- Một tàu tấn công đổng bộ của Mỹ - USS Wasp mang theo 10 chiếc chiến đấu cơ tối tân F-35 trên boong vừa đi qua khu vực tranh chấp ở Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang, tờ National Interest đưa tin. Con tàu của Mỹ đang hướng tới Vịnh Subic ở Philippines.
Chiến hạm của Mỹ đang mang theo số lượng chiến đấu cơ gấp đôi so với bình thường. Động thái này được cho là một cuộc thử nghiệm cách tiếp cận mới của quân đội Mỹ về việc các tàu chiến lớp Wasp có thể phục vụ như những chiếc tàu sân bay nhỏ trong bối cảnh Mỹ đang có kế hoạch cắt giảm số lượng các tàu sân bay lớn trong hạm đội hùng hậu của họ.
Quân đội Mỹ đang tính đến khả năng biến những chiếc tàu đổ bộ của họ thành những chiếc tàu sân bay hạng nhẹ trong bối cảnh Lầu Năm Góc có kế hoạch giảm số lượng “những người anh em lớn hơn”.
Chiến đấu cơ F-35 do hãng Lockheed Martin thiết kế và phát triển dựa trên phiên bản máy bay X-35 trước đó. Đây là loại chiến đấu cơ tiêm kích đa năng tàng hình hiện đại và cơ động bậc nhất thế giới. Máy bay này được phát triển để thực hiện các nhiệm vụ như tấn công các mục tiêu trên mặt đất, trinh sát và phòng không.
Dự án F-35 được ca ngợi là kỳ tích công nghệ, tạo ra sản phẩm có thể thống trị bầu trời. Các thông số kỹ thuật của F-35 cho thấy đây là một thế hệ máy bay tàng hình vượt bậc, với chiều dài khoảng 15m, có sức chứa trong hơn 7.200 lít nhiên liệu và có thể bay với tốc độ lên tới hơn 1.920 km/h. Vũ khí mà F-35 được trang bị cũng hết sức tối tân, bao gồm 1 khẩu pháo GAU-12/U 25 mm - gắn từ 180 quả đạn đến 220 quả đạn tùy phiên bản nâng cấp. F35 được trang bị tên lửa, bom nhiều hơn và một thùng nhiên liệu phụ. Trong thân máy bay, tối đa có 4 tên lửa đối không AIM-120 AMRAAM, AIM-9X Sidewinder hay AIM-132 ASRAAM hoặc 2 tên lửa đối không và 2 tên lửa đối đất.
Bắc Kinh chưa bình luận gì về việc Mỹ tiếp tục đưa tàu chiến đi qua khu vực tranh chấp ở Biển Đông. Chắc chắn Bắc Kinh sẽ không bỏ qua hành động này của Hải quân Mỹ bởi lâu nay Trung Quốc luôn phản ứng đầy tức giận trước những vụ việc như vậy.
Sự xuất hiện của tàu chiến Mỹ cùng với hàng loạt chiến đấu cơ tối tân ở Biển Đông sẽ khiến Trung Quốc thêm phần bất an và vụ việc này sẽ đẩy mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước leo thang hơn nữa.
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với 4 nước láng giềng Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia và Vùng lãnh thổ Đài Loan. Trung Quốc đang ngang nhiên đòi chủ quyền đến 90% Biển Đông - một khu vực biển có những tuyến đường hàng hải chiến lược có tính sống còn đồng thời chứa các nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú.
Trung Quốc đang gây ra một làn sóng phản đối dữ dội và quyết liệt chưa từng có của các nước láng giềng trong khu vực cũng như của cộng đồng thế giới vì việc nước này đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp, cải tạo, xây dựng trái phép và giờ là quân sự hóa ở Biển Đông. Trong một động thái làm đẩy cao căng thẳng ở Biển Đông, Trung Quốc gần đây liên tiếp cho triển khai vũ khí, trong đó có các tên lửa, đến các cấu trúc mà nước này đã xây dựng trái phép ở Biển Đông.
Tại một diễn đàn an ninh quan trọng hàng đầu của Châu Á hồi năm ngoái, Mỹ từng công khai chỉ trích những hành động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc trong thời gian qua đồng thời cảnh báo Bắc Kinh về những đòn trừng phạt nặng nề trong tương lai.
Không chỉ dừng lại ở lời nói, Mỹ còn liên tục cho các tàu chiến đến khu vực phạm vi 12 hải lý so với những đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở Biển Đông để thách thức đòi hỏi chủ quyền phi lý và tham lam của Bắc Kinh ở Biển Đông. Sau Hải quân Mỹ, đến lượt Hải quân Anh và Hải quân Pháp cũng tuyên bố sẽ thẳng tiến vào Biển Đông, cụ thể là vào khu vực Trung Quốc đang đòi chủ quyền một cách phi lý, nhằm mục đích bác bỏ đòi hỏi của Bắc Kinh đồng thời khiến Bắc Kinh phải thay đổi cách hành xử trong khu vực.
Việc Mỹ thường xuyên đưa chiến hạm và máy bay ném bom B-52 vào Biển Đông cũng là một trong những đòn răn đe nhằm vào Trung Quốc ở Biển Đông.
Kiệt Linh (tổng hợp)