Putin đã "hạ đo ván" Obama ngoạn mục như thế nào?

16:38, 26/08/2016
|

(VnMedia) - Khi Nga chính thức phát động chiến dịch can thiệp quân sự vào Syria, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tự tin dự đoán một cái kết xấu cho chính quyền Tổng thống Vladimir Putin, theo đó Moscow được cho sẽ bị mắc kẹt trong “vũng lầy” ở Trung Đông.

Trong
Trong "cuộc đấu" giữa Tổng thống Obama và Tổng thống Putin ở Syria, Nhà lãnh đạo Nga dường như đang thắng thế hoàn toàn.

Tuy nhiên, đến nay, mọi việc được chứng minh là hoàn toàn ngược lại. Thay vì bị sa lầy như Mỹ ở một loạt chiến trường gồm Afghanistan, Iraq và cả Syria, Nga lại thực hiện thành công chiến dịch quân sự của mình, đem về cho nước Nga vị thế và ảnh hưởng ngày càng lớn ở Trung Đông cũng như nhiều lợi ích khác.

Nga chính thức tham chiến ở Syria từ tháng 9 năm ngoái theo lời đề nghị trực tiếp từ Tổng thống Bashar al-Assad – đồng minh của Moscow. Nga tuyên bố đưa lực lượng quân sự vào Syria để tiêu diệt tổ chức khủng bố khét tiếng mang tên Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Sau vô số các cuộc không kích mạnh mẽ, dồn dập và quyết liệt trong nhiều tháng, Nga không chỉ gây tổn thất nặng nề cho lực lượng IS mà còn giúp đảo chiều cuộc nội chiến ở Syria một cách ngoạn mục theo hướng có lợi cho Tổng thống Assad. Từ chỗ thất bại liên tiếp trên chiến trường, mất hàng loạt khu vực lãnh thổ vào tay phe đối lập Syria, quân đội của ông Assad đã lật ngược tình thế, giáng đòn dồn dập vào phe nổi dậy và giành lại được nhiều vùng lãnh thổ đã mất. Vị thế của chính quyền ông Assad từ chỗ bị lung lay đến tận gốc rễ đã được củng cố lại và ngày càng trở nên vững chắc hơn.

Bản thân Nga từ chỗ chỉ có ảnh hưởng với một mình đất nước Syria thì giờ đây Nga đã củng cố lại được vị thế của nước này ở Trung Quốc, giành được ảnh hưởng không chỉ ở Iran, Thổ Nhĩ Kỳ mà cả ở hai nước đồng minh thân thiết của Mỹ là Ả-rập Xê-út và Israel.

Đến thời điểm này, không ai có thể phủ nhận, Nga đã trở thành một người chơi chính, một tiếng nói chính trên bàn cờ khu vực Trung Đông nói chung và đất nước Syria nói riêng. Tổng thống Putin có mục tiêu đưa Nga quay trở lại vị trí hàng đầu trong những tính toán của khu vực Trung Đông và ở vào thời điểm này, có thể khẳng định ông ấy đã đạt được mục đích đó.

Hồi đầu tháng này, Iran đã cho phép Nga sử dụng căn cứ không quân của họ để xuất kích đi thực hiện chiến dịch tấn công ở Syria. Đây là lần đầu tiên Iran chấp nhận cho phép một lực lượng quân sự nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ của họ và “đặc ân” này là thứ mà giới lãnh đạo Iran từ trước đến nay chưa bao giờ dành cho Mỹ. Bản thân Thổ Nhĩ Kỳ sau một thời gian làm căng với Nga giờ lại phải tìm đến tận nước Nga để “sửa chữa lỗi lầm”. Tất cả những diễn biến này đều cho thấy, Moscow giờ đây là một nhân tố không thể thiếu trên bàn cờ khu vực.

Trải qua hơn một thập kỷ tham gia vào các cuộc chiến tranh liên tiếp ở Trung Đông như Afghanistan, Iraq và giờ là Syria, Mỹ cay đắng nhận ra rằng, họ cần phải rút ra bài học từ người Nga. Moscow lần đầu dính líu vào một cuộc chiến ở Trung Đông đã đạt được những thành công nhất định. Nga đã đạt được những mục tiêu đề ra và đã rút ra kịp thời. Trong khi đó, Mỹ bị mắc kẹt trong hai cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq trong khi mục tiêu họ muốn đạt được vẫn xa vời. Viễn cảnh thất bại trên chiến trường Syria cũng là nhãn tiền đối với Mỹ.

Giới phân tích cho rằng, Washington có thể học được từ Moscow trong vấn đề đặt ra mục tiêu. Trong khi người Mỹ theo đuổi mục tiêu chấm dứt cuộc chiến tranh và sau đó là những kế hoạch to lớn nhằm tái thiết đất nước Syria thì người Nga lại đặt ra một mục tiêu tương dối thấp, đó là ngăn không cho chính quyền Assad sụp đổ và khôi phục lại vị thế của chính quyền Syria ở một số phần của đất nước. Thông điệp là khi bạn đặt ra những mục tiêu hạn chế và đạt được chúng, đó là một chiến thắng. Khi bạn đặt ra các mục tiêu cao và đặt ra những viễn cảnh rộng lớn hơn về những gì các bạn có thể đạt được, nếu bạn không hoàn thành, tất cả mọi người đều nói bạn thất bại.

Kiệt Linh


Ý kiến bạn đọc