Nga sẽ khiến phe nổi dậy Syria "chết tức tưởi"?

13:22, 11/08/2016
|

(VnMedia) - Phe nổi dậy Syria có lẽ chưa bao giờ cảm thấy lo ngại như thời điểm này khi các đồng minh từng hậu thuẫn mạnh mẽ cho họ đều lần lượt tìm đến Nga. Liệu phe nổi dậy Syria có rơi vào tình trạng “chết tức tưởi” bởi sự phản bội, quay lưng của hàng loạt đồng minh hay không?

Tổng thống Erdogan và Tổng thống Putin trong cuộc gặp mới nhất vừa diễn ra hôm 9/8
Tổng thống Erdogan và Tổng thống Putin trong cuộc gặp mới nhất vừa diễn ra hôm 9/8

Một trong những diễn biến đáng chú ý nhất trên chính trường quốc tế gần đây chính là sự kiện Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan “thân chinh” đến Nga để “làm lành” với chính quyền Tổng thống Vladimir Putin sau những sứt mẻ nghiêm trọng gây ra từ vụ quân đội Thổ Nhĩ Kỳ thẳng thừng bắn rơi chiến đấu cơ của Nga hồi cuối năm ngoái ở biên giới Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ vốn là một trong những đồng minh lớn nhất và quan trọng nhất của phe nổi dậy Syria. Trong cuộc nội chiến kéo dài sang năm thứ sáu ở Syria, Ankara đã luôn sát cánh bên phe nổi dậy Syria, hậu thuẫn tích cực cho cuộc chiến của lực lượng này nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad. Chính vì thế, Thổ Nhĩ Kỳ đã không ngại quay lưng với Nga dù hai bên đang là những đối tác thương mại, năng lượng quan trọng của nhau. Vụ bắn rơi máy bay chiến đấu của Nga là một biểu hiện rõ nét nhất về việc Ankara sẵn sàng từ bỏ quan hệ với Nga để hậu thuẫn, hỗ trợ cho phe nổi dậy Syria.

Tuy nhiên, tình hình bỗng chốc đảo chiều sau khi xảy ra cuộc đảo chính nhằm lật đổ Tổng thống Erdogan. Từ sự kiện này, chính quyền của ông Erdogan bất ngờ “chìa tay” ra với Nga. Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ từ chỗ thách thức Nga đã quay sang “ve vãn”, làm lành với Nga. Ông Erdogan đã đích thân viết thư xin lỗi Nga dù trước đó khăng khăng từ chối thực hiện điều này.

Cao trào của hành động làm lành của Thổ Nhĩ Kỳ chính là chuyến thăm của Tổng thống Erdogan đến Nga – chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông này sau vụ đảo chính hôm 15/7. Trong cuộc gặp gỡ với Tổng thống Nga, ông Erdogan đã không ngần ngại gọi ông Putin là “người bạn thân mến”.

Diễn biến trên khiến phe nổi dậy Syria đặc biệt lo lắng. Sự lo lắng của phe nổi dậy Syria là có cơ sở khi có thông tin Ankara có thể sẽ bắt tay với Moscow trong vấn đề Syria. Sau cuộc gặp ở St. Petersburg, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và người đồng cấp Nga Putin đã nhất trí với nhau về việc sẽ tiến hành hội đàm riêng về vấn đề Syria, với sự tham gia của các quan chức tình báo và quân sự hàng đầu của hai nước.

Trước đó có tin, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đồng ý đóng cửa biên giới với Syria. Nếu thật sự chuyện này xảy ra, đây sẽ là đòn giáng choáng váng đối với phe nổi dậy Syria bởi lâu nay lực lượng này vẫn được tiếp nhận nguồn lực vũ khí và nhân lực lớn từ biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu Ankara đóng cửa biên giới thì điều đó đồng nghĩa với việc phe nổi dậy Syria bị chặt đứt một nguồn tiếp viện vũ khí và nhân lực vô cùng quan trọng.

Trong khi đó, Mỹ gần đây cũng đã tìm đến Nga để mong muốn có được sự hợp tác trên chiến trường Syria. Một khi Washington thiết lập sự hợp tác với Nga trong cuộc chiến ở Syria thì điều này có thể hiểu là quyết tâm lật đổ chính quyền Tổng thống Assad của Mỹ đã bị lung lay. Nói thẳng ra, Mỹ không còn muốn theo đuổi mục tiêu lật đổ chính quyền Syria – mục tiêu lớn nhất của phe nổi dậy Syria. Thay vào đó, Mỹ muốn phối hợp tác chiến với Nga để diệt trừ khủng bố.

Nếu cùng lúc mất đi sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, sức mạnh của phe nổi dậy Syria sẽ bị suy yếu nghiêm trọng. Khi phải đối đầu với một quân đội Syria đang hừng hực khí thế và một lực lượng khủng bố ngày một điên cường, phe nổi dậy khó có thể “một thân một mình” chống đỡ. Liệu phe nổi dậy Syria có phải “chết tức tưởi” vì sự quay lưng, phản bội của những đồng minh quan trọng như Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ?

Câu hỏi trên hiện tại chưa thể trả lời. Giới chuyên gia tin rằng, còn quá sớm để có thể khẳng định, việc Nga và Thổ Nhĩ Kỳ khôi phục quan hệ với nhau sẽ khiến phe nổi dậy Syria mất đi đồng minh quan trọng. Thực tế cho thấy, những cuộc phản công của phe nổi dậy Syria ở chiến trường Aleppo trong tuần này cho thấy, lực lượng này vẫn được hậu thuẫn một phần bởi Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, sự hợp tác giữa Mỹ và Nga trên chiến trường Syria vẫn vấp phải nhiều trở ngại.

Kiệt Linh


Ý kiến bạn đọc