EU bất ngờ đứng về chiến tuyến với Nga, sẵn sàng "đánh" đồng minh Mỹ

08:28, 25/07/2017
|

(VnMedia) - Liên minh Châu Âu (EU) sẽ hành động nhanh chóng, chỉ “trong vài ngày”, nếu các biện pháp trừng phạt mới mà Mỹ áp đặt lên Nga gây hại cho mối quan hệ thương mại giữa Châu Âu với Moscow. Đây là nội dung của một bản ghi nhớ được lưu hành trong nội bộ EU mà giới báo chí vừa có cơ hội tiếp cận. Những đòn trả đũa mà EU có ý định tung ra với đồng minh Mỹ bao gồm việc hạn chế quyền hạn của Mỹ đối với các công ty của EU.

Liên minh Châu Âu đang đối đầu với Mỹ về dự luật trừng phạt mới nhằm vào Nga
Liên minh Châu Âu đang đối đầu với Mỹ về dự luật trừng phạt mới nhằm vào Nga

Bản ghi nhớ nội bộ mà tờ Thời báo Tài chính (Financial Times) và Politico được tiếp cận đã xuất hiện trong bối cảnh sự phản đối ngày càng tăng cao khi Mỹ nhằm nhe thông qua một dự luật, trong đó áp dụng một loạt biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga. Dự luật này nếu được phê chuẩn sẽ cho phép các nghị sĩ Mỹ có quyền phủ quyết bất kỳ nỗ lực nào của Tổng thống Mỹ, nhằm dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.

Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đặc biệt lo ngại viễn cảnh những biện pháp trừng phạt mà Mỹ tung ra với Nga sẽ phớt lờ lợi ích của các công ty Châu Âu. Ông Juncker tuyên bố đầy cứng rắn rằng, Brussels “sẵn sàng hành động nhanh chóng chỉ trong vài ngày” nếu các biện pháp trừng phạt Nga “được thông qua mà không tính đến những quan ngại của EU”, tờ Thời báo Tài chính đưa tin.

Biên bản ghi nhớ của EU cũng cảnh báo, “những biện pháp trừng phạt của Mỹ có thể gây ảnh hưởng đến một số lượng lớn các công ty Châu Âu đang làm ăn hợp pháp theo các quy định của EU với các thực thể của Nga trong những ngành như ngành đường sắt, tài chính, tàu thủy, khai thác mỏ….”.

Những biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga là một phần trong Dự luật Chống Các Hoạt động gây bất ổn của Iran. Dự luật này không chỉ nhằm trực diện vào Tehran mà còn cả Triều Tiên và Nga. Được thông qua ban đầu bởi Thượng viện Mỹ từ hồi tháng trước, dự luật này còn tìm cách tung ra những biện pháp trừng phạt mới nhằm vào các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Nga.

Bản dự luật còn tìm cách áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với những hoạt động đầu tư vào dự án đường ống khi đốt Nord Stream 2 của Gazprom, vạch ra một loạt bước đi nhằm cản trở việc xây dựng các đường ống khí đốt cũng như trừng phạt những công ty Châu Âu tham gia vào dự án. Đức – cường quốc mạnh nhất EU đã lên tiếng cảnh báo sẽ trả đũa nếu Mỹ có động thái trừng phạt các công ty của họ tham gia dự án Nord Stream 2. Các nhà ngoại giao EU lo ngại, cuộc tranh cãi giữa Đức và Mỹ xung quanh dự án khí đốt Nord Stream 2 có thể sẽ gây khó khăn cho nỗ lực của Brussels nhằm tìm kiếm một sự đồng thuận của EU trong các cuộc đàm phán với Nga về dự án.

Các dự án năng lượng khác như dự án đường ống khí đốt Biển Caspian, dự án trung chuyển khí đốt Ukraine và mỏ dầu Zohr ở ngoài khơi bờ biển Ai Cập, cũng có thể bị ảnh hưởng do có sự tham gia của các công ty Nga.

Biên bản ghi nhớ nội bộ vừa bị rò rỉ của EU cũng cho biết, EU đang tìm kiếm “một tuyên bố công khai chính thức” từ chính quyền Tổng thống Trump về việc nước này sẽ không áp dụng các biện pháp trừng phạt mới theo cách có thể nhằm mục tiêu vào các lợi ích của Châu Âu. EU cũng đặt lên bàn những sự lựa chọn khác bao gồm việc dùng đến “Đạo luật Ngăn chặn” (Blocking Statute) - một quy định của EU trong đó giới hạn việc thực thi các luật đặc quyền của Mỹ ở Châu Âu. Một số “biện pháp trả đũa theo quy định của WTO” cũng đang được xem xét, biên bản ghi nhớ nội bộ của Liên minh Châu Âu cho hay.

Trước đó, hồi cuối tuần, EU cũng đã bày tỏ sự quan ngại và bất an trước dự luật trừng phạt mới của Mỹ. Nhấn mạnh rằng, “dự luật trừng phạt Iran và Nga của Mỹ chủ yếu được xem xét dựa trên những cân nhắc, tính toán trong nội bộ đất nước Mỹ”, Ủy ban Châu Âu trong một tuyên bố đã nói, điều đó “có thể sẽ gây ra những hậu quả không mong muốn, không chỉ với sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương/G7 mà còn đối với hàng loạt lợi ích an ninh năng lượng và kinh tế của EU”.

Có thể nói, trong cuộc chiến trừng phạt lần này, EU đang đứng ở phía đối đầu với Mỹ và điều này sẽ có lợi cho Nga.

Kiệt Linh (theo RT)


Ý kiến bạn đọc