- Mỹ sẽ giám sát cuộc tập trận hải quân chung giữa Nga, Trung Quốc và Iran ở Ấn Độ Dương và sẽ hợp tác với các đồng minh để đảm bảo sự tự do hàng hải, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sean Robertson hôm qua (26/12) cho biết.

"Chúng tôi đã biết về kế hoạch tập trận đa phương sắp được tiến hành giữa Iran, Trung Quốc và Nga ở Biển Ả-rập. Chúng tôi sẽ giám sát cuộc tập trận đó và sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác cũng như đồng minh của chúng tôi để đảm bảo sự tự do hàng hải và tự do thương mại ở các tuyến đường biển quốc tế”, ông Robertson nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hồi tháng 10 cho biết, cuộc tập trận ba bên sẽ giúp tăng cường sự phối hợp về mặt chiến dịch trong cuộc chiến chống khủng bố và cướp biển. Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif nhấn mạnh, cuộc tập trận không nhằm vào bên thứ ba.
Cuộc tập trận chung giữa Nga, Trung Quốc và Iran có tên là Marine Security Belt (Vành đai An ninh Hàng hải). Cuộc tập trận này dự kiến sẽ được khai hỏa trong ngày hôm nay (27/12). Một đội tàu chiến đấu thuộc Hạm đội Biển Baltic của Nga đã tiến đến Iran từ hồi đầu tháng để chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc tập trận.
Cuộc tập trận hải quân chung giữa ba nước sẽ kéo dài 4 ngày và đây sẽ là lần đầu tiên diễn ra một cuộc tập trận ba bên như vậy giữa Nga, Trung Quốc và Iran. Cuộc tập trận diễn ra vào thời điểm Tehran đang tìm cách tăng cường quan hệ hợp tác quân sự với Bắc Kinh và Moscow trong bối cảnh Iran đang phải hứng chịu những biện pháp trừng phạt kinh tế chưa từng có từ Washington. Các chuyến thăm đến Iran của giới chức Hải quân Nga và Trung Quốc cũng đã được tăng cường trong những năm gần đây. Đại sứ mới của Iran tại Nga – ông Kazem Jalali từng phát biểu rằng, Nga và Iran nên hợp tác với nhau để đẩy lùi “chủ nghĩa khủng bố kinh tế” của Washington bởi Mỹ đang áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với cả Nga và Iran.
Phát ngôn viên quân sự Iran – Tướng Abolfazl Shekarchi cho hay, cuộc tập trận chung giữa ba nước Iran, Nga và Trung Quốc được tổ chức nhằm củng cố an ninh khu vực. Cuộc tập trận này được xem như đòn đáp trả đối với một cuộc tập trận gần đây của Mỹ với Ả-rập Xê-út.
Tình hình Trung Đông đang như “chảo lửa” sau khi quan hệ Mỹ-Iran đã đảo chiều từ hòa dịu sang đối đầu kể từ khi ông Trump lên nắm quyền. Chính quyền của Tổng thống Trump áp dụng một lập trường cứng rắn với Iran, khác hẳn với chính sách của chính quyền tiền nhiệm Barack Obama. Mỹ đã rất tức giận khi Iran tiến hành thử tên lửa đạn đạo hồi đầu năm 2017. Mỹ đã tuyên bố đặt Iran vào “tầm ngắm” đồng thời nhanh chóng tung ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước Cộng hòa Hồi giáo. Trong diễn biến đẩy tình hình căng thẳng leo thang lên một cấp độ mới, Tổng thống Trump hồi tháng 5 năm ngoái cuối cùng cũng đã “xé toạc” thỏa thuận hạt nhân JCPOA từng được các cường quốc Anh, Pháp, Đức, Nga và Trung Quốc miêu tả là bước đột phá mang tính lịch sử. Kể từ sau hành động trên của Tổng thống Trump, mối quan hệ giữa Mỹ và Iran xấu đi trầm trọng.
Chính quyền của Tổng thống Trump hơn một năm qua đã thực hiện “chiến dịch gây sức ép tối đa” nhằm làm kiệt quệ nền kinh tế Iran và khiến các nhà lãnh đạo của Iran phải đến bàn đàm phán. Tuy nhiên, rõ ràng áp lực tối đa đã khiến Iran trở nên cứng rắn hơn, hiếu chiến hơn. Hôm 20/6, Iran không ngần ngại bắn rơi một máy bay do thám không người lái của Mỹ. Cùng với đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo nước ông sẽ tăng cường hoạt động làm giàu uranium nếu các nước Châu Âu không tìm ra được một con đường nhằm nới lỏng biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên Iran. Gần đây, Iran được cho là đang tăng cường các cuộc tấn công vào các tàu chở dầu cũng như các cơ sở dầu mỏ ở Trung Đông, khiến Mỹ và phương Tây thực sự cảm thấy bất an.