Giải mã đường bay "lạ" của máy bay chở Tổng thống Putin đến G20

14:11, 10/07/2017
|

(VnMedia) - Máy bay chở Tổng thống Nga Vladimir Putin đến hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hamburg, Đức, đã bay theo đường bay dài 500km qua Phần Lan và biển Baltic, tránh không phận của Ba Lan và các nước Baltic. Giới quan sát Nga đã phân tích về lý do có khả năng nhất khiến máy bay chở ông Putin phải bay theo đường bay đặc biệt như vậy.

Máy bay chở Tổng thống Nga Vladimir Putin đến hội nghị thượng đỉnh G20
Máy bay chở Tổng thống Nga Vladimir Putin đến hội nghị thượng đỉnh G20

Dữ liệu về đường bay từ FlightRadar24 cho thấy, chiếc máy bay Il-96-300PU chở Tổng thống Nga từ Moscow đến Hamburg hồi tuần trước đã không bay theo đường bay thẳng trực tiếp qua Belarus và Ba Lan. Thay vào đó, máy bay chở ông Putin bay qua Biển Baltic và các quốc gia không phải là thành viên của NATO – Phần Lan và Thụy Điển trước khi đi vào không phận của Đan Mạch và Đức.

Phát ngôn viên của tổng thống Nga – ông Dmitry Peskov từ chối bình luận về lý do thay đổi đường bay nói trên. "Tôi sẽ không trả lời câu hỏi này bởi tất cả các vấn đề liên quan đến các hoạt động di chuyển, đi lại của Tổng thống đều có liên quan trực tiếp đến an ninh của ông ấy. Tất cả các biện pháp thiết thực đều được tính đến”, ông Peskov nói thêm.

Nhà lãnh đạo Nga trước đó đã nhiều lần bay qua không phận Ba Lan, mới đây nhất trong chuyến công du Châu Âu hồi tháng Năm đến gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Máy bay chở ông chủ điện Kremlin cũng bay qua không phận Lithuania hồi tháng Mười năm ngoái.

Tuy nhiên, lần thay đổi đường bay không có bất kỳ lời giải thích nào từ điện Kremlin này đã làm dấy lên đủ loại tin đồn trên báo chí phương Tây. Trong đó, tờ Daily Mail và The Sun của Anh thậm chí còn cho rằng, ông Putin có thể “sợ máy bay bị bắn hạ”.

Giới quan sát có đầu óc tỉnh táo cho rằng, có một lời giải thích logic và đơn giản hơn cho cách lựa chọn đường bay của Nga. Họ đã nhắc đến vụ việc vừa diễn ra cuối tháng trước, khi một chiếc chiến đấu cơ F-16 của Ba Lan tiếp cận nguy hiểm với máy bay chở Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu. Vụ việc này đã buộc một trong những chiếc chiến đấu cơ Su-27 của Nga hộ tống chuyến bay phải có hành động cảnh báo máy bay của Ba Lan.

Theo phân tích của các nhà quan sát, đội ngũ bảo vệ an ninh cho Tổng thống Putin có thể đã tìm cách tránh tái lặp lại sự việc như đã xảy ra với máy bay chở Bộ Quốc phòng Nga, đặc biệt trong bối cảnh vẫn còn tồn tại chiến dịch được thuyết âm mưu dẫn dắt ở Warsaw, trong đó cho rằng Nga có thể có liên quan đến vụ tai nạn máy bay chở Tổng thống Ba Lan và nhiều quan chức Ba Lan ở Smolensk, Nga, năm 2010. Vụ tai nạn này đã cướp đi sinh mạng của Tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski.

Trả lời phỏng vấn tờ báo mạng Svobodnaya Pressa của Nga, nhà phân tích quan hệ quốc tế Alexei Martynov cho hay, ông tin rằng các cơ quan an ninh của tổng thống có thể đã thực hiện mọi biện pháp để bảo đảm an toàn cho ông Putin”. “Tổng thống Putin không chỉ là Nhà lãnh đạo Nga mà còn là một nhà lãnh đạo thế giới. Các cuộc gặp gỡ ở Hamburg đã cho thấy rõ ràng như vậy”, ông Martynov nhấn mạnh.

"Thực tế về việc chúng ta – công chúng không biết chút gì về những vấn đề liên quan đến tổng thống là dấu hiệu chứng tỏ công tác đảm bảo an ninh cho ông ấy đang được đặt ở mức cao nhất”, nhà phân tích Martynov cho biết thêm.

Đội máy bay Il-96-300PU của Tổng thống Nga Putin được tin là bao gồm 4 chiếc. Được chế tạo bởi Tập đoàn Máy bay Voronezh, những chiếc máy bay này sở hữu một loạt đặc điểm bảo vệ an ninh tối tân, trong đó có lớp vỏ bảo vệ dọc thân máy bay có thể gây nhiễu loạn cho các hệ thống radar, một hệ thống gây nhiễu chống lại các tên lửa vác vai (MANPADS), và thậm chí là còn có cả hệ thống phòng không riêng. Những chiếc máy bay Il-96-300PU được cho là còn chứa một hệ thống cứu hộ cho khách VIP. Tất cả những thiết bị này sẽ trở nên đặc biệt quan trọng khi máy bay chở tổng thống bay đến những nước mà ở đó máy bay quân sự của Nga không thể thực hiện nhiệm vụ hộ tống.

Ông Alexander Khramchikhin – Phó Giám đốc Viện Phân tích Quân sự và Chính trị ở Moscow, tin rằng, đội an ninh của tổng thống đã có bước đi khôn ngoan khi không để máy bay chở ông Putin đi qua không phận Ba Lan vào thời điểm này.

Nói tóm lại, lý do thực sự và lý do chính xác của việc Nga chọn đường bay “lạ” có thể không bao giờ được chính thức tiết lộ nhưng dường như nó được quyết định dựa trên phương châm “Cẩn tắc vô áy náy”, đặc biệt sau hành động khiêu khích với máy bay chở Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu mới đây.

Kiệt Linh (theo Sputnik)


Ý kiến bạn đọc