Indonesia bất ngờ tung "đòn sấm sét" ở Biển Đông

17:02, 05/10/2016
|

(VnMedia) - Lực lượng Không quân Indonesia đang tiến hành một cuộc tập trận quân sự lớn nhất từ trước đến nay ở gần một số đảo trên Biển Đông.

Đây được xem là một màn phô trương sức mạnh mà Indonesia muốn thể hiện trong bối cảnh nước này bắt đầu đối đầu với Trung Quốc về vấn đề tranh chấp Biển Đông.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tổng thống Joko Widodo hồi tháng Sáu đã phát động một chiến dịch chưa từng có nhằm tăng cường các hoạt động đánh bắt cá, khai thác, thăm dò và xây dựng cơ sở quốc phòng quanh dãy đảo Natuan sau một loạt cuộc đối đầu căng thẳng giữa Hải quân Indonesia và các tàu cá của Trung Quốc ở khu vực này.

Trung Quốc dù không đòi chủ quyền đối với quần đảo Natuna của Indonesia ở Biển Đông nhưng lại khiến Indonesia nổi giận khi nói rằng hai nước có “vùng chồng lấn” ở khu vực lãnh hải gần đó - một khu vực được Indonesia gọi là Biển Natuna.

"Chúng tôi muốn thể hiện sự hiện diện của chúng tôi ở trong khu vực. Chúng tôi có một lực lượng không quân đủ mạnh để răn đe”, ông Jemi Trisonjaya - phát ngôn viên Lực lượng Không quân Indonesia cho biết.

Hơn 2.000 lính không quân của Indonesia đang tham gia vào cuộc tập trận kéo dài 2 tuần, trong đó có bài diễn tập triển khai phi đội Sukhoi và F-16 của Indonesia. Các đơn vị khác của Lực lượng Vũ trang Indonesia cũng tham gia vào cuộc tập trận dự kiến kết thúc vào ngày mai (6/10) này.

Không giống như nhiều nước láng giềng Đông Nam Á khác, Indonesia từ lâu luôn khẳng định nước này không có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, yêu sách chủ quyền dựa trên đường 9 đoạn của Trung Quốc ở Biển Đông chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia và gần đây tàu thuyền hai bên bắt đầu có nhiều cuộc đụng độ, va chạm ở khu vực hơn.

Sau một cuộc đụng độ như vậy hồi tháng Sáu, Tổng thống Widodo đã đích thân đến thăm quần đảo Natuna trên một chiếc tàu chiến. Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia kể từ đó đã vạch ra các kế hoạch tăng cường tên lửa đất đối không, máy bay không người lái và vũ khí quân sự hạng nặng đến quần đảo của họ ở Biển Đông.

Tổng thống Widodo đang đối mặt với sức ép ngày càng tăng đòi Indonesia phải từ bỏ lập trường trung lập trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông. Năm 2009, Indonesia đã gửi văn bản thể hiện lập trường chính thức của mình lên Ủy ban Liên Hợp Quốc về việc phân định ranh giới thềm lục địa, nói rằng đường 9 đoạn không có cơ sở theo bất kỳ luật pháp quốc tế nào.

Biển Đông được xem là một trong những những điểm nóng nhất ở Châu Á hiện giờ. Các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở đây mang theo nguy cơ có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát bất kỳ lúc nào, và có thể leo thang thành xung đột.

Trung Quốc đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ khu vực Biển Đông chiến lược và giàu tài nguyên, thậm chí cả với những khu vực nằm giáp với bờ biển của nhiều nước Đông Nam Á. Đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc dựa vào yêu sách đường 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò. Nhiều khu vực nằm trong bản đồ đường 9 đoạn phi lý của Trung Quốc cách xa nơi gần nhất thuộc đại lục Trung Quốc đến cả hơn 1.000km và nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc