Đằng sau lời tuyên bố của Israel về việc Syria sử dụng "vũ khí hoá học"

16:15, 02/05/2013
|

Vấn đề quân đội Syria có sử dụng "vũ khí hóa học" trong cuộc nội chiến với phiến quân FSA hay không một lần nữa đã được xới lại bởi một vị tướng tình báo Israel không mấy ai biết đến. Điều quan trọng là, những tuyên bố hoàn toàn thiếu tính thuyết phục của vị tướng này lại được báo chí lẫn giới chức Mỹ xem xét rất nghiêm túc, như một lý do hoàn toàn hợp lý để Mỹ can thiệp quân sự vào Syria. Chính điều này khiến nhiều người liên tưởng đến chiêu bài cũ từng được sử dụng tại Iraq đang được giở lại với Syria.

Vị tướng tình báo đã đưa ra những lời tuyên bố "nảy lửa" liên quan đến việc Syria sử dụng vũ khí hóa học là tướng Itai Brun, Trưởng bộ phận nghiên cứu và phân tích của tình báo quân đội Israel. Phát biểu tại một hội nghị về an ninh của Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia thuộc Đại học Tel Aviv hôm 23/4, tướng Brun khẳng định chắc nịch rằng "theo sự hiểu biết chuyên môn của chúng tôi, Syria đã nhiều lần sử dụng vũ khí hóa học chống lại các tay súng đối lập trong những tháng gần đây".

Để làm rõ căn cứ cho phát biểu này, tướng Brun đã đưa ra một loạt "bằng chứng" mà ông cho là xác đáng, đủ để kết luận Syria "đã sử dụng vũ khí hóa học". Các "bằng chứng" của tướng Brun không gì khác hơn những tấm ảnh chụp những người chết bị "giãn đồng tử, sùi bọt mép" mà ông cho rằng "theo quan điểm của chúng tôi" là dấu hiệu chứng tỏ có sử dụng "một loại vũ khí hóa học dạng lỏng". Tướng Brun khẳng đó là khí sarin - loại dùng trong vụ khủng bố tàu điện ngầm ở Nhật Bản năm 1995 làm chết 13 người.

Từ những thông tin và bằng chứng đó, tướng Brun kết luận Syria hoàn toàn "có thể" sử dụng vũ khí hóa học, đồng thời ông quan ngại việc Damascus "có thể" chuyển giao vũ khí hóa học đó cho những "thành phần thiếu trách nhiệm", và Israel có lý do để lo lắng cho sự an nguy của mình, đồng thời kêu gọi cộng đồng thế giới phải có hành động trước "nguy cơ" này.

Mặc dù Thủ tướng Benjamin Netanyahu không thể khẳng định điều tướng Brun nói là thật hay không, nhưng lời phát biểu đó cũng đã trở thành căn cứ "đáng tin cậy" để các quan chức Mỹ dựa vào đó xây dựng lập luận của mình đối với vấn đề vũ khí hóa học Syria. Trong cuộc họp với các ngoại trưởng NATO hôm 23/4, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã dẫn những kết luận "táo bạo" của tướng Brun để hối thúc các đồng minh NATO chuẩn bị các kế hoạch cần thiết để "ứng phó" với một "Syria có vũ khí hóa học".

Lời thúc giục này mang ý nghĩa là NATO có thể hành động bất cứ lúc nào nếu thấy an ninh của các thành viên bị đe dọa, và điều này sẽ rất nhạy cảm bởi Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia láng giềng phía bắc Syria, là một thành viên NATO, và NATO cũng đã triển khai vài giàn tên lửa Patriot tại miền Nam nước này.

Sự thật trong cái gọi là "bằng chứng vũ khí hóa học" mà vị tướng tình báo Israel đưa ra chẳng có gì ngoài việc tạo ra một cái cớ, một cơ sở để các đồng minh cùng đồng loạt lên tiếng. Chẳng hạn như việc Anh và Pháp viết một bức thư gửi cho Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon bảo rằng, mình cũng có "bằng chứng" Syria đã sử dụng vũ khí hóa học "hơn một lần" từ tháng 12/2012. Không biết bằng chứng của Anh và Pháp có mức độ xác thực đến đâu, nhưng rõ ràng những tuyên bố "bằng chứng" được đưa ra gần như đồng loạt, vào đúng thời gian cuộc điều tra của LHQ về vũ khí hóa học tại Syria đang gặp khó khăn, là điều không bình thường.

Và những tuyên bố "có bằng chứng" như thế càng nhiều càng tạo nên áp lực đặt nước Mỹ vào thế "buộc phải hành động" can thiệp quân sự vào Syria để "bảo đảm an toàn kho vũ khí hóa học", thực chất là để lật đổ ông Assad nếu phiến quân FSA, lực lượng nổi dậy chống đối trong nước không làm được điều đó. Thực tế là Mỹ đang rất cần một cái cớ xác đáng để đường đường chính chính can thiệp quân sự vào Syria.

Gần đây, dư luận còn chưa quên việc Lầu Năm Góc điều vài trăm binh sĩ đến Jordan, nước láng giềng Syria, nói là để phục vụ công tác cứu trợ nhân đạo, nhưng thực chất là để điều nghiên thực địa nhằm chuẩn bị cho một cuộc đổ bộ khi cần thiết. Trong khi những hành động hợp pháp thông qua Hội đồng Bảo an LHQ đều không thể qua được 2 “cửa ải” Nga và Trung Quốc, việc Mỹ đánh lá bài "tạo cớ" với kho vũ khí hóa học Syria cũng là điều dễ hiểu.

Ngoài ra, phát biểu của tướng Brun cũng có thể là cơ sở quan trọng để Israel dựa vào đó biện minh cho những hành động quân sự vô lối của mình. Theo giới quan sát, Israel thời gian gần đây đang xem xét việc dùng vũ lực quân sự để "xóa sổ" các cơ sở sản xuất, các kho vũ khí hóa học của Syria. Năm 2006, Israel từng cho máy bay đột kích dọc biên giới phía bắc Syria ném bom một vị trí mà sau đó họ cho là cơ sở hạt nhân của Syria. Lần này, dư luận nghi ngờ Israel cũng sẽ lại dùng máy bay đột kích vào các mục tiêu chứa vũ khí hóa học nằm sâu bên trong Syria. Trong bối cảnh Syria đang có nội chiến, một hành động liều lĩnh như thế có thể gây ra hậu quả khó lường.

Phát biểu tại cuộc họp với các đồng nghiệp trong khối NATO tại Brussels hôm 23/4, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cáo buộc "một số thành viên phương Tây" trong Hội đồng Bảo an LHQ (ám chỉ Mỹ, Anh, Pháp) đang cố tình thổi phồng vấn đề vũ khí hóa học ở Syria. Vụ việc vũ khí hóa học được báo chí phương Tây lan truyền ầm ĩ từ ngày 20/3 vừa qua, với luận điệu chĩa vào Tổng thống Bashar al-Assad, cáo buộc ông đã cho sử dụng vũ khí hóa học.

Chính phủ Syria đã nhiều lần lên tiếng khẳng định mình không liên quan đến vụ việc như báo chí nêu, cho rằng lực lượng đối lập đã dựng chuyện để lôi kéo các cường quốc phương Tây vào giúp sức. Chính Damascus đã yêu cầu LHQ  tổ chức điều tra vụ việc, nhưng tiến trình điều tra đang bị ách lại do có bất đồng giữa cơ quan điều tra của LHQ với Chính phủ Syria do cơ quan điều tra LHQ đòi thanh tra nhiều nơi, kể cả các cơ sở, kho chứa vũ khí hóa học, và điều này Syria không thể chấp nhận.


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc