Nga tung vũ khí cực mạnh đến Syria, "lật bài ngửa" với Mỹ?

17:01, 04/10/2016
|

(VnMedia) - Moscow đã lần đầu tiên triển khai hệ thống tên lửa tinh vi và tối tân S-300 đến Syria, hãng tin Fox News dẫn lời 3 quan chức quân sự cấp cao giấu tên của Mỹ cho biết.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Fox News, hệ thống S-300 của Nga đã được đưa đến một căn cứ hải quân ở thành phố ven biển Tartus của Syria hồi cuối tuần và đây là lần đầu tiên Nga tung vũ khí quý giá S-300 của mình ra một chiến trường nước ngoài.

Cho đến thời điểm hiện tại, Moscow chưa đưa ra bất kỳ lời xác nhận chính thức nào về hoạt động triển khai vũ khí đặc biệt nói trên.

Thông tin về việc Nga đưa S-300 đến chiến trường Syria được tung ra đúng một ngày sau khi Mỹ quyết định cắt đứt mối quan hệ hợp tác với Nga ở quốc gia Trung Đông với lý do Moscow và chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad không chịu tuân theo thỏa thuận ngừng bắn mới nhất mà Nga và Mỹ đạt được hồi tháng trước.

Nếu thông tin Nga triển khai S-300 đến chiến trường Syria được xác nhận là chính xác thì phải chăng Moscow quyết định “lật bài ngửa” với Mỹ ở nơi đây. Sau khi Nga nỗ lực tìm kiếm sự hợp tác với Mỹ ở Syria nhưng không thành công, rất có thể Moscow sẽ tự hành động để quyết định cục diện cuối cùng ở chiến trường Syria.

Moscow lâu nay luôn thể hiện mong muốn có thể bắt tay với Washington trong cuộc chiến chống khủng bố ở Syria. Chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin đã nhiều lần đề nghị Mỹ hợp tác nhưng luôn nhận được sự lãnh đạm, thờ ơ của chính quyền Tổng thống Barack Obama. Gần đây, giới chức Mỹ bất ngờ tìm đến Nga và đề nghị hợp tác để tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Syria. Moscow và Washington đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn mới nhất ở Syria và theo thỏa thuận này, nếu lệnh ngừng bắn được duy trì trong 7 ngày thì đây sẽ là bước mở đường để Nga, Mỹ bắt tay phối hợp hành động chung trong cuộc chiến chống khủng bố.

Tuy nhiên, kịch bản cũ lại tái diễn. Mọi nỗ lực của Nga và Mỹ lại đổ vỡ và hai bên tiếp tục đổ lỗi cho nhau. Trong bối cảnh như vậy, Washington và Moscow đương nhiên là sẽ có những tính toán riêng. Giới chức Mỹ được cho là đã tính đến việc dùng biện pháp quân sự ở Syria để giải quyết vấn đề thay vì theo đuổi con đường ngoại giao. Trong khi đó, có tin Nga tung S-300 đến chiến trường quốc gia Trung Đông. Tất cả những diễn biến trên khiến nhiều người lo ngại, cuộc chiến kéo dài 5,5 ở Syria có thể sẽ đi theo hướng trầm trọng hơn với bạo lực gia tăng và sự tham chiến diện rộng của cả Nga và Mỹ. Đây sẽ là viễn cảnh đáng sợ nhất của cuộc khủng hoảng ở Syria.

Hệ thống tên lửa phòng không S-300 là hệ thống tên lửa di động vô cùng tinh vi, có khả năng phá hủy tên lửa hành trình và chiến đấu cơ của đối phương. Được xem là một trong những tên lửa quý giá nhất của Nga, S-300, hay SA-20 Gargoyles theo cách gọi của NATO, có thể bắn hạ máy bay và tên lửa đạn đạo ở tầm xa 150km và ở độ cao lên tới 27km.

S-300 ban đầu được thiết kế nhằm mục đích giúp Nga đảm bảo an ninh cho các cơ sở công nghiệp và hành chính lớn, các căn cứ quân sự và kiểm soát không phận nước Nga trước máy bay tấn công của kẻ thù. Khi lần đầu tiên được Liên Xô triển khai vào năm 1979, S-300 được người Nga mệnh danh là “con cưng” và hiện nó vẫn là một trong những tên lửa đất đối không mạnh nhất thế giới. Đây cũng là một trong những loại tên lửa được rất nhiều nước thèm muốn bởi nó là thứ vũ khí hiệu quả hàng đầu trong việc bảo vệ các vùng trời.

Hệ thống S-300 được thiết kế để tiêu diệt tất cả phương tiện tiến công hỏa lực đường không của địch, các loại máy bay chiến lược, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo với độ chính xác rất cao, cự ly xa hàng trăm km, độ cao lớn.

S-300 được trang bị nhiều loại ra-đa tối tân, bao gồm đài ra-đa trinh sát 36D6 phát hiện mục tiêu ở cự ly xa tới 360km, bám bắt 120 mục tiêu cùng lúc, ra-đa trinh sát bắt thấp (độ cao thấp) 76N6, ra-đa điều khiển hỏa lực 30N6 sử dụng để dẫn đường điều khiển với ra-đa dẫn đường bán chủ động giai đoạn cuối. Bệ phóng tự hành lắp ống phóng đạn tên lửa của hệ thống này sẽ bắn theo phương thẳng đứng. Hệ thống S-300 có thể phóng 6 tên lửa liền một lúc, mỗi tên lửa có khả năng phá hủy các loại máy bay như F-16 và F-22 - báu vật của Không lực Mỹ cũng như đánh chặn các mục tiêu đạn đạo.

Kiệt Linh (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc