Mỹ đang suy giảm sức mạnh đối với Mỹ Latin

10:24, 12/06/2013
|


Ngày càng nhiều ý kiến cho rằng sức mạnh của Mỹ đang suy giảm, đặc biệt ở khu vực Mỹ Latin, nơi không còn là “sân sau” của Mỹ. Tuy nhiên, những ý kiến trên có thể chưa thấy rõ được bản chất mới trong ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực này cũng như ở các nơi khác.

 

Trên thực tế, quả tình sự chú ý của Mỹ đối với khu vực Mỹ Latin đã suy giảm trong những năm gần đây do Tổng thống G.W.Bush quá bận rộn với cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu và người kế nhiệm ông, Tổng thống Obama lại có hứng thú hơn với khu vực châu Á - Thái Bình dương.

 

Sự suy giảm hiện diện của Mỹ và sự độc lập ngày càng tăng của các quốc gia ở khu vực có thể được nhìn rõ qua Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ ở Cartagena hồi tháng 4.2012, khi các nhà lãnh đạo khu vực Mỹ Latin cảm thấy đủ tự tin và thống nhất để thách thức các ưu tiên của Mỹ trong khu vực. Họ đã thúc giục Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Cuba và tuyên bố rằng chính sách cấm vận này đang phá hoại quan hệ của Mỹ với Mỹ Latin. Các nhà lãnh đạo Mỹ Latin cũng thúc giục Mỹ hành động nhiều hơn trong cuộc chiến chống ma túy thông qua giáo dục và hoạt động xã hội hơn là cung cấp vũ khí để chống lại các ông trùm ma túy tại Mỹ Latin, một cuộc chiến đã được thừa nhận là thất bại hoàn toàn.

 

Các quốc gia Mỹ Latin cũng đang tích cực theo đuổi chính sách mở rộng và đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế toàn châu Mỹ. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Mỹ Latin và đang nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với Mỹ. Ấn Độ đã bày tỏ sự quan tâm đối với ngành năng lượng của Mỹ Latin và đã ký những hiệp định xuất khẩu trong ngành quốc phòng. Iran đang tăng cường các mối quan hệ kinh tế và quân sự tại khu vực này, nhất là tại Venezuela .

 

Tương tự, năm 2008, Tổng thống Nga lúc đó là Dmitry Medvedev đã xác định cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ là cơ hội để Nga tạo dựng quan hệ đối tác chiến lược với các cường quốc đang nổi như Brazil và với Liên minh Bolivar vì châu Mỹ (ALBA), tổ chức khu vực do Venezuela truyền cảm hứng với chủ trương phản đối những thiết kế của Mỹ trong khu vực. Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom và các tập đoàn công nghiệp quốc phòng của Nga đi đầu trong các nỗ lực nhằm tăng cường ảnh hưởng của Điện Kremlin ở các nước láng giềng của Mỹ. Đây được coi là phản ứng trực tiếp của Nga đối với chính sách can thiệp của Mỹ tại các nước sân sau của Nga như Gruzia hay Ukraine.

 

Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu coi việc Mỹ Latin mở rộng các mối quan hệ quốc tế là dấu hiệu chứng tỏ vai trò chi phối của Mỹ đã kết thúc. Không giống như trong kỷ nguyên trước, ảnh hưởng của Mỹ hiện giờ không còn được xác định bởi khả năng “cài đặt và lật đổ” các nhà lãnh đạo Mỹ Latin từ đại sứ quán Mỹ, nhất là bối cảnh trong hơn 2 thập kỷ gần đây, Mỹ Latin đã có những nền chính trị ổn định. Khả năng quản lý kinh tế có trách nhiệm cùng các chương trình xóa đói giảm nghèo, cải cách cơ cấu và mở cửa hơn đối với đầu tư nước ngoài đã tạo ra nhiều năm tăng trưởng kinh tế cao và lạm phát thấp. Kết quả là Mỹ Latin đã có khả năng miễn dịch sự tàn phá của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua.

 

Xét từ nhiều khía cạnh, Mỹ được hưởng lợi lớn nhờ những thay đổi đó. Hơn 40% lượng hàng xuất khẩu của Mỹ hiện được đưa sang Mexico, Trung và Nam Mỹ, những thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Mỹ. Mexico hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Mỹ. Kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Trung Mỹ đã tăng 94% trong 6 năm qua, nhập khẩu từ khu vực này tăng 87%. Thêm vào đó, Mỹ vẫn tiếp tục là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Mỹ Latin. Các lợi ích của Mỹ rõ ràng cũng đang được bảo vệ nhờ có các nước láng giềng ổn định và ngày càng phồn vinh.

 

Thực tế mới này đặt ra cho Mỹ một chiến lược ngoại giao khác, công nhận lợi ích đa dạng của Mỹ Latin. Các quan hệ thương mại cung cấp đòn bẩy quan trọng nhất. Đầu tuần trước, Tổng thống Chile Sebastian Pinera đã thăm Nhà Trắng để thảo luận về Hiệp định quan hệ đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP). Tổng thống Peru Ollanta Humala dự kiến thăm Nhà Trắng trong tuần này, trong khi Phó tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ sớm có chuyến thăm Mỹ Latin sau đó.

 

Cái thời mà sức mạnh quân sự và các thủ đoạn chính trị lật đổ và can thiệp nhằm bảo đảm ảnh hưởng của Mỹ Latin đã qua. Một cường quốc thế giới ngày nay có thể kết hợp sức mạnh kinh tế và một nền văn hóa phổ biến với tầm vóc toàn cầu trên cơ sở những lợi ích chung. Mỹ hiện có lợi thế hơn tất cả các cường quốc khác trong lĩnh vực này, nhất là khi áp dụng các lợi thế đó ở Mỹ Latin.


PS

Ý kiến bạn đọc