Mỹ xây dựng lực lượng có "sức mạnh chết người" để xử lý Triều Tiên?

07:28, 20/12/2017
|

(VnMedia) - “Mối đe dọa chưa từng có và khẩn cấp” từ Triều Tiên đồng nghĩa với việc Hải quân Mỹ cần nhiều chiến hạm hơn, nhiều hệ thống vũ khí tối tân hơn và cần lực lượng binh sĩ hùng hậu hơn để có thể đối phó, một quan chức hàng đầu của Hải quân Mỹ hôm qua (19/12) cho biết.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chủ nhiệm Tác chiến Hải quân Mỹ - Đô đốc John Richardson hôm qua đã có bài phát biểu trước các thủy thủ trên tàu sân bay USS Ronald Reagan ở căn cứ Hải quân Yokosuka, Nhật Bản, về việc Hải quân Mỹ cần phải làm gì để bảo vệ họ trước mối đe dọa quân sự từ chính quyền của Chủ tịch Kim Jon g Un, tờ Stars & Stripes đưa tin.

Đô đốc Richardson cho rằng, hiện tại, Triều Tiên đang là nhiệm vụ “cấp bách nhất” đối với Hải quân Mỹ ở Châu Á bởi Triều Tiên đang “ngày càng trở nên mạnh hơn” qua mỗi một vụ thử tên lửa mới. Vì thế, theo ông Richardson, nhiệm vụ năm 2018 của ông là xây dựng một hải quân “có sức mạnh chết người hơn” và “nguy hiểm hơn” đối với kẻ thù tiềm năng của Mỹ.

"Đang có một sự gần như đồng thuận về việc chúng tôi cần nhiều sức mạnh hải quân hơn hiện tại”, ông Richardson nhấn mạnh.

Giống như nhiều quan chức quân sự cấp cao khác của Mỹ, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis, ông Richardson nhấn mạnh Mỹ cần phải biết họ có lựa chọn quân sự nào trong khi ngày càng cạn kiệt các biện pháp ngoại giao cũng như trừng phạt hà khắc khi đối phó với Triều Tiên.

“Đây là một mối đe dọa khẩn cấp và chưa từng có mà chúng ta thấy từ Triều Tiên”, ông Richardson cho biết. “Phương pháp tiếp cận để giải quyết vấn đề ngay lúc này chủ yếu là thông qua chiến dịch gây áp lực về kinh tế và ngoại giao. Bước lùi của nó sẽ làm một loạt giải pháp quân sự”.

Theo ông Richarson, các tàu từ phía Đông Thái Bình Dương có thể được đưa đến bổ sung lực lượng cho Hải quân Mỹ ở Châu Á khi Washington phải đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng trong khu vực cũng như tình trạng gia tăng các vụ tai nạn làm suy yếu lực lượng hải quân Mỹ.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo đảm rằng, chúng tôi sẽ hoàn thành mọi nhiệm vụ của chúng tôi ở Châu Á Thái Bình Dương”, ông Richardson nói thêm nhưng từ chối không cho biết khi nào và có bao nhiêu chiến hạm sẽ được điều thêm đến khu vực.

Mối đe dọa ngày càng tăng từ chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên cùng với việc phải thực hiện chiến dịch đối phó với sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông và các khu vực khác của Châu Á đang làm tăng gánh nặng lên Hạm đội Số 7 của Mỹ.

Tổng thống Trump đã đặt ưu tiên trong chính sách của chính quyền này là ngăn chặn chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Chương trình này đã đạt được các bước phát triển vượt bậc trong thời gian qua, dưới thời của Chủ tịch Kim Jong Un. Kế hoạch của Mỹ đến nay vẫn tập trung vào những biện pháp kinh tế hà khắc được siết chặt nhằm vào Triều Tiên. Trong khi chính sách ngoại giao vẫn đi theo hướng tìm kiếm sự đối thoại giữa Bình Nhưỡng và Washington nhưng hai bên không ngần ngại tung vào nhau những lời đe dọa và cảnh báo. Thậm chí, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong Un còn nói đến viễn cảnh chiến tranh hạt nhân.

Triều Tiên liên tục phản đối các hành động tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực cũng như các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn. Bình Nhưỡng lo ngại, Washington cùng với Seoul và Tokyo có thể tấn công xâm lược họ.

Việc Mỹ có kế hoạch đưa thêm lực lượng hải quân vào khu vực chắc chắn sẽ khiến Bình Nhưỡng lo ngại và tức giận.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc