Trung Quốc tiếp tục nói một đằng làm một nẻo

06:37, 07/05/2013
|

(VnMedia) - Kịch bản cũ lại lặp lại. Trong khi Ngoại trưởng Trung Quốc đi khắp các nước Đông Nam Á đọc câu “thần chú” cửa miệng về việc cam kết đảm bảo hòa bình và sự ổn định ở Biển Đông thì cùng lúc đó nước này cũng đưa một đội tàu cá lớn ập đến quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam của phía Trung Quốc lại một lần nữa khiến sóng Biển Đông “sôi sùng sục”. Phải chăng đây là thứ “hòa bình” mà Ngoại trưởng Trung Quốc vừa nói đến trong chuyến công du một loạt nước ASEAN mới đây?

 Ảnh minh họa

 Trung Quốc gần đây thường xuyên đưa tàu lớn, trong đó có cả tàu chiến, ra Biển Đông nhằm uy hiếp, dọa dẫm các nước có tranh chấp với họ.


 
Lời nói êm dịu...
 
Sau một loạt những hành động hung hăng, hiếu chiến ở Biển Đông trong suốt một thời gian dài vừa qua, Trung Quốc hôm 2/5 bất ngờ đưa ra đề xuất tiến hành các cuộc đàm phán với Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về việc soạn thảo một bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc ở Biển Đông. Đây là khu vực đang chứng kiến những cuộc tranh chấp lãnh thổ nóng bỏng giữa Trung Quốc với một loạt nước láng giềng ASEAN.

Đề xuất trên được đưa ra khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị có chuyến công du 4 nước ASEAN gồm Thái Lan, Indonesia, Singapore và Brunei mấy ngày vừa rồi. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Vương Nghị trên cương vị người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc.
 
Chuyến đi của ông Vương Nghị thu hút sự chú ý lớn của cộng đồng quốc tế bởi Trung Quốc gần đây được cho là đang thực hiện một chính sách ngoại giao cứng rắn, quyết liệt và hiếu chiến. Người ta muốn biết Ngoại trưởng Vương Nghị nói gì sau khi Trung Quốc gần đây liên tiếp có các cuộc tranh chấp, đối đầu nóng bỏng với một loạt các nước láng giềng xung quanh mình.
 
Và cũng như mọi lần, Ngoại trưởng Trung Quốc tiếp tục lặp lại những câu “thần chú” về hòa bình, về sự ổn định trong khu vực.
 
Trong khi ở thăm Bangkok, Thái Lan, hôm 1/5, Ngoại trưởng Vương Nghị đã bảo đảm với các nước thành viên của ASEAN rằng, Trung Quốc muốn giải quyết những cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với các nước láng giềng thông qua đối thoại, đàm phán. Tiếp đó, vào ngày 2/5, tại Indonesia, ông Vương Nghị nhấn mạnh, Bắc Kinh luôn để ngỏ khả năng thảo luận về bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc ở Biển Đông. Ngoại trưởng Vương Nghị còn nói, Trung Quốc luôn muốn hòa bình, sự ổn định và đây là lập trường không bao giờ thay đổi của nước này.
 
Chưa hết, theo lời ông Vương Nghị, Trung Quốc là một “lực lượng kiên định và đáng tin cậy” trong việc bảo vệ hòa bình cũng như sự ổn định ở Biển Đông. Bắc Kinh sẽ tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh sự phối hợp và hợp tác với ASEAN nhằm đóng góp cho hòa bình, sự ổn định, phát triển và thịnh vượng trong khu vực.
 
... và hành động khuấy đảo Biển Đông

Tuy nhiên, khi những lời nói êm dịu về hòa bình và sự ổn định của Ngoại trưởng Vương Nghị vừa dứt và người ta vẫn còn nhớ như in từng câu, từng chữ trong phát biểu của ông này thì Trung Quốc cũng ngay lập tức có hành động gây sóng gió ở Biển Đông
 
Theo tờ Tân Hoa xã vừa đưa tin, Trung Quốc hôm nay (6/5) đã đưa 30 tàu đánh cá đến quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Những con tàu này xuất phát từ một cảng ở tỉnh Hải Nam và đang ồ ạt tiến về một quần đảo ở Biển Đông vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.
 
Những tàu đánh cá trên của Trung Quốc đều là tàu đánh cá cỡ lớn từ hơn 100 tấn trở lên và đều được trang bị những thiết bị thông tin hiện đại, bảo đảm thông tin liên lạc trong mọi điều kiện thời tiết. Đây là đội tàu đánh cá lớn nhất mà Trung Quốc đưa đến hoạt động tại ngư trường Trường Sa từ đầu năm đến giờ. Trung Quốc tuyên bố, đội tàu này sẽ có mặt ở Trường Sa trong 40 ngày.
 
Trung Quốc còn cử theo một tàu tiếp tế hậu cần tổng hợp trọng tải 4.000 tấn và một tàu vận tải trọng tải 1.500 tấn để hỗ trợ cho đội tàu đánh cá trên của họ.
 
Việc Trung Quốc vừa miệng nói hòa bình vừa tiến hành các hoạt động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam đã một lần nữa cho thấy cách hành xử tiền hậu bất nhất của Bắc Kinh. Đây không phải là lần đầu tiên lời nói của Trung Quốc không đi đôi với hành động. Vì thế, người ta không thất kỳ lạ hay bất ngờ trước động thái mới nhất của phía Trung Quốc. Trước đó, nhiều người đã tỏ ra hoài nghi về sự thực xung quanh những phát biểu đầy tốt đẹp của Ngoại trưởng Trung Quốc về hòa bình, sự ổn định, phát triển và thịnh vượng trong khu vực.
 
Sự thực, nhiều người đã thuộc nằm lòng những câu nói cửa miệng của giới lãnh đạo Trung Quốc như: “Trung Quốc kiên trì đi theo con đường phát triển hòa bình, hợp tác với tất cả các nước và không có ý định đe dọa bất kỳ nước nào” hay như “Trung Quốc không bao giờ tìm kiếm vị trí bá chủ thế giới”. Và người ta cũng nhiều lần chứng kiến hành động của Trung Quốc đi ngược lại với “câu thần chú” trên của họ.
 
Rõ ràng, người xưa đã đúng khi nói: Hãy nhìn vào việc các nước làm chứ không nên nghe những gì họ nói. Dù luôn miệng nói những lời “mật ngọt” về hòa bình, hữu nghị, quan hệ hợp tác, láng giềng thân thiện  nhưng Trung Quốc liên tục gây căng thẳng ở Biển Đông bằng những hành động xâm phạm chủ quyền nước khác một cách ngang nhiên và trắng trợn.

Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với một loạt nước láng giềng ASEAN gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei. Bắc Kinh có ý đồ độc chiếm Biển Đông bằng việc đưa ra bản đồ đường 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò phi pháp. Theo đó, Trung Quốc đòi chủ quyền gần như 80% Biển Đông, xâm lấn đến tận sát bờ biển của nhiều nước láng giềng. Gần đây, để thực hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông của mình, Trung Quốc liên tiếp có những hành động hung hăng, hiếu chiến như đưa tàu thuyền ra quấy nhiễu, ngăn chặn tàu thuyền của các nước khác; tiến hành các cuộc tuần tra, tập trận ở các vùng biển tranh chấp đồng thời dùng nhiều biện pháp, chiến thuật phi quân sự để tìm cách tranh giành chủ quyền ở Biển Đông với các nước khác.

Trước sự lấn tới ngày một mạnh mẽ của Trung Quốc, ASEAN đang nỗ lực tìm cách đẩy nhanh tiến trình ký kết một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông với Trung Quốc nhằm ngăn chặn khả năng xảy ra xung đột ở vùng biển quan trọng có tính chiến lược này.


Kiệt Linh

Ý kiến bạn đọc