Trung Quốc bị "tạt gáo nước lạnh" ngay trên sân nhà

17:24, 05/09/2016
|

(VnMedia) - Trung Quốc đã tranh thủ cơ hội là chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh G-20 để cảnh cáo Hàn Quốc về kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD. Tuy nhiên, họ đã nhận được câu trả lời cứng rắn và lạnh lùng từ nữ Tổng thống Hàn Quốc.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Việc Hàn Quốc cùng đồng minh Mỹ đang cấp tập thúc đẩy kế hoạch triển khai Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ của quốc gia Châu Á đang trở thành một “cái dằm” gây nhức nhối trong quan hệ giữa Seoul và Bắc Kinh.

Trung Quốc tin rằng, hệ thống THAAD là nhằm cả vào họ chứ không chỉ nhằm vào một mình Triều Tiên như tuyên bố của Mỹ và Hàn Quốc. Bắc Kinh nói rằng, hệ thống THAAD của Mỹ trên đất Hàn Quốc sẽ cho phép quân đội Mỹ nhòm ngó sâu vào vùng đông bắc của Trung Quốc. Chính vì thế, Trung Quốc ra sức phản đối kế hoạch này.

Bắc Kinh đang là chủ nhà của hội nghị thượng đỉnh G-20. Giới chức nước này đã tranh thủ cơ hội này để cảnh báo, răn đe Hàn Quốc về kế hoạch triển khai THAAD với Mỹ. Trong cuộc gặp song phương diễn ra ngày hôm nay (5/9), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề cập đến vấn đề THAAD với nữ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye. Ông Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc kiên quyết phản đối kế hoạch Mỹ đưa hệ thống THAAD đến triển khai trên lãnh thổ của Hàn Quốc. Nhà lãnh đạo Trung Quốc còn thẳng thừng cảnh báo rằng, việc Hàn Quốc “xử lý không phù hợp vấn đề THAAD sẽ không có lợi cho sự ổn định chiến lược trong khu vực và có thể làm gia tăng tranh chấp”.

Bắc Kinh có lẽ tưởng rằng, nữ Tổng thống Hàn Quốc sẽ phải “nhún nhường” khi đang ở trên đất Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra. Bà Park đã thể hiện một lập trường cứng rắn và quyết liệt trong vấn đề triển khai hệ thống phòng thủ THAAD.

Nữ Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng, cách hành xử của Triều Tiên trong năm nay “đã làm phương hại nghiêm trọng đến hòa bình trong khu vực và tạo ra một thách thức lớn đối với sự phát triển của quan hệ Trung Quốc-Hàn Quốc”.

Bà Park đã bảo vệ mạnh mẽ cho quyết định triển khai hệ thống THAAD, nói rằng đó là biện pháp “phòng vệ không thể thiếu được” nhằm chống lại những mối đe dọa từ Bình Nhưỡng.

Với câu trả lời trên, bà Park rõ ràng đã thể hiện quan điểm một cách thẳng thắn, không còn “nể nang” như trước đây trong vấn đề triển khai hệ thống phòng thủ THAAD. Trước đây, Hàn Quốc chần chừ chưa muốn cho phép Mỹ triển khai THAAD trên đất của họ vì sợ làm mất lòng đối tác thương mại lớn Trung Quốc. Tuy nhiên, mọi việc đã thay đổi kể từ sau sự thách thức cao độ của Triều Tiên trong thời gian qua. Những lời cảnh báo liên tiếp của Bắc Kinh cũng không khiến Seoul nao núng.

THAAD (Terminal High Altitude Area Defense) là hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối. Đây là hệ thống tên lửa được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Ngoài ra, nó cũng có khả năng nhất định trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Hệ thống THAAD được thiết kế để đánh chặn những tên lửa đạn đạo ở tầm cao. Hệ thống phòng không tinh vi của Mỹ có hệ thống radar có thể phát hiện những vật thể ở khoảng cách xa đến 2.000km – đây là khoảng cách bao phủ phần lớn đại lục Trung Quốc.

Ngoài Trung Quốc, Nga cũng phản đối gay gắt kế hoạch của Mỹ trong việc triển khai hệ thống THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc. Moscow cho rằng, thiết bị radar của hệ thống THAAD có thể theo dõi các năng lực quân sự của Nga và gây ra mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Nga.

Tuy nhiên, sự phản đối của Nga và Trung Quốc giờ đây cũng chẳng có tác dụng khi mà kế hoạch triển khai THAAD của Mỹ và Hàn Quốc dường như không thể đảo chiều vì các động thái của Bình Nhưỡng. Triều Tiên đã gây ra nỗi quan ngại sâu sắc khi liên tiếp tiến hành các vụ thử hạt nhân và tên lửa từ đầu năm đến giờ, khiến khu vực thường xuyên trong trạng thái căng thẳng cao độ. Mới đây nhất, Triều Tiên vừa phóng đi 3 quả tên lửa liên tiếp chỉ vài giờ sau khi Hàn Quốc và Trung Quốc đề cập đến vấn đề THAAD.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc