Đằng sau vụ ông Putin hạ “knock out” Obama

19:52, 23/09/2013
|

(VnMedia) - Dư luận đã có một thời gian dài xôn xao về “đòn đánh” hạ knock out của võ sĩ đai đen Judo – Tổng thống Vladimir Putin với đối thủ là người đồng cấp Barack Obama. Người ta đã ví cuộc đối đầu ở Syria giữa Nga và Mỹ vừa qua là một trận đấu judo và ông Putin đã “hạ” đối thủ Obama một cách ngoạn mục.

Ảnh minh họa

Tổng thống Obama sẵn sàng từ bỏ ý định đánh Syria, chấp nhận đề xuất của Nga.


Tuy nhiên, đằng sau chiến thắng ngoại giao này của Nhà lãnh đạo Nga là một sự thật không mấy dễ chịu đối với người Mỹ. Cường quốc số 1 thế giới đã ít nhiều mất đi niềm tin và uy tín đối với cộng đồng quốc tế khi sức mạnh của nước này đang dần suy giảm trên cán cân toàn cầu. Nước Mỹ đã học được một bài học từ sự thất bại của Tổng thống Obama trong việc tập hợp lực lượng ủng hộ cho một cuộc tấn công nhằm vào Syria. Trong khi đó, người ta chứng kiến ảnh hưởng đáng kinh ngạc của dư luận đối với chính sách quốc tế. Đây là điều không còn được thấy kể từ sau cuộc chiến tranh Việt Nam.
 
Khi Tổng thống Obama nỗ lực “đánh trống” tập hợp sự ủng hộ và động lực cho một chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria nhằm trừng phạt và ngăn chặn khả năng tái diễn tình trạng sử dụng vũ khí hóa học, ông này đã thất bại bởi không lôi kéo được mấy người theo mình.
 
Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở St Petersburg cách đây không lâu, Mỹ đã đề xuất một tuyên bố nhằm lên án việc Syria sử dụng vũ khí hóa học. Tuy nhiên, có đến hơn một nửa trong số 20 nguyên thủ của các nước hàng đầu thế giới không ký vào bản tuyên bố đó. Những nước không đi theo Mỹ gồm các nước đến từ nhóm BRICS: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi; cùng với Liên minh Châu Âu, Argentina, Indonesia, Mexico và Đức.
 
Ở trong nước, một loạt các cuộc thăm dò dư luận đều cho kết quả, người dân Mỹ vốn đã chán ngán với chiến tranh nên không hề muốn Mỹ can thiệp quân sự vào Syria. Ví dụ như theo cuộc thăm dò của The New York Times và CBS trên 1.011 người trong thời gian từ 6-8/9, có đến 62% đã nói “Không” với câu hỏi liệu Mỹ có nên giữ vai trò hàng đầu trong nỗ lực giải quyết các cuộc xung đột quốc tế.
 
"Mọi người đang nhìn thấy những đặc điểm của một sự biến chyển dần dần”, ông Charles Kupchan – một nhà phân tích cấp cao thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, đã nói như vậy. Kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II, Mỹ đã trở thành “người cung cấp giải pháp cuối cùng” bằng việc hành động đơn phương hoặc liên minh với các nước để giải quyết những vấn đề quốc tế, ông Kupchan cho hay. Tuy nhiên, hiện tại, công chúng Mỹ quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề trong nước và ngày càng lo ngại về việc can thiệp ra bên ngoài.

"Mỹ đơn giản không còn ảnh hưởng như trước đây nữa", ông Kupchan cho biết đồng thời viện dẫn đến một tiến trình mà ở đó quyền lực của Mỹ đang dần suy giảm trên cán cân toàn cầu. "Nói theo một cách khác, Syria là tượng trưng cho xu hướng lâu dài đó”,
 
Vụ việc ở Syria vừa qua cũng gây kinh ngạc và tạo sự thú vị về ảnh hưởng của tầng lớp nhân dân. Trong khi Tổng thống Obama và Thủ tướng Anh David Cameron nỗ lực tập hợp sự ủng hộ cho kế hoạch tiến đánh Syria thì các đại diện của nhân dân trong Quốc hội đã ngăn họ lại. "Kể từ sau thời Chiến tranh Việt Nam, chúng ta chưa nhìn thấy ảnh hưởng có tính quyết định như vậy từ tầng lớp nhân dân đối với chính sách quốc tế", ông James Paul – cựu giám đốc điều hành của Diễn đàn Chính sách Toàn câu, cho biết.
 
"Washington không thể điều khiển hay ra lệnh được cho niềm tin hay sự tôn trong của dư luận thế giới.... Các chính phủ muốn tiến lên nhưng không thể làm vậy nếu không có được sự ủng hộ của công chúng. Thậm chí các quốc vương ở vùng Vịnh cũng phải nghĩ về việc dân chúng sẽ đón nhận chính sách của họ ra sao”, ông Paul nói thêm.
 
Sự suy giảm quyền lực của nước Mỹ
 
Ý nghĩ về việc Mỹ đã “thất bại” trong việc đơn phương dẫn dắt thế giới khiến giới lãnh đạo của cường quốc số 1 thế giới không hề cảm thấy dễ chịu. Nó giống như việc làm xấu đi hình ảnh siêu cường nước Mỹ. Trong khi đó, các đối thủ chính của Mỹ thì ra sức ủng hộ cho con đường ngoại giao và đa phương hóa. Ví dụ như Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào liên tục nói đến cụm từ “hợp tác đôi bên cùng có lợi”, trong đó các nước đối xử với nhau như đối tác. Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ trích “chủ nghĩa ngoại lệ của Mỹ” trong bài viết trên tờ New York Times gần đây.
 
"Có những nước lớn và nước nhỏ nhưng chúng ta không được quên một điều Chúa đã tạo ra chúng ta bình đẳng với nhau", Tổng thống Putin nói.
 
Mỹ và Nga đã đạt được thỏa thuận về việc tháo gỡ cuộc khủng hoảng ở Syria hiện nay. Theo đó, Tổng thống Bashar al-Assad phải giao nộp kho vũ khí hóa học để tránh một chiến dịch tấn công của Mỹ. Tuy nhiên, việc ông Obama từ bỏ ý định của mình, đồng ý theo đề xuất của Nga đã vấp phải sự chỉ trích ở trong nước.
 
"Ngày nay, Mỹ có ít sức mạnh hơn, ít ảnh hưởng hơn và cũng ít sự linh hoạt hơn chúng ta từng có. Chúng ta phải xem kết quả ở Syria không phải là một thất bại của Mỹ mà là một kiểu thành công mà ở đó chính quyền Tổng thống Obama thừa nhận những giới hạn của nước Mỹ và sẵn sàng thay đổi tiến trình thay vì đâm đầu vào một lựa chọn chiến tranh chứa đựng nhiều nguy cơ”.


Kiệt Linh - (Theo AT)

Ý kiến bạn đọc