Tàu chiến Mỹ ngạo nghễ thách thức Nga

13:32, 19/06/2016
|

(VnMedia) - Bất chấp những lời cảnh báo của Nga, Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục đưa tàu chiến vào tiến hành các chuyến tuần tra ở Biển Đen – nơi vốn được xem là “sân sau” của Nga.

Tàu chiến Mỹ ở Biển Đen
Tàu chiến Mỹ ở Biển Đen

Mỹ sẽ tiếp tục có mặt ở Biển Đen, Bộ trưởng Hải quân Mỹ mới đây tuyên bố đầy thách thức như vậy để đáp trả lời cảnh báo của Moscow được đưa ra trước đó, trong đó nói rằng, việc tàu khu trục Mỹ tuần tra ở Biển Đen sẽ làm phương hại đến an ninh khu vực.

Theo lời Bộ trưởng Hải quân Ray Mabus, vai trò của Hải quân Mỹ là ngăn chặn sự gây hấn, xâm lược và giữ cho các tuyến đường biển ở Biển Đen luôn được rộng mở. “Chúng tôi sẽ luôn có mặt ở đó”, ông Mabus nhấn mạnh. “Chúng tôi sẽ ngăn chặn. Đó là lý do chính chúng tôi hiện diện ở đó – hiện diện để ngăn chặn những cuộc xâm lược hay hành động gây hấn có thể xảy ra”.

Các nước ở xung quanh Biển Đen gồm có Nga, Bulgari, Gruzia, Rumani, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ.

Rumani và Thổ Nhĩ Kỳ đang ra sức thúc đẩy NATO tăng cường sự hiện diện quân sự của liên minh quân sự này ở Biển Đen như một phần của nỗ lực đáp trả cái mà họ gọi là sự gây hấn của Nga trong khu vực. Các nước này được cho sẽ đưa ra một đề xuất chung tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng Bảy tới.

Nga có hạm đội Biển Đen ở Sevastopol và khẳng định hạm đội này không gây ra mối đe dọa gì cho NATO.

Mối quan hệ giữa Nga và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất từ trước đến nay kể từ khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bùng phát. Sau khi Nga tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea, NATO đã tuyên bố cắt đứt mối quan hệ với Moscow. Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương ra sức cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình ở Ukraine. Bất chấp việc Nga kiên quyết bác bỏ cáo buộc trên, NATO vẫn đẩy mạnh sự hiện diện quân sự của mình tại các quốc gia nằm sát biên giới với Nga như Ba Lan, một số quốc gia vùng Baltic thuộc Liên xô cũ như Latvia, Lithuania và Estonia.

Việc NATO tiến sát đến biên giới Nga đi ngược lại những cam kết mà liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đưa ra trong Dự luật Nga-NATO. Dự luật này quy định liên minh quân sự phương Tây không được phép triển khai một số lượng binh lính đáng kể đến lãnh thổ của các nước thành viên NATO mới nằm sát Nga. Những bước đi của NATO khiến Nga không thể ngồi yên.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc