Khẳng định uy thế trên chiến trường Syria, Nga khiến Mỹ ghen tị

19:26, 28/12/2017
|

(VnMedia) - Bộ Quốc phòng Nga đã khởi động dự án nâng cấp căn cứ quân sự của họ ở hai khu vực Tartus và Khmeimim của Syria thành những trung tâm quân sự thường trực hiện đại có thể tiếp nhận các chiến hạm lớn, trong đó có tàu hạt nhân, và các máy bay chiến đấu. Damascus đã ký thỏa thuận cho phép lực lượng Nga đóng tại nước này ít nhất trong 49 năm tới.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hai căn cứ ở Tartus và Khmeimim nằm trong số rất nhiều cơ sở quân sự mà Nga có ở nước ngoài. Hồi đầu năm nay, Nga và Syria đã hoàn tất một thỏa thuận quy định sự hiện diên quân sự của Nga ở Syria. Căn cứ Không quân Khmeimim nằm gần Latakia và căn cứ hải quân ở thành phố cảng Tartus đều đã được trao cho Nga theo hợp đồng thuê 49 năm và thời hạn này tiếp tục được gia hạn tự động nếu không nước nào muốn cắt đứt hợp đồng. Quốc hội Nga đã phê chuẩn thỏa thuận về căn cứ Khmeimim hồi tháng Bảy vừa rồi và thỏa thuận về căn cứ Tartus mới được thông qua hôm thứ Ba (26/12).

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu vừa tiết lộ, chi tiết về các hoạt động triển khai của Nga ở hai căn cứ trên lãnh thổ Syria cũng như dự án phát triển hai căn cứ này đã được Tổng thống Vladimir Putin phê chuẩn từ hồi tuần trước. “Chúng tôi đã bắt đầu tiến trình thành lập các lực lượng thường trực ở Syria”, Bộ trưởng Shoigu cho biết trong một cuộc họp của Bộ Quốc phòng Nga.

Nga bắt đầu cho phi đội chiến đấu cơ xuất kích từ căn cứ Khmeimim của Syria từ hồi năm 2015 khi chiến dịch chống khủng bố ở quốc gia Trung Đông được khởi động. Trong khi đó, căn cứ ở Tartus của Nga đã đi vào hoạt động từ những năm 1970 nhưng nó vẫn chỉ là một cơ sở nhỏ có mục đích nhằm cung cấp sự tiếp viện về hậu cần và nhiên liệu cho các tàu chiến của Xô-viết và sau này là Nga. Căn cứ ở Tartus chính thức là điểm hỗ trợ về kỹ thuật và hậu cần. Vì thế, nó không thích hợp để tiếp nhận những chiến hạm lớn.

Tuy nhiên, Hải quân Nga được cho là đang có ý định mở rộng đáng kể căn cứ ở Tartus. Theo thỏa thuận với Syria, căn cứ tương lai của Nga ở quốc gia Trung Đông sẽ được nâng cấp để có thể đón nhận tới 11 chiến hạm, trong đó có cả tàu chiến hạt nhân. Hiện tại, Nga chỉ có duy nhất một tàu nổi hạt nhân – chiến hạm Pyotr Velikiy có trọng tải 24.000 tấn. Tuy nhiên, Nga sẽ sớm có một tàu phá băng hạt nhân mặc dù con tàu này không thể nhận nhiệm vụ ở Địa Trung Hải. Trong khi đó, dự án tàu khu trục lớp Lider mới nhất vẫn còn đang ở giai đoạn thiết kế.

Một dự án cơ sở hạ tầng lớn như vậy có thể đòi hỏi nhiều vốn đầu tư cũng như thời gian.

Thỏa thuận cho phép quân Nga đóng tại Syria trong gần nửa thế kỷ được cho là “phần thưởng” của chính quyền Tổng thống Assad dành cho sự giúp đỡ mạnh mẽ của Moscow đối với Damascus trong cuộc chiến đẫm máu và khốc liệt kéo dài gần 7 năm qua.

Nga bắt đầu đưa quân tham chiến vào Syria hồi tháng 9 năm 2015 theo đề nghị của đồng minh Bashar al-Assad. Mục tiêu của chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria được giới chức Moscow tuyên bố là để chống lại lực lượng khủng bố, cụ thể ở đây là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Với chiến dịch không kích dồn dập của mình ở Syria, Nga đã gây tổn thất nặng nề cho lực lượng khủng bố và giúp đảo chiều cuộc chiến tranh ở Syria theo hướng có lợi cho đồng minh Assad. Gần đây, Nga và Syria tuyên bố chiến dịch chống khủng bố của họ gần như hoàn tất. Tuy nhiên, Nga vẫn duy trì ở Syria một lực lượng đủ mạnh để không cho phép lực lượng khủng bố trỗi dậy.

Kiệt Linh (tổng hợp)