Quan chức Trung Quốc phẫn nộ tung cảnh báo ớn lạnh với nước láng giềng

10:02, 03/08/2017
|

(VnMedia) - Một chuyên gia về quốc phòng của Ấn Độ cáo buộc Bắc Kinh đang đăng tải những thông tin gây hấn nhằm vào New Delhi. Phản pháo lại, một chuyên gia phía Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo quân Ấn Độ phải rời khỏi vùng tranh chấp Doklam nếu không muốn chiến tranh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cuộc khẩu chiến gay gắt trên nổ ra giữa một tướng quân đội đã nghỉ hưu của Ấn Độ và hiện là một nhà bình luận về quốc phòng - ông Ashok Mehta với Giám đốc của Trung tâm Hợp tác An ninh Quốc tế thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc - ông Zhou Bo.

Hai vị quan chức quân sự cấp cao của Trung Quốc và Ấn Độ rõ ràng đã được mời đến bình luận về cuộc đối đầu căng thẳng đang diễn ra giữa lực lượng quân sự hai nước ở vùng cao nguyên Doklam - một khu vực đang nằm trong tranh chấp giữa Ấn Độ, Trung Quốc và Bhutan. Chương trình này được phát sóng ngày hôm qua (2/8) trên Mạng Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN).

Được đề nghị nói trước, ông Mehta đã lên tiếng cáo buộc Trung Quốc đang thổi bùng lên ngọn lửa chống Ấn Độ ở nước này. “Báo chí Trung Quốc, giới cố vấn, các tờ Tân Hoa xã, Thời báo Hoàn Cầu, Nhật báo Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) đã viết những bài viết gay gắt nhất, hung hăng nhất để đe dọa Ấn Độ, khiêu chiến với Ấn Độ, đòi mở cuộc xung đột hai mặt trận với Ấn Độ và dạy cho Ấn Độ một bài học. Ý tôi là, loại ngôn ngữ đó không được sử dụng ở Ấn Độ”, ông Mehta nói.

Đáp trả một cách đầy giận dữ,, vị quan chức quân sự cấp cao của Trung Quốc – ông Zhou Bo cảnh báo: “Hãy cho tôi vài giây để nói – các bạn (những binh sĩ Ấn Độ) đang ở trên lãnh thổ Trung Quốc, vì thế nếu các bạn không muốn chiến tranh thì phải rời khỏi lãnh thổ Trung Quốc”.

Cuộc khẩu chiến nóng bỏng trong chương trình truyền hình nói trên diễn ra trong bối cảnh lực lượng quân sự Ấn Độ và Trung Quốc đang hàng ngày đối đầu căng thẳng ở khu vực cao nguyên chật hẹp Doklam. Cuộc tranh chấp này đã kéo dài nhiều thập kỷ nhưng nó bắt đầu leo thang lần mới nhất là kể từ ngày 16/6 sau khi các lực lượng Trung Quốc bắt đầu tiến hành xây dựng một con đường ở Cao nguyên tranh chấp Doklam – một khu vực mà Ấn Độ khẳng định là thuộc lãnh thổ của Bhutan. Phản ứng trước bước đi mới nhất của Trung Quốc ở khu vực Doklam, Bhutan đã kêu gọi sự giúp đỡ của Ấn Độ và New Delhi đã ngay lập tức phái quân đến khu vực biên giới.

New Delhi lo ngại con đường mà Trung Quốc đang xây dựng ở Cao nguyên Doklam sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh của Ấn Độ bởi con đường đó sẽ giúp Trung Quốc dễ dàng tiếp cận với “Cổ Gà” - một dải đất hẹp chiến lược nối 7 bang đông bắc của Ấn Độ với phần còn lại của nước này.

Cuộc đối đầu hiện tại giữa lực lượng hai nước Trung Quốc và Ấn Độ gây lo ngại bởi đã có không ít động thái quân sự được tung ra. Quân đội Trung Quốc đã tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật kéo dài suốt 11 giờ đồng hồ, mô phỏng theo những điều kiện chiến đấu thực sự, ở khu vực Tây Tạng. Cuộc tập trận này được cho là nhằm để răn đe New Delhi. Cùng với đó, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đã tăng cường lực lượng quân sự đến khu vực tranh chấp.

Quan hệ giữa hai cường quốc lớn ở Châu Á-Thái Bình Dương - Trung Quốc và Ấn Độ từ lâu đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi cuộc tranh chấp lãnh thổ kéo dài dai dẳng suốt nhiều thập kỷ. Mặc dù quan hệ Trung-Ấn đã được cải thiện trong những năm gần đây. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ. Tuy nhiên, tranh chấp xung quanh đường biên giới dài 4.057km giữa hai nước này vẫn chưa được giải quyết. Năm 1962, giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã nổ ra một cuộc chiến tranh ngắn liên quan đến tranh chấp biên giới.

Ngoài ra, cũng như các cường quốc lớn khác, New Delhi lo ngại về tham vọng vươn xa của Trung Quốc sau khi nước này bắt đầu có những bước đi ngày một lấn tới trong tranh chấp ở Biển Đông. Ấn Độ tin rằng, Bắc Kinh cũng đang nhòm ngó khu vực Ấn Độ Dương. Cuộc đối đầu giữa hai nước láng giềng Trung Quốc và Ấn Độ còn có liên quan đến cuộc đua tranh giành ảnh hưởng trong khu vực của hai cường quốc hàng đầu Châu Á này. Bắc Kinh không tránh khỏi cảm giác lo ngại khi New Delhi đang thắt chặt quan hệ với Mỹ và Nhật Bản - hai đối thủ hàng đầu của Trung Quốc.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc