"Sói cô độc" IS đang biến cảnh báo với châu Âu thành hiện thực?

20:37, 24/03/2017
|

Sau năm 2016 với hàng loạt vụ tàn sát đẫm máu, các nhà lãnh đạo EU đang ngày càng lo ngại trước mối đe dọa khủng bố, trong đó lưu ý đến thủ phạm là “sói cô độc".

“Năm 2017, châu Âu sẽ bị rung chuyển bởi các cuộc tấn công khủng bố tàn bạo”, cả giới chuyên gia và chiến binh “Sói cô độc” IS từng cảnh báo. Và cảnh báo này đang trở thành hiện thực?

Vụ tấn công khủng bố vừa xảy ra ở Anh diễn ra một ngày sau khi Thủ tướng Anh Theresa May chỉ thị các hãng hàng không cấm hành khách sử dụng các thiết bị điện tử cỡ lớn, như máy tính bảng, vào cabin trên các chuyến bay của Anh từ 6 quốc gia trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Saudi Arabia.

Vụ tấn công khủng bố xảy ra chiều 22/3 ở ngay giữa trung tâm London, Anh. Kẻ tấn công đã lái xe tông vào đám đông trên cầu Westminster khiến  4  người thiệt mạng và đâm chết 1 cảnh sát bên ngoài tòa nhà Quốc hội. Ảnh: Reuters.
Vụ tấn công khủng bố xảy ra chiều 22/3 ở ngay giữa trung tâm London, Anh. Kẻ tấn công đã lái xe tông vào đám đông trên cầu Westminster khiến 4 người thiệt mạng và đâm chết 1 cảnh sát bên ngoài tòa nhà Quốc hội. Ảnh: Reuters.

Theo DailyStar, nguyên nhân có lệnh cấm này là do Anh phát hiện lực lượng khủng bố đã chế tạo được loại “bom máy tính xách tay” mới có sức hủy diệt khủng khiếp.

Tổ chức tình báo hàng đầu của Anh MI6 trước đó cảnh báo mối đe dọa hiện tại từ Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng là "chưa từng có", với các tổ chức khủng bố nhắm vào Anh từ sâu bên trong Syria. MI6 đổ lỗi cho cuộc chiến khốc liệt ở Syria gây ra mối đe dọa này.

Theo MI6, tháng 8/2016, sau khi IS bị đẩy khỏi Manjib ở miền bắc Syria, tình báo Anh thu được hơn 10.000 tài liệu và dữ liệu kỹ thuật số “tiết lộ kế hoạch hàng nghìn cuộc tấn công ở châu Âu”.

Mối đe dọa với châu Âu là có thật, sau một năm 2016 với hàng loạt vụ tàn sát đẫm máu: khởi đầu với vụ tấn công ở Paris vào tháng 11/2015, cướp đi sinh mạng của 130 người; tiếp theo là các vụ đánh bom ở Brussels vào ngày 22/3/2016: Ba vụ nổ độc lập đã làm rung chuyển thủ đô của Bỉ trong giờ cao điểm buổi sáng, giết chết 35 người và làm bị thương thêm hàng trăm người.

Nhiều vụ tấn công của các phần tử Hồi giáo cực đoan đã xảy ra với mật độ hơn một tháng một vụ.

Sau cuộc tấn công xe tải ở Berlin, IS đưa ra cảnh báo ớn lạnh rằng năm 2017 “sẽ là năm gây tử vong nhất cho các công dân châu Âu”. Các chiến binh của tổ chức này đã sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để nói loạt vụ năm 2016 “chỉ là sự khởi đầu”.

Nhưng đáng lo nhất là các nhà lãnh đạo chống khủng bố của Liên minh châu Âu xác nhận hiểm họa này, trong đó lưu ý đến thủ phạm là “sói cô độc", một khái niệm chỉ mô hình hoạt động đặc biệt của chủ nghĩa cực đoan, là hoạt động của những cá nhân hoặc một nhóm nhỏ hoạt động bí mật.

Báo cáo của Europol, cơ quan thực thi pháp luật của EU, xác nhận: "EU hiện chứng kiến xu hướng tăng về quy mô, tần suất và tác động của các cuộc tấn công khủng bố. IS đang tích cực tuyên truyền các cuộc tấn công khủng bố trên đất EU bằng bất cứ phương tiện sẵn có nào, ngày càng gây cảm hứng cho các cá nhân cấp tiến hành động. Ngay cả khi IS bị xóa sổ ở Iraq và Syria, các phần tử Hồi giáo cực đoan sẽ tiếp tục kích động và tổ chức các cuộc tấn công khủng bố ở EU".

Trong khi đó, báo cáo mới đây của EU đưa ra con số cụ thể: hơn 1.500 phần tử thánh chiến đã trở lại châu Âu với lệnh "thực hiện các cuộc tấn công".

Nơi nào trên thế giới an toàn trước khủng bố?

Đức, Pháp, Thổ Nhĩ  Kỳ và Bỉ nằm trong danh sách nguy cơ cao bị khủng bố, trong khi các nước bị nguy cơ này thấp nhất có Việt Nam và Nhật Bản, tờ Telegraph dẫn khảo sát của Bộ Ngoại giao Anh cho biết.

Khi đánh giá mối đe dọa của tấn công khủng bố, Bộ Ngoại giao Anh chia thành 4 mức: cao, bình thường, ít và thấp.

Đức là một trong hơn 45 quốc gia trên thế giới mà mối đe dọa từ khủng bố được xếp ở mức “cao”. Nước này bị xếp mức đe dọa khủng bố hàng đầu từ trước khi xảy ra vụ tấn công đêm Giáng sinh ở Berlin năm ngoái, làm ít nhất 12 người chết và 48 người bị thương.

Các quốc gia khác trong nguy cơ “cao” gồm có Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Bỉ.

Tại Pháp, tháng 7 năm ngoái, 84 người đã thiệt mạng khi một chiếc xe tải đâm thẳng vào  đám đông người đi bộ ở Nice. Cùng tháng này, một linh mục bị giết trong cuộc tấn công vào nhà thờ ở Saint-Etienne-du-Rouvray, vùng ngoại ô của Rouen.

Năm ngoái, tại Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra hàng loạt vụ tấn công, đáng chú ý nhất là tại sân bay Atatürk của Istanbul, rồi ở thủ đô Ankara và thành phố Gaziantep. Vụ tấn công ở Brussels hồi tháng 3 đã làm 32 người thiệt mạng.

Nguy cơ khủng bố cũng cao ở Ai Cập, nơi một máy bay Nga bị đánh bom năm ngoái, và tại Tunisia, nơi có 30 người Anh thiệt mạng trong vụ thảm sát mùa Hè.

Trong danh sách “nguy cơ cao” còn có Indonesia, Nga, Myanmar, Kenya, Philippines, Colombia, Thái Lan và Australia. Và không có gì bất ngờ khi danh sách này cũng bao gồm nhiều nước ở Trung Đông: Iraq, Saudi Arabia, Yemen, Syria, Lebanon, Israel and Afghanista.

Các quốc gia có nguy cơ khủng bố thấp nhất bao gồm Việt Nam, Iceland, Bolivia, Ecuador, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Thụy Sĩ, Hungary, và Nhật Bản.

Mức độ đe doạ khủng bố đối với Anh được cơ quan tình báo Anh đánh giá ở mức "nghiêm trọng", mức cao thứ hai.

(theo Zing.vn)


Ý kiến bạn đọc