Vì sao EU tức nghẹn khi Mỹ trừng phạt Nga?

14:41, 03/08/2017
|

(VnMedia) - Liên minh Châu Âu (EU) đã phản ứng đầy tức giận khi Mỹ tung thêm các đòn trừng phạt khắc nghiệt hơn nhằm vào Nga. Vì sao EU lại có phản ứng kỳ lạ như vậy trong bối cảnh chính EU cũng đang áp dụng một loạt biện pháp trừng phạt đối với Moscow.

EU lo lắng dự luật trừng phạt Nga của Mỹ sẽ gây ảnh hưởng đến lợi ích của họ
EU lo lắng dự luật trừng phạt Nga của Mỹ sẽ gây ảnh hưởng đến lợi ích của họ

Tổng thống Donald Trump hôm qua (2/8) đã miễn cưỡng ký vào dự luật thắt chặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga vì cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016. "Dự luật Chống lại Các đối thủ của Mỹ thông qua các biện pháp trừng phạt" trước đó đã được Thượng viện và Hạ viện Mỹ thông qua với số phiếu ủng hộ áp đảo. Dự luật mới sẽ áp dụng các đòn trừng phạt nhằm không chỉ vào Nga mà cả vào Iran và Triều Tiên.

Ngay sau khi thông tin về việc Mỹ ký dự luật trừng phạt Nga vừa được đưa ra từ Nhà Trắng, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đã lập tức lên tiếng cảnh báo nghiêm khắc rằng, Châu Âu sẽ có đòn đáp trả “thích đáng” và nhanh chóng “chỉ trong vài ngày” nếu dự luật chống Nga của Mỹ làm tổn thương đến lợi ích của các công ty Châu Âu đang làm việc và hợp tác với Nga.

Lợi ích Châu Âu luôn phải được tính đến khi Mỹ muốn áp dụng các biện pháp trừng phạt mới. “Chúng tôi phải bảo vệ các lợi ích kinh tế của mình trước Mỹ và đó là điều chúng tôi sẽ làm”, ông Juncker nhấn mạnh trong cuộc trả lời phỏng vấn German ARD-Europastudio Brussel.

“Chúng tôi đã sẵn sàng”, ông Juncker nói thêm, chỉ ra rằng EU có quyền tung ra các biện pháp đáp trả trong trường hợp các lợi ích của liên minh này bị xâm phạm. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu cũng chỉ ra thực tế rằng dự luật vừa được Tổng thống Trump ký phê chuẩn có thể sẽ gây ra hậu quả “không thể lường trước được” cho EU trong lĩnh vực an ninh năng lượng.

Các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ có thể gây ảnh hưởng xấu đến những nỗ lực của EU trong việc đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng, đặc biệt ở khu vực Baltic, ông Juncker cho hay.

Tuy nhiên, vị quan chức cấp cao hàng đầu EU bày tỏ hy vọng, Mỹ sẽ vẫn quan tâm đến các lợi ích của đồng minh Châu Âu khi nói rằng “Quốc hội Mỹ từng tuyên bố những biện pháp trừng phạt đó chỉ nên được áp dụng sau khi đã có sự tham vấn với các đồng minh của Mỹ” và ông Juncker “giả sử” rằng EU “vẫn là một đồng minh của Mỹ”.

Phản ứng gay gắt một cách bất thường của EU đối với dự luật trừng phạt mới của Mỹ là điều hoàn toàn dễ hiểu bởi dù Nga “bị đánh” nhưng thực tế EU được cho là sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ.

Giới chức EU đang thực sự lo ngại trước dự luật trừng phạt mới nhằm vào Nga vừa được Mỹ thông qua. Dự luật này được cho là phớt lờ lợi ích của các công ty Châu Âu. Cụ thể, những biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Nga có thể gây ảnh hưởng đến một số lượng lớn các công ty Châu Âu đang làm ăn hợp pháp theo các quy định của EU với các thực thể của Nga trong những ngành như ngành năng lượng, đường sắt, tài chính, tàu thủy, khai thác mỏ….

Không chỉ phản đối trên lời nói, giới chức EU đã chuẩn bị sẵn kịch bản để có thể đáp trả Mỹ. EU đã đặt lên bàn những sự lựa chọn khác nhau, bao gồm việc dùng đến “Đạo luật Ngăn chặn” (Blocking Statute) - một quy định của EU trong đó giới hạn việc thực thi các luật đặc quyền của Mỹ ở Châu Âu. Một số “biện pháp trả đũa theo quy định của WTO” cũng đang được xem xét.

EU cảnh báo, dự luật trừng phạt Nga của Mỹ được xem xét dựa trên những cân nhắc, tính toán cho lợi ích của riêng Mỹ. Điều đó “có thể sẽ gây ra những hậu quả không mong muốn, không chỉ với sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương/G7 mà còn đối với hàng loạt lợi ích an ninh năng lượng và kinh tế của EU”.

EU tin rằng, việc Mỹ đơn phương tung ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga mà không để ý gì đến lợi ích của đồng minh Châu Âu là hành động ích kỷ. Ông Juncker từng thẳng thừng tuyên bố: chính sách “nước Mỹ là trên hết không thể đồng nghĩa với việc lợi ích của Châu Âu phải xếp sau”.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc