Qua mặt Mỹ, EU âm thầm "đi đêm" với Nga?

10:06, 03/06/2016
|

(VnMedia) - Trước thềm cuộc họp bàn về việc gia hạn các biện pháp trừng phạt Nga vào tháng tới, một số chuyên gia về chính sách đối ngoại nhận định, không có sự thống nhất, đoàn kết trong hàng ngũ của Liên minh Châu Âu (EU) về việc tiếp tục chính sách trừng phạt Nga và chắc chắn sẽ có sự linh hoạt trong vấn đề này.

Ảnh minh hoạt
Ảnh minh hoạt

“Mỗi lần các biện pháp trừng phạt của EU được đưa lên bàn để quyết định vấn đề gia hạn thì đều có những đồn đoán về việc các nước thành viên có thể phá vỡ 'mặt trận' bằng cách bỏ phiếu chống lại những biện pháp trừng phạt về thương mại, tài chính nhằm vào Nga”, nhà bình luận của tờ Bloomberg – ông Leonid Bershidsky cho biết.

Cho đến thời điểm này, “những hy vọng đó đều đã bị phá tan bởi lập trường cứng rắn của chính quyền Mỹ và của Thủ tướng Đức Angela Merkel. Washington coi những biện pháp trừng phạt là hình thức răn đe nhằm vào sự gây hấn của Nga còn bà Merkel thì tức giận bởi cách Tổng thống Putin xử lý vấn đề Ukraine”, ông Bershidsky phân tích.

Tuy nhiên, theo cây viết của tờ Bloomberg, cả hai cản trở nói trên đều đang giảm dần. Ông Bershidsky giải thích rằng, Washington đã trở nên “thất vọng trước sự cứng nhắc, không khoan nhượng của Ukraine”. Sự cứng nhắc mà Mỹ nói đến là việc Ukraine chần chừ không chịu thực hiện các nghĩa vụ của họ được quy định trong thoả thuận Minsk.

“Sự cứng nhắc, không khoan nhượng của Kiev cùng với cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài dai dẳng ở Ukraine, tình trạng thiếu những cải cách kinh tế và nạn tham nhũng tiếp tục lan tràn đã khiến Washington ngày càng mất dần sự ủng hộ đối với Kiev. Hơn nữa, giới chức Mỹ hiện giờ đang quá bận rộn với cuộc bầu cử tổng thống”, tác giả bài báo cho hay.

Mặt khác, làn sóng người nhập cư Syria đổ vào Đức đã làm phương hại đến sức mạnh chính trị của Thủ tướng Đức Merkel.

Vì thế, ông Bershidsky nhận định, cả điện Kremlin và các nhân vật có ảnh hưởng ở Châu Âu “đều đang tìm cách để khởi động tiến trình tháo gỡ cuộc đối đầu với Nga mà không bị mất mặt” và điều này sẽ được thực hiện bằng cách không thông qua Washington – nước vẫn đang thúc đẩy các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.

Theo ông Bershidsky, các biện pháp trừng phạt hiện tại gần như chắc chắn sẽ được gia hạn vì không nước nào muốn nổi loạn trong vấn đề này khi mà các vấn đề nghiêm trọng hơn như cuộc khủng hoảng nhập cư và cuộc trưng cầu dân ý về EU của Anh đang nóng bỏng trên bàn nghị sự. Tuy nhiên, việc nới lòng các biện pháp trừng phạt dường như sẽ bắt đầu trong vài tháng nữa.

Quan điểm trên được chia sẻ bởi website New Eastern Outlook. Website này tin rằng, chắc chắn đang có những vết rạn trong sự đoàn kết của EU liên quan đến vấn đề trừng phạt Nga.

“Các nước G-7 vừa mới đây đã bỏ phiếu nhất trí gia hạn các biện pháp trừng phạt Nga và Hội đồng EU nhanh chóng theo sau bằng thông báo của cựu Tổng thống Ba Lan Donald Tusk – một nhân vật chống Nga mạnh mẽ”.

“Tuy nhiên, sự phản đối đang lan rộng khắp Châu Âu và phong trào này được dẫn dắt bởi một vài trong số các thành viên mới ở Đông Âu. Những nước này cảm thấy rằng, EU bị mắc kẹt bởi áp lực trừng phạt mà Mỹ đòi hỏi trong khi Mỹ chỉ bị thua thiệt khoảng 10% lợi ích kinh tế. Xuất khẩu nông phẩm của EU sang Nga giảm 29% trong năm ngoái, tương đương với 4,4 tỉ euro và ước tính mất 130.000 việc làm”.

Theo nhà phân tích Jim W. Dean, những nước bỏ phiếu ủng hộ việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga có thể bao gồm cả Pháp, Đức và đáng ngạc nhiên là thậm chí cả Ukraine.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là dự đoán. Mọi việc phải chờ đến cuộc họp của EU vào tháng Bảy tới.

Mỹ, EU cùng với các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine. Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng. Đáp lại, Moscow cũng đáp trả bằng cách áp dụng một gói biện pháp trừng phạt nhằm vào tất cả các nước đang tham gia chiến dịch trừng phạt Nga. Kết quả là cả hai bên đều bị tổn thất từ cuộc chiến trừng phạt nói trên.

Kiệt Linh (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc