Lộ nguyên nhân không ngờ khiến tên lửa Triều Tiên liên tiếp nổ tung

08:08, 01/05/2017
|

(VnMedia) - Một lần nữa, tên lửa của Triều Tiên lại nổ tung chỉ vài phút sau khi được phóng đi. Có lẽ, chưa bao giờ Triều Tiên lại thất bại liên tiếp như vậy và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiết lộ một nguyên nhân cực kỳ bất ngờ...

Tổng thống Mỹ Donald Trump
Tổng thống Mỹ Donald Trump

Theo những gì ông Donald Trump ám chỉ, dường như Mỹ đã phá hoại chương trình tên lửa của Triều Tiên, khiến những vụ thử tên lửa của nước này liên tục thất bại trong thời gian qua.

Hôm 28/4, Triều Tiên lại một lần nữa thất bại trong một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo. Tên lửa đã nổ tung thành nhiều mảnh chỉ vài phút sau khi được phóng đi, thậm chí còn chưa vượt qua được khỏi không phận của Triều Tiên.

Trong khi Bình Nhưỡng vẫn có thể học được rất nhiều từ vụ phóng tên lửa thất bại mới nhất và sử dụng những bài học này để tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân của họ thì nước này đã thất bại trong việc thể hiện năng lực và sức mạnh của mình bằng những loại tên lửa đã được Mỹ hoàn thiện từ những năm 1970. Và tình báo mạng có thể là nguyên nhân dẫn đến thất bại của Triều Tiên.

Khi được hỏi về vụ thử tên lửa thất bại mới nhất của Triều Tiên trên chương trình “Face the Nation” ngày hôm qua (30/4), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từ chối nói về việc liệu Mỹ có làm bất kỳ điều gì liên quan đến những vụ thử tên lửa thất bại liên tiếp trong thời gian qua của Bình Nhưỡng hay không.

"Tôi không muốn thảo luận về vấn đề đó. Nhưng có lẽ đó là những tên lửa rất không tốt”, ông Trump nói. Khi được hỏi dồn ép về khả năng Mỹ phá hoại các tên lửa của Triều Tiên, ông Trump không phủ nhận điều này, chỉ cho biết: “Tôi chỉ không muốn thảo luận về điều đó”.

Trong quá khứ, giới lãnh đạo Mỹ thường quyết liệt phủ nhận về việc họ tiến hành các cuộc tấn công mạng vào những nước khác. Tuy nhiên, ông Trump chỉ nhắc lại ưu tiên của ông là không can thiệp sâu vào các cuộc “phiêu lưu” của quân đội.

Trên thực tế, Triều Tiên thiếu cơ sở hạ tầng chế tạo tên lửa giống như của các cường quốc Nga, Mỹ. Tuy nhiên, gần đây, tờ New York Times đã phát hiện một chiến dịch bí mật nhằm làm chệch hướng chương trình tên lửa hạt nhân của Triều Tiên và tờ báo này cho rằng, chiến dịch đó đã được thực hiện ngấm ngầm từ ba năm nay.

Điều đáng nói là nguồn tin từ tờ New York Times cho rằng, tỉ lệ thất bại cao của Triều Tiên trong những vụ thử tên lửa theo thiết kế của Nga là do Mỹ đã can thiệp vào phần mềm và mạng lưới tên lửa của Triều Tiên.

Thông tin trên gây kinh ngạc cho phần lớn mọi người nhưng lại hoàn toàn không phải là điều bất ngờ cho những người trong ngành. Tiến sĩ Ken Geers – một chuyên gia về an ninh mạng của Comodo và có kinh nghiệm ở NSA cho tờ Business Insider biết, chiến dịch mạng giống như chiến dịch chống Triều Tiên thực sự là điều bình thường.

Trong khi thực tế về việc Mỹ tấn công mạng vào cương trình tên lửa của một nước khác là điều gây sốc cho một số người thì “trong không gian tình báo quân sự, đó là những gì họ phải làm", ông Geers nhấn mạnh. "Nếu bạn nghĩ chiến tranh có thể xảy ra với một quốc gia cụ thể nào đó, bạn sẽ phải cố gắng chuẩn bị không gian chiến đấu cho một cuộc chiến như vậy. Trong thời đại Internet, điều đó đồng nghĩa với chiến dịch tấn công mạng”, vị chuyên gia người Mỹ nói thêm.

Mạng nội bộ của Triều Tiên rất biệt lập và không kết nối với Internet bên ngoài. Đây là một thách thức đối với các hacker ở Mỹ. Tuy nhiên, theo ông Geers, “không hoàn toàn nhất thiết” máy tính phải nối mạng thì mới bị hack.

Hơn nữa, do số lượng hạn chế máy chủ và điểm kết nối với mạng Internet được hạn chế rất chặt chẽ ở Triều Tiên nên “nếu thậm chí một cuộc chiến tranh mạng giữa Mỹ và Triều Tiên xảy ra, phương Tây sẽ giành chiến thắng áp đảo.

"Triều Tiên có thể thực hiện một cuộc tấn công Sony hay tấn công Nhà Trắng nhưng đó là vì bản chất của không gian mạng. Tuy nhiên, nếu chiến tranh xảy ra, bạn sẽ thấy Bộ Chỉ huy mạng có thể xóa sổ hầu hết mạng của các nước khác một cách rất nhanh chóng”, ông Geers đã nói như vậy.

Kiệt Linh (theo BI)


Ý kiến bạn đọc