Vừa nhăm nhe "động thủ", Nhật khiến Trung Quốc "sống trong sợ hãi"

16:17, 30/03/2017
|

(VnMedia) - Đảng cầm quyền Nhật Bản hôm qua (29/3) đã nói rằng, chính phủ nước này nên cân nhắc đến việc phát triển năng lực tấn công vào các căn cứ của kẻ thù nếu Nhật Bản bị tấn công. Đảng cầm quyền Nhật Bản đã nhắc đến mối đe dọa từ tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong nhiều năm qua, Tokyo luôn thấp thỏm lo âu và hoài nghi sâu sắc về Bình Nhưỡng. Nhật Bản tin rằng họ ngày càng trở thành một mục tiêu dễ tổn thương trước tham vọng hạt nhân và tên lửa ngày càng mạnh mẽ của chính quyền Bình Nhưỡng.

Chỉ riêng trong năm ngoái, Triều Tiên đã thực hiện 2 vụ thử hạt nhân liên tiếp, trong đó có một vụ nổ hạt nhân mạnh nhất từ trước đến nay. Ngay trong tháng này, Triều Tiên đã phóng đi 4 quả tên lửa đạn đạo mà 3 trong số đó rơi ở ngoài khơi bờ biển Nhật Bản.

Diễn biến trên đã thúc đẩy hội đồng an ninh của đảng cầm quyền Nhật Bản vạch ra một “bản đề xuất khẩn cấp”, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho tờ Times of Japan biết.

"Những hành động khiêu khích của Triều Tiên đang leo thang tới mức độ mà đất nước chúng ta không còn có thể bỏ qua được nữa", một hội đồng an ninh của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) đã nói như vậy trong bản đề xuất dự kiến được trình lên Thủ tướng Shinzo Abe sớm nhất trong ngày hôm nay (30/3).

Hội đồng An ninh của LDP kêu gọi chính phủ Nhật Bản ngay lập tức nghiên cứu các cách thức để có thể thực hiện những cuộc tấn công vào căn cứ của kẻ thù nếu bị tấn công, trong đó có việc thông qua hệ thống tên lửa hành trình.

Hội đồng An ninh của LDP cũng kêu gọi chính phủ “ngay lập tức cân nhắc” khả năng triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa thiện chiến THAAD và hệ thống chiến đấu tối tân Aegis. "Chúng ta không thể lãng phí một giây nào nữa trong việc phát triển các hệ thống tên lửa đạn đạo của mình".

THAAD (Terminal High Altitude Area Defense) là hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối. Đây là hệ thống tên lửa được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Ngoài ra, nó cũng có khả năng nhất định trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Hệ thống THAAD được thiết kế để đánh chặn những tên lửa đạn đạo ở tầm cao. Hệ thống phòng không tinh vi của Mỹ có hệ thống radar có thể phát hiện những vật thể ở khoảng cách xa đến 2.000km.

Mỹ đang thúc đẩy triển khai THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc với mục đích được tuyên bố là để chống lại mối đe dọa từ tên lửa và vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, động thái này của Washington và Seoul đang vấp phải sự phản đối quyết liệt của Trung Quốc và Nga. Nếu Nhật Bản thực sự bắt tay vào việc triển khai hệ thống THAAD trên lãnh thổ của họ, Bắc Kinh và Moscow chắc chắn sẽ “đứng ngồi không yên” vì lo lắng.

Trong khi đó, hệ thống chiến đấu Aegis là sự kết hợp của các thiết bị phức tạp khác nhau gồm radar, máy tính, phần mềm, máy phóng vũ khí và vũ khí nhằm chống lại một loạt mối đe dọa trên mặt đất, trên không và dưới nước. Mục đích của sự kết hợp này là nhằm tạo ra một hệ thống chiến đấu toàn diện nhất. Không phải vô cớ mà Aegis được ví là tấm lá chắn huyền thoại của thần Dớt. Nó chính là hệ thống chiến đấu tiên tiến và phức tạp nhất thế giới, là "trái tim" của hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo xuyên quốc gia mà Mỹ đang xây dựng.

Tuy nhiên, bản đề xuất của Hội đồng An ninh LDP không kêu gọi Nhật Bản phát triển cái gọi là năng lực tấn công phủ đầu – một năng lực cho phép quân đội Nhật Bản tấn công kẻ thù trước khi lực lượng này có thể phát động một cuộc tấn công.

Nhật Bản từ lâu luôn duy trì chặt chẽ chính sách chỉ phòng thủ. Hiến pháp hòa bình được Mỹ áp đặt lên Nhật Bản từ sau Chiến tranh Thế giới thứ II cấm Tokyo sử dụng vũ lực, ngoại trừ trong trường hợp tự phòng vệ nhưng cũng bị quy định rất nghiêm ngặt.

Hội đồng an ninh của đảng cầm quyền Nhật Bản nhấn mạnh, họ không đề cập đến năng lực tấn công phủ đầu và các tên lửa hành trình của Nhật chỉ được bắn đi nếu Triều Tiên thực hiện một cuộc tấn công vào lãnh thổ Nhật Bản. Theo cách này, đề xuất của hội đồng an ninh tuân thủ chặt chẽ hiến pháp hòa bình của Nhật Bản.

Mỹ đang có 47.000 quân đóng trên đất Nhật Bản và đang bảo vệ đồng minh Châu Á thông qua một hiệp ước liên minh chính thức.

Thủ tướng Shinzo Abe cũng là Chủ tịch Đảng LDP là người ủng hộ mạnh mẽ cho mối quan hệ liên minh an ninh chặt chẽ giữa Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên, từ lâu, ông Abe cũng luôn cổ súy cho việc sửa đổi hiến pháp theo hướng cho phép các lực lượng an ninh Nhật Bản ở tư thế chủ động hơn trong nhiệm vụ bảo vệ đất nước.

Những động thái quân sự của chính quyền Thủ tướng Abe dù được cho là nhằm mục tiêu vào Triều Tiên những lại khiến Trung Quốc đặc biệt lo ngại và cảnh giác cao độ.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc