Triều Tiên sắp có năng lực mạnh đến mức cả Mỹ và Châu Âu đều kinh sợ?

17:21, 02/09/2017
|

(VnMedia) - Ngoại trưởng Pháp vừa bất ngờ đưa ra cảnh báo ớn lạnh về việc Triều Tiên sắp sở hữu năng lực mạnh đến mức cả Mỹ và Châu Âu đều phải lo ngại.

Chương trình phát triển tên lửa của Triều Tiên đang khiến cộng đồng thế giới thực sự quan ngại
Chương trình phát triển tên lửa của Triều Tiên đang khiến cộng đồng thế giới thực sự quan ngại

Cụ thể, theo lời Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves le Drian, Triều Tiên có thể sẽ có được năng lực tấn công cả Mỹ lẫn Châu Âu bằng vũ khí hạt nhân chỉ trong vài tháng nữa.

Ông Jean-Yves le Drian - người phụ trách các vấn đề đối ngoại trong chính quyền của Tổng thống Emmanuel Macron, đã đưa ra cảnh báo đáng sợ trên sau một loạt các vụ thử tên lửa gây rúng động thế giới mà Bình Nhưỡng tiến hành liên tiếp trong thời gian vừa qua. Loạt vụ thử này đã đẩy căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên lên mức cao độ với những hành động quân sự gây giật mình của các bên liên quan cùng những cuộc khẩu chiến gay gắt không có điểm dừng.

Bất chấp các đòn trừng phạt mạnh tay nhất cùng những lời cảnh báo nghiêm khắc nhất được các cường quốc mạnh hàng đầu thế giới tung ra nhằm vào Triều Tiên, chính quyền của Chủ tịch Kim Jong Un vẫn thể hiện một lập trường cứng rắn và thách thức mỗi lúc một tăng cao. "Chúng ta đang chứng kiến một Triều Tiên mà mục tiêu của họ là nắm trong tay được loại tên lửa có khả năng mang theo một vũ khí hạt nhân ngay vào ngày mai”, Ngoại trưởng Pháp nói.

Ông le Drian cho rằng, tình hình diễn biến như trên “cực kỳ nghiêm trọng”. "Chỉ trong một vài tháng, điều đó sẽ thành hiện thực. Khi đó, khi họ có khả năng tấn công Mỹ, và thậm chí là Châu Âu, hay gần nhất là Nhật Bản và Trung Quốc, bằng vũ khí hạt nhân, tình hình sẽ bùng nổ”, Ngoại trưởng Pháp le Drian cảnh báo.

Nhà lãnh đạo Pháp kêu gọi Triều Tiên mở một cuộc đối thoại mới với các nước khác nhằm tìm lối thoát để hạ nhiệt căng thẳng và ngăn chặn viễn cảnh bùng nổ xung đột hạt nhân - viễn cảnh ác mộng nhất đối với thế giới.

Bình Nhưỡng nên “quay trở lại con đường đàm phán”, Ngoại trưởng Pháp nhấn mạnh.

Trước đó, Tổng thống Macron cũng đã cảnh báo về tình hình “leo thang” căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Trong tuyên bố được phát đi, ông Macron đã bày tỏ “quan ngại về mối đe dọa từ tên lửa và vũ khí hạt nhân từ Triều Tiên”, nói rằng cộng đồng quốc tế phải nỗ lực tìm cách đưa Bình Nhưỡng “quay trở lại con đường đàm phán mà không đưa ra bất kỳ điều kiện tiên quyết nào”.

Quan điểm trên của Tổng thống Pháp dường như trùng khớp với quan điểm của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Hôm 31/8, ông Putin đã cảnh báo rằng, tình hình bán đảo Triều Tiên “đang ở mức mấp mé trên bờ vực của một cuộc xung đột quy mô lớn” và ông tin rằng, chính sách gây áp lực với Bình Nhưỡng nhằm ngăn chặn chương trình tên lửa hạt nhân của nước này là sai lầm và vô ích.

Cũng  giống như ông Macron, Nhà lãnh đạo của nước Nga kêu gọi giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên bằng con đường đối thoại mà không có bất kỳ hành động khiêu khích hay gây áp lực nào. "Các vấn đề của khu vực chỉ nên được giải quyết thông qua một cuộc đối thoại trực tiếp giữa tất cả các bên có liên quan mà không cần đến bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. Sự khiêu khích, gây áp lực hay những tuyên bố hiếu chiến, mang tính dọa dẫm, xúc phạm đều là con đường bế tắc”, ông Putin nhấn mạnh.

Triều Tiên đã đẩy mạnh tiến trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo kể từ năm 2009 sau khi nước này tẩy chay các cuộc đàm phán hạt nhân 6 bên liên quan đến Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc và Mỹ. Chỉ từ năm ngoái đến năm nay, Triều Tiên đã tiến hành hai vụ thử hạt nhân và hàng chục vụ phóng tên lửa. Đặc biệt, trong tháng Bảy, Triều Tiên đã hai lần tiến hành thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa – loại tên lửa có khả năng vươn tới nước Mỹ. Mới đất nhất, hôm 29/8, Bình Nhưỡng đã táo bạo bắn tên lửa qua không phận Nhật Bản.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, chương trình vũ khí tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên rõ ràng đang phát triển ở tốc độ thực sự gây lo ngại. “Triều Tiên đang thực hiện các vụ thử tên lửa đạn đạo tầm trung và xuyên lục địa ở tần suất từ 4 đến 6 tuần một lần. Điều này gây kinh ngạc xét ở bất kỳ tiêu chí nào và đặc biệt đối với một quốc gia thường bị đánh giá thấp về năng lực như Triều Tiên”, một chuyên gia đã nói như vậy.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc