EU phản bội Mỹ, tìm cách hàn gắn với Nga?

17:16, 28/09/2016
|

(VnMedia) - Giới lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) tháng tới sẽ có cuộc họp để tìm cách khai thác khả năng cải thiện quan hệ căng thẳng với Nga trong bối cảnh ngày càng có nhiều nước thành viên bất mãn với chính sách trừng phạt kinh tế nhằm vào Moscow vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt có thể vẫn tiếp tục được duy trì, đặc biệt là những đòn trừng phạt được áp dụng sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea vào Nga hồi tháng 3/2014, bất chấp việc EU đang phải đối mặt với những thách thức về mặt chính trị và pháp lý trong việc duy trì chính sách này.

Một loạt những điều tra gần đây được hãng tin Reuters thực hiện cho thấy, các công ty Châu Âu, trong đó có tập đoàn bán lẻ Metro của Đức và tập đoàn Auchan của Pháp, vẫn tiếp tục làm ăn kinh doanh ở Crimea, phớt lờ các lệnh trừng phạt.

Giới lãnh đạo EU sẽ xem xét lại tình trạng mối quan hệ với Nga tại một hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra trong hai ngày 20 và 21/10. Phe diều hâu trong EU đang bị suy yếu do quyết định rút khỏi liên minh của Anh và do mối quan hệ căng thẳng giữa Brussels với chính phủ theo đường lối chủ nghĩa dân tộc ở Ba Lan.

Các nước hoài nghi về chính sách trừng phạt Nga như Italia, Hy Lạp, Cyprus, Slovakia và Hungary đang háo hức muốn nối lại mối quan hệ làm ăn với Nga ít nhất là để giúp họ bù đắp lại tốc độ tăng trưởng kinh tế trì trệ của Châu Âu. Nga vốn là đối tác thương mại và nhà cung cấp năng lượng chính cho EU.

"Việc tiếp tục kéo dài thời gian trừng phạt Nga sẽ ngày một trở nên khó khăn hơn. Nhưng điều này có thể được thực hiện nếu những nước hoài nghi về chính sách trừng phạt được thuyết phục rằng còn có những yếu tố khác trong chính sách của EU đối với Nga chứ không chỉ là vấn đề trừng phạt”, một quan chức cấp cao EU cho hay.

Một quan chức khác của EU cũng nói thêm vào, "có những lực lượng muốn hạ thấp tiêu chuẩn cho Nga, phát đi một tín hiệu rằng nếu Moscow chỉ cần có một động thái nhỏ thì EU cũng sẽ dần bình thường hóa tình hình. Cũng có những lực lượng muốn tăng tiêu chuẩn đối với Nga”.

"Rốt cuộc, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường hay giảm bớt các biện pháp trừng phạt. Lợi thế của những người muốn giảm các biện pháp trừng phạt là cần phải có sự đồng thuận mới có thể mở rộng chính sách trừng phạt. Tuy nhiên, không ai muốn một mình cản trở việc kéo dài các biện pháp trừng phạt. Sẽ rất là khó nếu một số nước cùng đồng loạt đứng ra", vị quan chức EU nói thêm.

Mỹ, EU cùng với các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine. Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng. Ngoài Mỹ, EU, một loạt nước khác gồm Australia, Canada, Na-uy, Ukraine... đều tham gia vào chính sách trừng phạt Nga.

Đáp lại, Moscow cũng đáp trả bằng cách áp dụng một gói biện pháp trừng phạt nhằm vào tất cả các nước đang tham gia chiến dịch trừng phạt Nga. Lệnh trừng phạt của Nga là lệnh cấm nhập khẩu rau quả, thịt, cá, hải sản và các sản phẩm từ sữa có nguồn gốc từ những nước đang trừng phạt Nga.

Kểt quả là cả hai bên đều bị tổn thất từ cuộc chiến trừng phạt nói trên. Nếu như nền kinh tế Nga lao đao vì đòn trừng phạt của phương Tây thì bản thân nhiều quốc gia Châu Âu cũng đang “ngấm đòn đau” từ chính các biện pháp trừng phạt mà họ áp đặt lên Nga cũng như từ các đòn trả đũa của Moscow.

Trong bối cảnh như vậy, nhiều nước thành viên của Liên minh Châu Âu đang có xu hướng muốn hàn gắn, khôi phục lại quan hệ với Nga để tránh phải tiếp tục hứng chịu những tổn thất gây ra từ cuộc chiến trừng phạt.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc