Bị NATO dàn quân bủa vây, Nga "lạnh sống lưng"

10:46, 19/09/2016
|

(VnMedia) - NATO dự kiến sẽ triển khai một lực lượng 4.000 quân “răn đe” và có thể “chiến đấu” đến khu vực Baltic vào tháng Năm tới trong một động thái rõ ràng là nhằm vào Nga. Người đứng đầu Bộ Chỉ huy Châu Âu đã kêu gọi liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương tiếp cận Nga từ một “lập trường của sức mạnh”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thông báo về việc triển khai 4.000 quân đến sát biên giới với Nga được đưa ra khi giới lãnh đạo quân sự đến từ NATO có cuộc họp ở Split, Croatia hồi cuối tuần vừa rồi. Tại hội nghị thượng đỉnh này, Tướng lục quân của Czech – ông Petr Pavel đã tiết lộ rằng, 4 đội quân chiến đấu sẽ được phái đến khu vực vào các thời điểm khác nhau trong nửa đầu năm sau.

“Với 4 đội quân chiến đấu này, chúng tôi sẽ không chỉ nói đến sự hiện diện mang tính huấn luyện”, ông Pavel cho tờ Thời báo Phố Wall biết. “Lực lượng này sẽ được dùng cho mục đích răn đe và nếu cần sẽ là chiến đấu. Các quy định sẽ khác nhau”, ông Pavel cho biết thêm.

Lực lượng mới của NATO ở Baltic dự kiến sẽ chịu sự chỉ huy trực tiếp từ trụ sở của sư đoàn NATO ở Ba Lan và Tướng Curtis Scaparrotti của Mỹ sẽ chịu trách nhiệm giám sát bất kỳ hoạt động triển khai nào của đội quân mới.

Cũng tại hội nghị thượng đỉnh ở Croatia, người chỉ huy các chiến dịch của NATO ở Châu Âu đã cố gắng tập hợp sự đoàn kết các thành viên của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đối với phương pháp tiếp cận với Nga từ “lập trường sức mạnh”.

Trong khi nhấn mạnh cơ hội hợp tác với Nga, ông Scaparrotti cho rằng, “theo quan điểm của liên minh, tôi có thể nói với các bạn từ hội nghị này rằng các nước đã thừa nhận sự thách thức của Nga trong nhiều lĩnh vực". Trong khi đó, ông Pavel kêu gọi một phương pháp tiếp cận “thực dụng” nhưng “cứng rắn” đối với Nga.

Moscow đương nhiên là không thể vui được trước thông báo mới nhất của NATO về kế hoạch đưa 4.000 quân đến áp sát biên giới của họ vào tháng Năm năm sau.

Mối quan hệ giữa Nga và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow.

Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia.

NATO được cho là cũng thổi phồng về cái gọi là mối đe dọa mang tên Nga, khiến các nước láng giềng xung quanh Nga lo ngại, lao vào một cuộc chạy đua vũ trang. Các nước này còn ra sức kêu gọi NATO triển khai sự hiện diện quân sự lâu dài và cố định trên lãnh thổ của họ với niềm tin rằng, điều đó sẽ thể hiện cam kết của liên minh với an ninh của họ và đó sẽ là một sự răn đe đối với Nga.

Việc NATO tiến sát đến biên giới Nga đi ngược lại những cam kết mà liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đưa ra trong Dự luật Nga-NATO. Dự luật này quy định liên minh quân sự phương Tây không được phép triển khai một số lượng binh lính đáng kể đến lãnh thổ của các nước thành viên NATO mới nằm sát Nga.

Những bước đi trên của NATO vấp phải phản ứng mạnh mẽ và dữ dội của Nga. Moscow cũng tiến hành nhiều biện pháp quân sự để đáp trả và đối phó.

Hồi tháng 5, Moscow tuyên bố thành lập 3 sự đoàn mới có quân số lên tới 30.000 người để để đối phó với việc NATO tăng cường sự hiện diện quân sự ở ngay sát các đường biên giới của Nga. Như vậy, 30.000 quân của Nga chắc chắn sẽ dễ dàng đối phó với 4.000 quân của NATO.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc