thêm trầm trọng, khiến cuộc khủng hoảng kéo dài hơn và gây tổn thất nhiều hơn.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc