NASA kết nối được với tàu vũ trụ đã mất tín hiệu 8 năm của Ấn Độ

08:47, 12/03/2017
|

Ngày 22/10/2008, tàu Chandrayaan-1 - tàu vũ trụ không người lái thám hiểm Mặt Trăng đầu tiên của Ấn Độ được phóng tại trung tâm vũ trụ Satish Dhawan ở bang Andhra Pradesh (phía nam Ấn Độ).

Đây là một khởi đầu quan trọng đối với Ấn Độ trong bối cảnh quốc gia đông dân thứ hai thế giới này muốn bắt kịp Nhật Bản và Trung Quốc trong nỗ lực chinh phục không gian. Tuy nhiên, sứ mệnh thám hiểm Mặt Trăng đầu tiên của nước này đã kết thúc ngày 30/8/2009, một ngày sau khi các nhà khoa học mất liên lạc với Chandrayaan-1.

Chandrayaan-1 - tàu vũ trụ không người lái thám hiểm Mặt trăng đầu tiên của Ấn Độ. Nguồn: CNN
Chandrayaan-1 - tàu vũ trụ không người lái thám hiểm Mặt trăng đầu tiên của Ấn Độ. Nguồn: CNN

Gần 10 năm sau, NASA đã tìm thấy hai tàu vũ trụ không người lái đang bay quanh Mặt Trăng, trong đó có chiếc Chandrayaan-1.

Hôm thứ 5 vừa qua NASA cho biết các nhà khoa học đã sử dụng một hệ thống radar mặt đất mới để xác định vị trí của hai tàu vũ trụ, trong đó có một chiếc còn hoạt động.

Hệ thống radar liên hành tinh này bình thường chỉ được sử dụng để thăm dò những hành tinh nhỏ cách trái đất vài triệu năm ánh sáng, do đó các nhà khoa học đã rất bất ngờ khi hệ thống này phát hiện ra những vật thể nhỏ từ vị trí xa xôi như mặt trăng.

Marina Brozovic, nhà nghiên cứu về radar ở Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực của NASA ở Pasadena (California) cho biết: “Nhờ hệ thống radar này, chúng tôi có thể dò được tín hiệu của chiếc trinh sát Mặt Trăng của NASA (LRO) và tàu Chandrayaan-1 của Ấn Độ đang nằm trong quỹ đạo của Mặt Trăng… Việc tìm kiếm LRO tương đối dễ dàng bởi vì chúng tôi đã từng làm việc với những người điều hướng và có dữ liệu quỹ đạo chính xác về vị trí của nó”.

Còn việc tìm kiếm Chandrayaan-1 là một thách thức lớn hơn vì lần kết nối cuối cùng với tàu vũ trụ này đã từ tháng 8 năm 2009. Do đó việc phát hiện ra chiếc tàu với kích cỡ chỉ bằng một chiếc ô tô thông minh này thu hút sự chú ý hơn cả.

Những con tàu vũ trụ thám hiểm Mặt Trăng nếu mất tín hiệu thường rất khó để tìm kiếm bởi lực hấp dẫn cao trên Mặt Trăng có thể thay đổi quỹ đạo của tàu vũ trụ. Còn kính thiên văn quang học cũng không thể sử dụng để tìm kiếm vì ánh sáng chói mắt của Mặt Trăng.

(Tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc