Hợp tác bất thành, Nga và Mỹ lao vào cấu xé nhau ở Syria?

14:55, 29/09/2016
|

(VnMedia) - Giới chức chính quyền Tổng thống Barack Obama đã bắt đầu cân nhắc khả năng phản ứng mạnh hơn đối với chiến dịch tấn công Aleppo của quân đội Syria dưới sự hậu thuẫn của Nga, trong đó có cả lựa chọn quân sự.

Diễn biến này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Moscow và Washington leo thang và hy vọng về việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng ở Syria đang ngày một mờ nhạt dần.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Những cuộc thảo luận nói trên mới đang ở “cấp độ quan chức” và chưa có khuyến nghị hay đề xuất nào được đưa lên Tổng thống Obama. Cho đến thời điểm này, ông chủ Nhà Trắng vẫn không muốn Mỹ có bất kỳ hành động quân sự nào được tiến hành ở Syria nhằm chống lại Tổng thống Bashar al-Assad.

Tuy nhiên, việc các quan chức Mỹ đã bắt đầu nói đến lựa chọn quân sự ở Syria diễn ra trùng hợp với thời điểm Ngoại trưởng John Kerry đe dọa cắt đứt mọi hoạt động ngoại giao với Nga ở Syria và buộc Moscow phải chịu trách nhiệm về các cuộc đánh bom bừa bãi nhằm vào những khu vực trong quyền kiểm soát của phe nổi dậy ở Aleppo – thành phố lớn nhất Syria. Đây là lời cảnh báo cứng rắn và sắc lạnh nhất của giới chức Mỹ nhằm vào Nga kể từ sau khi thỏa thuận ngừng bắn mà Nga và Mỹ vừa đạt được sụp đổ hôm 19/9.

Một số quan chức Mỹ cổ súy cho một phản ứng vũ lực mạnh hơn của nước này đối với Nga và chính quyền Syria hôm qua (28/9) cho biết, không rõ liệu Tổng thống Mỹ có hành động gì hay không trong bối cảnh hiện nay và rằng những sự lựa chọn của ông ấy “bắt đầu được đưa ra tranh luận một cách gay gắt”.

Một quan chức Mỹ cho rằng, trước khi bất kỳ hành động nào được tung ra, Washington đầu tiên sẽ phải “thực hiện lời đe dọa của ông Kerry và sẽ cắt đứt các cuộc đàm phán với Nga” về Syria.

Giới chức Mỹ tin rằng, thất bại về ngoại giao ở Syria đã đặt chính quyền Tổng thống Obama vào chỗ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc xem xét hướng đi thay thế và hướng đi này hầu hết liên quan đến việc sử dụng vũ lực. Biện pháp này đã từng được cân nhắc nhưng đã bị đình lại.

Trong những lựa chọn được xem xét có việc cho phép các đồng minh vùng Vịnh của Mỹ cung cấp cho phe nổi dậy Syria vũ khí tinh vi hơn. Đây là biện pháp được cho là đang ngày càng khả thi hơn dù Washington cho đến thời điểm này vẫn phản đối. Một lựa chọn khác là Mỹ sẽ tiến hành không kích vào một căn cứ của chính quyền Assad. Lựa chọn này ít khả thi bởi khả năng gây thương vong cho Nga và điều đó sẽ có hậu quả khó lường, một quan chức giấu tên của Mỹ phân tích.

Những lựa chọn được cân nhắc không nhiều và hơn nữa Tổng thống Obama phản đối bất kỳ cam kết quy mô lớn nào liên quan đến quân đội Mỹ cho chiến trường Syria.

Rõ ràng, nếu Mỹ lựa chọn dùng biện pháp quân sự ở Syria sẽ gây ra nguy cơ về một cuộc chiến thực sự giữa siêu cường số 1 thế giới với Nga. Viễn cảnh đáng sợ nhất trong cuộc khủng hoảng ở Syria là thay vì tìm kiếm giải pháp cho cuộc chiến ở Syria, Nga và Mỹ lại lao vào cấu xe nhau, biến cuộc nội chiến ở Syria thành cuộc xung đột cấp khu vực và quốc tế.

Có thể nói, bất chấp những nỗ lực mới nhất mà hai cường quốc hàng đầu thế giới Nga và Mỹ đã bỏ ra, cuộc nội chiến ở Syria vẫn không “loé lên chút tia ánh sáng nào cuối đường hầm”.

Nỗ lực chung của Nga và Mỹ nhằm tìm kiếm một giải pháp cho cuộc nội chiến ở Syria liên tục bị ảnh hưởng bởi mâu thuẫn và sự thiếu tin tưởng lẫn nhau của các bên có liên quan. Cái vòng luẩn quẩn của giao tranh-ngừng bắn chưa chịu dừng lại và kịch bản cũ tiếp tục tái diễn. Sau khi thỏa thuận ngừng bắn đổ vỡ, các bên tiếp tục quay sang đổ lỗi cho nhau và chỉ trích lẫn nhau.

Một lần nữa, cộng đồng quốc tế lại thất vọng khi Nga và Mỹ không thể “tháo ngòi nổ” cuộc chiến ở Syria, khiến cho triển vọng chấm dứt cuộc xung đột kéo dài gần 6 năm qua ở quốc gia Trung Đông ngày càng trở nên xa vời. Trong khi đó, cuộc chiến này đang trở thành thảm họa nhân đạo khủng khiếp nhất lịch sử thời hiện đại với khoảng 400.000 người thiệt mạng và hàng triệu người mất nhà cửa, bị đẩy vào một cuộc sống khốn cùng.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc