Trung Quốc "nghẹt thở" trong gọng kìm của hai láng giềng mạnh

07:10, 29/10/2016
|

(VnMedia) - Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ đến thăm Nhật Bản vào tháng tới để tham dự một hội nghị thượng đỉnh hàng năm, Ấn Độ hôm qua (28/10) thông báo. Chuyến thăm này được thực hiện trong bối cảnh hai cường quốc Châu Á đang hướng tới việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác quốc phòng nhằm làm đối trọng với một Trung Quốc đang nổi lên theo chiều hướng đáng lo ngại.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (bên trái) và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (bên trái) và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi

Thủ tướng Modi sẽ tới yết kiến Nhật hoàng Akihito và có cuộc hội đàm với người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe trong chuyến thăm kéo dài 2 ngày, bắt đầu từ ngày 11/11, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết.

Hai nhà lãnh đạo Abe và Modi đều là những người theo chủ nghĩa dân tộc cánh hữu và là những nhà cải cách kinh tế. Họ đã thiết lập được mối quan hệ thân thiết khác thường kể từ khi ông Modi lên cầm quyền ở Ấn Độ năm 2014.

Trong tuyên bố được Bộ Ngoại giao Ấn Độ phát đi, cuộc gặp gỡ sắp tới giữa hai Thủ tướng Nhật Bản và Ấn Độ sẽ là “cơ hội để họ có được sự trao đổi sâu hơn về các vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu mà cả hai có chung sự quan tâm”. Tuy nhiên, tuyên bố này không cho biết cụ thể đó là những vấn đề gì.

Báo chí đưa tin, Tokyo và New Delhi có thể sẽ ký một thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự sau khi nỗ lực này từng thất bại tại cuộc họp gần đây nhất giữa họ vì những khác biệt về vấn đề kỹ thuật cũng như pháp lý. Thỏa thuận được mong chờ này sẽ cho phép Nhật Bản xuất khẩu các công nghệ của nhà máy hạt nhân sang cho Ấn Độ.

Trong quá khứ, Nhật Bản từng tránh hợp tác hạt nhân dân sự với Ấn Độ do New Delhi từ chối tham gia vào Hiệp ước Không phổ biến Hạt nhân. Tuy nhiên, giờ đây, Tokyo đã trở nên mềm dẻo hơn trong vấn đề này.

Các mối quan hệ hợp tác an ninh và quốc phòng gắn bó hơn, trong đó có việc tổ chức những cuộc tập trận hải quân chung, có thể được đưa ra trong chương trình nghị sự của chuyến thăm của Thủ tướng Modi đến Nhật Bản.

Cả Nhật Bản và Ấn Độ đều có tranh chấp với Trung Quốc và đều có những quan ngại nhất định về Trung Quốc. Bắc Kinh đang tìm cách mở rộng sự hiện diện của hải quân nước này ở những vùng khơi xa và đòi chủ quyền tham lam ở nhiều khu vực thuộc Biển Đông, biển Hoa Đông và Ấn Độ Dương. Trung Quốc có tranh chấp với Nhật Bản ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thuộc biển Hoa Đông và hai nước này còn đối đầu kịch liệt vì tham vọng độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh.

Trong khi đó, Ấn Độ có tranh chấp lãnh thổ kéo dài với Trung Quốc và hai bên từng có chiến tranh với nhau ở khu vực biên giới năm 2014.

Những lý do trên đã đẩy Nhật Bản và Ấn Độ ngày càng gắn bó với nhau hơn.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc